Ấn Độ thay thế tên lửa đạn đạo Prithvi I “17 tuổi“

Google News

(Kiến Thức) - Ấn Độ đang có kế hoạch rút khỏi trang bị tên lửa đạn đạo chiến thuật Prithvi I sau 17 năm phục vụ và thay bằng tên lửa tiên tiến hơn, Prahar.

“Chúng tôi sẽ loại biên chế tên lửa chiến thuật có tầm bắn 150km Prithvi I và thay thế chúng bằng tên lửa Prahar có tầm bắn xa hơn và độ chính xác cao hơn”, lãnh đạo Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) Avinash Chander nói.

Prithvi I (còn được gọi là SS150) là tên lửa đạn đạo chiến thuật đầu tiên được đưa vào phục vụ trong Quân đội Ấn Độ. Nó được phát triển dựa theo Chương trình Phát triển Tên lửa Tích hợp (IMDP) trong những năm 1980. Prithvi I chính thức đưa vào phục vụ năm 1994 và biến thể tăng tầm mang tên Prithvi II đưa vào trang bị năm 2004.

“Người thay thế” – tên lửa đạn đạo chiến thuật Prahar được phóng thử lần đầu năm 2011. Nó được phát triển để cung cấp khả năng phản ứng nhanh, yểm trợ hỏa lực chiến trường trong mọi điều kiện thời tiết…
Bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo chiến thuật chính xác cao Prahar tại trường bắn Chandipur.

Prahar sẽ tăng phạm vi của Quân đoàn Pháo binh Ấn Độ lên 150km, vượt ngoài tầm 90km được “bao phủ” bởi hệ thống pháo phản lực tầm xa Smerch và Pinaka. Về cơ bản thì Prahar có tầm bắn tương đương Prithvi I (150km), nhưng nó có kích cỡ nhỏ hơn nhiều và có các thuộc tính phù hợp hơn cho việc triển khai chiến thuật.

Với kích cỡ nhỏ, một xe mang phóng tự hành có thể chở tới 6 quả đạn Prahar trong khi với Prithvi I thì chỉ mang 1 quả.

Tên lửa đạn đạo Prahar dài 7,3m (đường kính thân 0,42m) so với chiều dài 9m (đường kính 1,1m) của Prithvi I, tổng trọng lượng của tên lửa Prahar là 1,28 tấn (đầu đạn 200kg) lớn hơn đầu đạn của Prithvi I một chút (đầu đạn 1 tấn, tổng trọng lượng 4,4 tấn).

Ngoài ra, Prahar cung cấp khả năng phản ứng nhanh chóng, thời gian triển khai phóng nhanh nhờ việc sử dụng hệ thống động cơ đẩy nhiên liệu rắn, không phải là nhiên liệu lỏng như của Prithvi I (chỉ được nạp vào quả đạn trước khi phóng, không thể lưu giữ bên trong đạn).

Prahar thử thành công lần đầu vào ngày 21/7/2011 từ trường bắn ở Chandipur. Trong cuộc thử nghiệm, Prahar đã hành trình 150km trong vòng 250 giây và đánh trúng mục tiêu giả định ở vịnh Belgal với bán kính lệch mục tiêu ít hơn 10m.

DRDO phát triển tên lửa Prahar chỉ trong khoảng thời gian 2 năm, từ 2009-2011. Tên lửa và các hệ thống đi kèm được chế tạo tại nhà máy Bharat Dynamics Ltd – nhà sản xuất tên lửa lớn nhất Ấn Độ.

Prahar được hi vọng sẽ lấp đẩy khoảng trống tên lửa chiến thuật tầm ngắn theo yêu cầu của Lục quân và Không quân Ấn Độ, trong tiêu diệt các mục tiêu chiến thuật và chiến lược.

Bệ phóng di động (khung gầm xe bánh lốp Tatra 8x8) của hệ thống Prahar có khả năng mang tới 6 quả đạn (nhờ kích cỡ nhỏ hơn so với Prithvi I), việc chuẩn bị phóng chỉ mất 2-3 phút mà không cần bất kỳ sự chuẩn bị nào khác, thời gian phản ứng nhanh hơn, khả năng sống sót cao hơn.



Hoàng Lê