Cẩn trọng khi ôn thi bị ho ra máu

Google News

(Kiến Thức) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, một nữ sinh  bỗng ho ra máu nhưng vì bị viêm amidan mạn tính nên nghĩ "không sao". Ai ngờ, mấy ngày sau, phải nhập viện cấp cứu...

Nữ sinh Trần Thúy H. (18 tuổi, trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TPHCM) là học sinh giỏi 12 năm liền, con nhà khá giả và cũng đã chích ngừa lao từ nhỏ nhưng điều không may đã xảy đến với em. Trước ngày thi tốt nghiệp THPT thì em bị ho, sốt nhẹ, sụt ký và ho ra máu nhưng H. nghĩ là do mình học nhiều, thức khuya mệt và bị viêm amidan từ nhỏ nên mới bị như vậy. 

H. vẫn đi học bình thường, mãi đến khi mẹ H. thấy con gái thức khuya học bài nên qua phòng con gái thì mới biết H. ho ra máu. Đi khám, bác sĩ cho chụp phim X-quang và nội soi để kiểm tra thì phát hiện ra H. bị bệnh lao chứ không phải là viêm amidan thông thường.

Chích ngừa chỉ giảm nguy cơ mắc thể lao nặng

ThS.BS Nguyễn Hồng Đức, Trưởng khoa Khám bệnh & Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM cho biết, ho ra máu là một cấp cứu nội khoa, do nhiều nguyên nhân gây ra, phần lớn là các bệnh lý hô hấp nên bệnh nhân cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tất cả mọi người đều có thể nhiễm lao và mắc bệnh lao, con người là vật chủ để vi trùng lao ký sinh. Lao lây chủ yếu bằng đường hô hấp, nghĩa là do hít phải vi trùng lao vào phổi.

Khi bệnh nhân lao phổi nói, nhất là khi ho hoặc hắt hơi, họ sẽ bắn ra xung quanh muôn ngàn những hạt đàm nhỏ, trong các hạt đều có chứa một số vi trùng lao: Đó là các hạt nhỏ gây nhiễm. Lao phổi là nguyên nhân thường gặp nhất ở người bị ho ra máu. Bệnh nhân đã từng chích ngừa lao khi mới sinh ra vẫn có thể bị mắc bệnh lao, nhưng tránh mắc phải những thể lao nặng như lao màng não, lao kê.

Vi trùng lao có thể gây bệnh ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể như lao phổi, lao xương, lao da, lao thận, lao màng não, lao màng tim, lao hạch... Lao phổi là thường gặp nhất, lao ngoài phổi ít gặp hơn. Chỉ có lao phổi mới lây, người bị lao phổi thường có những triệu chứng như ho khạc kéo dài trên 3 tuần, gầy sút, kém ăn, mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi đêm, đau ngực, khó thở, ho ra máu. 

Bác sĩ Khoa Lao, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM đang khám cho
bệnh nhân Trần Thúy H.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

ThS.BS Nguyễn Hồng Đức cho biết, bệnh lao phổi có nhiều biến chứng. Biến chứng có thể xuất hiện như bệnh cảnh lâm sàng mở đầu, nghĩa là có biến chứng rồi mới phát hiện ra bệnh, hoặc xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh. Các biến chứng hay gặp như ho ra máu, tràn khí màng phổi do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi là biến chứng nặng. Vi trùng lao từ hang lao nhiễm vào màng phổi và gây ra tràn mủ - tràn khí màng phổi. Điều trị khó khăn, vừa điều trị lao, vừa phải đặt ống dẫn lưu màng phổi. Ngoài ra, còn tràn dịch màng phổi, dãn phế quản, suy hô hấp mãn, tràn khí màng phổi, u nấm phổi...

ThS.BS Nguyễn Huy Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM khuyến cáo, các phụ huynh có con cái trong mùa thi cử, đặc biệt là sắp thi đại học phải để ý để phát hiện sớm bệnh lao ở con em mình, để tránh bị bệnh nặng sẽ để lại những di chứng. Vì mùa thi cử, các cháu hay thức khuya để học bài, ăn uống qua loa và chủ quan sức trẻ nên hay bị phát hiện ra bệnh muộn. 

Trong năm 2012 có 2.499 người mắc bệnh lao ở độ tuổi từ 15 - 34 , riêng quý I/2013 đã có 568 người nhiễm, trong đó bệnh nhân nữ chỉ có  211 người nhưng số ca điều trị nội trú cao hơn nam nhiều lần. 
(Số liệu của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TPHCM)

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bùi Hương