Ba Lan kéo dài tuổi thọ “đôi cánh ma thuật” Su-22

Google News

(Kiến Thức) - Do thiếu máy bay, Ba Lan bắt buộc phải nâng cấp các máy bay cường kích Su-22M4/UM3K để kéo dài tuổi thọ phục vụ.

Tạp chí Flight Global dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak, toàn bộ phi đội máy bay chiến đấu Su-22 của không quân nước này sẽ được nâng cấp, hiện đại hóa kéo dài tuổi thọ.
Hiện nay, biên chế Không quân Ba Lan có tất cả 26 chiếc biến thể Su-22M4 và 6 chiếc biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-22UM3K, tất cả đều đặt tại căn cứ không quân Swidwin.
“Một quyết định đầy đủ về tương lai hoạt động của Su-22 sẽ được đưa ra vào giữa tháng 3, với 2 lựa chọn đang được xem xét”, nguồn tin cho biết.
Một trong những lựa chọn là hiện đại hóa tất cả các máy bay và giữ lại để phục vụ thêm 3 năm. Lựa chọn khác là sẽ chỉ nâng cấp 16 chiếc chiến đấu Su-22M4 để tiếp tục phục vụ thêm 10 năm.
Việc nâng cấp không được tiết lộ chi tiết, tuy nhiên theo nguồn tin rò rỉ thì khả năng lướn các máy bay Su-22 sẽ được lắp đặt hệ thống điện tử hàng không mới, hệ thống hiển thị buồng lái và đại tu lớn khung máy bay ở kho WZL-2 tại Bydgoszcz.
 Máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe Su-22M4 của Không quân Ba Lan.
Chương trình hiện đại hóa Su-22 sẽ giúp Ba Lan có thêm thời gian để lựa chọn máy bay kế nhiệm. Vài năm trước, quốc gia này dự định thay thế Su-22 bằng mẫu tiêm kích F-16 hoặc F-35 của Mỹ nhưng đều không thành, một phần vì ngân sách eo hẹp.
Hiện, trang bị chủ lực của Không quân Ba Lan có 48 chiếc F-16C/D cùng 31 chiếc tiêm kích MiG-29.
Su-22 là tên gọi biến thể xuất khẩu của máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe Su-17 do Cục thiết kế Sukhoi nghiên cứu phát triển từ những năm 1960 và được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Biến thể mà Ba Lan đang sử dụng là mẫu sản xuất loạt cuối cùng của dòng Su-22 được nâng cấp mạnh hệ thống điện tử hàng không, hệ thống điều khiển hỏa lực đem lại cho nó khả năng mang vũ khí tấn công mặt đất chính xác cao như tên lửa Kh-23, Kh-25, Kh-29, Kh-58 và cả bom dẫn đường bằng lade.
Ngoài ra, Su-22 nói chung và Su-22M4 nói riêng cũng có thể mang được 2 đạn đối không R-60 hoặc K-13 để tự vệ trước tiêm kích địch.
Su-22M4 trang bị động cơ tuốc bin phản lực cải tiến Lyuka AL-21F3 (tải nhiên liệu tối đa 3,77 tấn) cho tốc độ bay siêu thanh ở trần bay thấp và tốc độ tối đa 1.860km/h ở trần bay cao, bán kính chiến đấu hơn 500km với 2 tấn vũ khí.
Lưu ý rằng, Su-22M/M3/M4/UM3K hiện được trang bị rộng rãi trong Không quân Nhân dân Việt Nam. Thậm chí, Su-22 đang giữ vai trò không đối không thay thế tạm thời mẫu tiêm kích MiG-21 đã hết hạn sử dụng.
Hoàng Lê