Hết tiền, Mỹ cho “về vườn” hàng loạt binh lính, vũ khí

Google News

(Kiến Thức) - Quân đội Mỹ sẽ thực hiện cuộc cắt giảm binh lực quy mô lớn với việc cho “về hưu” 70.000 lính và toàn bộ máy bay cường kích A-10 và do thám U-2.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel vào ngày hôm qua đã công bố chương trình giải trừ vũ khí, nhân sự quy mô lớn. Dự kiến trong năm tài chính 2015 sẽ cắt giảm hơn 70.000 lính, như vậy quân thường trực Quân đội Mỹ sẽ ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Nguồn tin cho biết, ông Chuck Hagel đã công bố những điểm mấu chốt trong ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm tài chính 2015, trong đó Quân đội Mỹ sẽ được giảm từ 520.000 người xuống 450.000 người.
Năm 2015, 70.000 lính Mỹ sẽ được về nhà.
Kể từ sau cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11/9, để đối phó với cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, Quân đội Mỹ có thời điểm lên tới 570.000 người, nếu được chương trình giải trừ quân bị lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel được thông qua, thì đây sẽ là mức thấp kỉ lục của lực lượng Quân đội Mỹ kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ.
Quy mô Quân đội Mỹ vào năm 1940, trước khi tham gia Chiến tranh Thế giới thứ 2 là 267.000 quân, nhưng nhanh chóng đạt mức 8,2 triệu quân vào thời điểm kết thúc chiến tranh. Trong thời gian diễn ra chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ duy trì ở mức 1,6 triệu người.
Ông Hagel cho biết, ngay cả khi cắt giảm hơn 70.000 lính lục quân thì Quân đội Mỹ “vẫn có thể giành chiến thắng tại bất kỳ cuộc chiến nào”. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng điều này có nghĩa là trong tương lai Lầu Năm Góc sẽ không thể duy trì một cuộc chiến tranh quy mô tại chiến trường nước ngoài.
Ông Hagel cảnh báo rằng, nếu ngân sách quốc phòng trong năm tài chính 2016 tiếp tục bị cắt giảm, thì lực lượng Quân đội Mỹ sẽ được giảm xuống 420.000 người. Chi phí tiết kiệm được sẽ chuyển cho các lực lượng đặc biệt hoặc dùng cho phát triển công nghệ quân sự mới.
"Hung thần diệt tăng" A-10 bắt buộc phải về hưu.
Về không quân, ông Hagel cũng khẳng định, quân đội Mỹ đã quyết định giữ nguyên chi phí để đầu tư nghiên cứu và phát triển máy bay chiến đấu F-35, nhưng sẽ loại bỏ tất cả các máy bay tấn công A-10 và máy bay do thám U-2, thay vào đó sẽ sử dụng các UAV Global Hawk.
Về hải quân, Quân đội Mỹ sẽ vẫn giữ nguyên 11 biên đội tàu sân bay trong năm tài chính 2015. Nhưng ông Hagel cảnh báo rằng, trong năm tài chính 2016 thì “số mệnh” của tàu sân bay George Washington sẽ không được đảm bảo. Nếu tại thời điểm đó quân đội không thanh toán được các chi phí sửa chữa lớn thì rất có thể tàu sân bay George Washington sẽ bị buộc phải nghỉ hưu, như vậy thì số lượng tàu sân bay hoạt động của Mỹ sẽ chỉ có 10 chiếc.
Theo kế hoạch quân sự của Mỹ, để thực hiện chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong tương lai quân đội Mỹ sẽ bố trí 6 tàu sân bay cũng như hầu hết các tàu tuần dương, tàu khu trục, tàu chiến đấu ven biển và tàu ngầm sẽ được chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tới năm 2022, Mỹ sẽ đưa 60% quân lực đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Hagel còn cho biết, mặc dù ngân sách dành cho quốc phòng Mỹ có thể tiếp tục suy giảm nhưng Lầu Năm Góc vẫn sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động quân sự chuyển giao cho khu vực châu Á -Thái Bình Dương, tiếp tục tuân thủ các cam kết quốc phòng với những đồng minh châu Âu và khu vực Trung Đông, tiếp tục đẩy mạnh việc ngăn chặn mạng lưới khủng bố toàn cầu.
Ánh Dương