Lộ tính năng pháo cận chiến độc đáo, cực mạnh của Iran

Google News

(Kiến Thức) - Asefeh được kết cấu với 3 nòng pháo 23mm, đạt tốc độ bắn hơn 1.000 phát/phút, có uy lực tấn công lớn.

Jane’s Defence Weekly đã cho công bố hình ảnh đầy đủ nhất về một loại pháo bí ẩn từng được Iran úp mở trong tháng 11/2013. Loại pháo bí ẩn đó được định danh là Asefeh - kiểu pháo ổ quay được Iran giới thiệu là một vũ khí sử dụng cho mục đích phòng thủ tầm cực gần.

Hình ảnh đầy đủ về loại pháo này đã được nhìn thấy vào ngày 28/9/2014. Trước đó vào tháng 11/2013, Iran đã từng úp mở rằng họ đang phát triển một loại pháo 3 nòng nhưng chỉ có một phần của khẩu pháo đó được công bố. Hình ảnh đầy đủ của loại pháo này mới được truyền thông Iran khoe vào cuối tháng 9.

Pháo Asefeh 3 nòng 23 mm được Iran phát triển dựa trên pháo M197 của Mỹ.

Các hình ảnh công bố cho thấy pháo Asefeh được phát triển dựa trên pháo M197 20 mm trang bị trên trực thăng tấn công hạng nhẹ AH-1J Sea Cobra mà Mỹ chuyển giao cho Iran những năm 1970. Pháo M197 là một biến thể 3 nòng của pháo M61A1 Vulcan 6 nòng. So với pháo M61 tốc độ bắn của pháo M197 giảm xuống còn 750-1.500 viên/phút.

Phương tiện truyền thông Iran cho hay, Asefeh là pháo cỡ nòng 23 mm, như vậy nhiều khả năng nó sẽ bắn loại đạn 23x115 mm hoặc 23x152 mm có nguồn gốc từ Nga. Trong một bức ảnh do hãng tin Fars công bố cho thấy đạn xuyên cháy API-T  23x152 mm đã được trưng bày cùng với pháo Asefeh.

Loại đạn API-T này cũng đã được sử dụng để bắn thử nghiệm. Loại đạn 23x152 mm được sản xuất bởi Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Iran (DIO). Nó được sử dụng chung với pháo phòng không hạng nhẹ ZU-23 có khá nhiều trong biên chế quân đội Iran. Đạn này có chiều dài tổng thể 237mm và đường kính tối đa 37 mm.

 Loại đạn được cho là đạn xuyên cháy API-T 23x152 mm dùng cho pháo mới của Iran.

Việc sử dụng loại đạn lớn hơn và nặng hơn cho pháo Asefeh sẽ tạo ra lực giật mạnh hơn. Điều này đòi hỏi những thay đổi trong cơ cấu các thành phần vốn sử dụng trên pháo M197 bao gồm, nòng súng, buồng đạn, bộ phận khóa nòng. Bộ phận tiếp đạn cũng cần phải được thiết kế lại.

Tuy nhiên, những hình ảnh công bố khá hạn chế của pháo Asefeh rất khó để xác định nó sử dụng cỡ nòng 23 mm. Bên cạnh đó, hình ảnh về loại đạn được cho là 23x152 mm bị che mất phần sau càng làm cho việc xác nhận loại đạn của nó trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù truyền thông Iran đã công bố những hình ảnh cho thấy họ đã thành công trong việc thay đổi thiết kế phức tạp của pháo M197 để bắn đạn 23 mm. Song nhiều khả năng, pháo Asefeh vẫn sử dụng loại đạn 20 mm tương như trên pháo M197 mà thôi.

Quốc Minh