Việt Nam nâng sức mạnh “sát thủ bắn tỉa” SVD

Google News

(Kiến Thức) - Với kính ngắm đêm NVF-1BT, súng trường bắn tỉa Dragunov SVD của Việt Nam sẽ như “hổ mọc thêm cánh”.

Theo kênh truyền hình Quốc phòng TV, Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công kính ngắm đêm dành cho súng bắn tỉa Dragunov SVD được định danh là NVF-1BT. Loại kính ngắm này được đánh giá là có tính năng tương đương với các mẫu của Nga, Mỹ, Anh, Pháp.
Quốc phòng TV cho biết, kính ngắm đêm NVF-1BT là sản phẩm đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng đã được nghiệm thu, đạt loại xuất sắc năm 2012. Kính được trang bị đi kèm với súng bắn tỉa SVD 7,62mm nhằm mục đích phục vụ cho xạ thủ quan sát và ngắm bắn đêm. Sản phẩm được nghiên cứu thiết kế bởi Phòng Kỹ thuật Hồng ngoại, Viện Vật Lý Kỹ thuật (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng).
 Sản phẩm kính ngắm đêm NVF-1BT gá trên thân súng trường bắn tỉa SVD.
Đề tài kính ngắm đêm cho súng trường bắn tỉa SVD bắt đầu được triển khai vào năm 2010. Và đến năm 2011, lần đầu tiên kính ngắm được chế tạo thành công cả về mặt công nghệ, kỹ thuật và được gửi đi áp dụng thử tại các đơn vị như Lữ đoàn Đặc công 113, Khoa bắn súng – Trường Sĩ quan Lục quân I.
Sau nhiều tháng ứng dụng, với nhiều lần đánh giá phối hợp giữa đơn vị thiết kế và đơn vị áp dụng, thông qua các hoạt động thực hành chiến đấu bắn đạn thật, sản phẩm kính ngắm đêm đã được hoàn thiện với độ ổn định cao, tính năng vượt trội so với sản phẩm cùng loại trong nước và tương đương với các kính ngắm đêm cùng loại của nước ngoài.
“Hiệu quả của kính ngắm rất cao, thứ nhất về quá trình sử dụng thì bộ đội lắp ráp dễ dàng, quá trình thao tác không gặp khó khăn gì so với loại kính khác. Trong hoạt động chiến đấu, chúng tôi đã ngắm bắn ở cự ly 200m qua bài bắn cơ bản và bài bắn đĩa và hiệu quả mang lại rất tốt”, Chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Đặc công 113 Trung tá Nguyễn Trọng Thuyên nói.
 Kính ngắm NVF-1BT có tính năng đương loại do nước ngoài sản xuất.
Thiếu úy Lưu Đức Nam – Đội trưởng Đội chống khủng bố Lữ 113 cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng kính ngắm ban đêm được tầm 5 tháng, qua đó thấy rằng nó rất hiệu quả trong hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Kính ngắm đêm này có hiệu quả trong cự ly 500m”.
NVF-1BT là sản phẩm kính ngắm ban đêm đầu tiên được thiết kế chế tạo một cách hoàn chỉnh ở nước ta, với các tính năng vượt trội hoàn toàn đáp ứng được nhiệm vụ chiến đấu. Nhờ khả năng làm chủ hoàn toàn về mặt công nghệ, hàng loạt sản phẩm kính ngắm bắn và quan sát đêm đã hoàn thiện và ra đời có thể ứng dụng cho nhiều loại hỏa lực quân đội như pháo chống tăng D44, pháo ZU-23-2 bắn mục tiêu mặt đất, đại liên PKMSN, tiểu liên AKM… Những khí tài này sau khi sản xuất hàng loạt và trang bị đồng bộ cho quân đội, sẽ góp phần không nhỏ nâng cao khả năng chiến đấu của bộ đội ta.
 Súng trường bắn tỉa SVD được nâng cao sức mạnh trong tác chiến đêm với kính ngắm mới do Việt Nam tự chế tạo.
Dragunov SVD là loại súng trường bắn tỉa tiêu chuẩn thường trang bị cho các đơn vị bộ binh, đặc công Quân đội Nhân dân Việt Nam. Súng có chiều dài tổng thể 1,22m (chiều dài nòng 0,62m), trọng lượng 4,3kg. Súng sử dụng đạn tiêu chuẩn 7,62x54mmR, băng đạn 10 viên.
Với những phát đạn cần độ chính xác cao, SVD dùng đạn 7N1 với lõi đạn ngoài bằng thép và lõi đạn trong bằng chì làm tăng khả năng xuyên thủng lên tối đa khi trúng mục tiêu. Loại đạn 7N1 đã được thay thế bằng loại đạn 7N14 vào năm 1999. Loại đạn 7N14 được thiết kế riêng cho SVD, nó có thể di chuyển với vận tốc 830 m/s. 7N14 có một lõi đạn đặc và sắc hoàn toàn bằng thép.
Súng bắn tỉa SVD có thể bắn bằng đầu ruồi (tầm xa đến 1.200m) và thước ngắm như các loại súng bộ binh thông thường. Đối với những phát bắn tầm xa, súng sử dụng ống ngắm PSO-1 với khả năng tính đường cong của đường đạn, một nút điều khiển chiều cao, cùng một hệ thống tính khoảng cách đến mục tiêu cũng như chế độ nhìn đêm với ánh sáng yếu. Súng có tầm bắn hiệu quả lên đến 800m, và tầm bắn xa nhất đạt 1.300m (với ống ngắm).
Và bây giờ với kính ngắm đêm NVF-1BT, SVD sẽ mạnh hơn rất nhiều đặc biệt là trong tác chiến ban đêm, điều kiện ánh sáng yếu.
Hoàng Lê