Báo động tình trạng nắng nóng kỷ lục, cháy rừng trên toàn quốc

Google News

Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, do nắng nóng kỷ lục, cả nước xảy ra gần 400 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 1.200ha rừng, làm 12 người tử vong, 6 người bị thương.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý, về mặt lý thuyết, độ che phủ rừng cả nước là 42% nhưng diện tích thực tế có thể thấp hơn số liệu. Theo quy định hiện hành, đến năm 2030, mới được đo đạc lại, nhưng Trung ương đã có chủ trương giao cho Bộ NN&PTNT lập đề án đo đạc riêng cho 5 tỉnh Tây Nguyên. Đây là làm thí điểm ở một khu vực, xem mức độ còn rừng có đúng như trên giấy hay không.

Tổng diện tích rừng cả nước đến cuối năm 2023 là hơn 14,8 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên khoảng 10,1 triệu ha, rừng trồng 4,7 triệu ha, tỷ lệ che phủ đạt 42,02%.

Bao dong tinh trang nang nong ky luc, chay rung tren toan quoc
Năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra gần 400 vụ cháy rừng, làm 12 người chết, 6 người bị thương

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, do nắng nóng kỷ lục, cả nước xảy ra gần 400 vụ cháy rừng, thiệt hại gần 1.200ha rừng, làm thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, cháy rừng đã làm 12 người tử vong, 6 người bị thương.

Cũng trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra khoảng 4.000 vụ phá rừng, diện tích thiệt hại hơn 1.200ha. Các vụ phá rừng diễn ra chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên, miền núi  phía Bắc và Bắc trung bộ.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất vùng Tây Nguyên với hơn 552.000ha, công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Các cơ chế, chính sách, nguồn vốn cho các chương trình, dự án lâm nghiệp và người làm nghề rừng chưa đảm bảo. Cùng với nhiều địa phương, tỉnh Kon Tum đang rất quan tâm đến vấn đề chứng chỉ carbon, cần có hướng dẫn để thực hiện.

“Chứng chỉ carbon rừng là một vấn đề mới và đây xem như là một nguồn tài chính bền vững để hỗ trợ đắc lực cho địa phương và các chủ rừng thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Tuy nhiên, nội dung này chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Kính đề nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương xem xét, nghiên cứu ban hành các hướng dẫn cụ thể để thực hiện, nhất là cơ chế mua- bán, quản lý- sử dụng nguồn kinh phí này”, ông Tháp cho hay.

Bao dong tinh trang nang nong ky luc, chay rung tren toan quoc-Hinh-2
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Kon Tum 
 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng lưu ý, năm nay biến đổi khí hậu gây nắng nóng chưa từng có. Mặc dù thời điểm này đã có mưa trên diện rộng, áp lực cháy rừng có giảm nhưng chưa nói được điều gì vì lượng mưa chưa nhiều, trong khi theo báo cáo của Trung tâm khí tượng thủy văn có thể có những đợt nắng hạn kéo dài nữa.

Đối với vấn đề mua bán tín chỉ carbon các địa phương kiến nghị, Phó thủ tướng nhận định, đây là lĩnh vực có thể thu thêm tiền. Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng riêng nghị định, dự kiến đến cuối năm sẽ có để hướng dẫn các bộ ngành, địa phương thực hiện.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Qua thực tế đi kiểm tra tại Vườn Quốc gia Chư Mom Rây, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum sáng nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận những sáng kiến, ý tưởng rất mới, rất sáng tạo, dù nhỏ nhưng hiệu quả cao, rất đáng để ngành lâm nghiệp cả nước học tập.

“Anh em làm 2 việc mà tôi bất ngờ. Flycam tham gia bảo vệ rừng. Cái thứ 2 mới hay, mỗi cán bộ kiểm lâm cài một phần mềm trên điện thoại di động, mỗi người phải đi đủ 120km/tháng, ai dưới kể như không hoàn thành chỉ tiêu, đơn giản vô cùng. Những yếu tố, ý tưởng rất nhỏ như vậy gợi ý cho các đồng chí để làm tốt việc của mình, thay vì đòi phải thêm biên chế, chúng ta thay đổi cách tư duy đi sẽ hợp lý hơn”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng thông tin, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi 4 Nghị định liên quan đến rừng. Qua thực tế đi kiểm tra ở địa phương, cơ sở, Phó thủ tướng nhận thấy việc ghi nhận các ý kiến vẫn sơ sài. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT phải phối hợp tốt với các địa phương, các bộ ngành sớm hoàn thành, trình Chính phủ sửa đổi các Nghị định. Qua đó, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng chống cháy rừng, đặc biệt là câu chuyện tạo ra lợi ích kinh tế từ rừng.

Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu không được chủ quan, lơ là, các đồng chí bí thư, chủ tịch các tỉnh phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, phải chủ động, tích cực hơn, không thể chỉ trông chờ ngân sách trung ương.

PV