|
THƯ CHÚC MỪNG
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 8 năm 2021
Kính gửi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông!
Nước Việt Nam mới của chúng ta ra đời từ Cách mạng Tháng Tám 1945. Ngày truyền thống của ngành Thông tin và Truyền thông khởi nguồn từ ngày 28/8/1945, là ngày Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Chính phủ của nước Việt Nam mới, gắn với sự ra đời của 13 bộ, trong đó có Bộ Thông tin, Tuyên truyền và Bộ Giao thông Công chính là cội nguồn cơ bản của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày nay.
Lịch sử ra đời và phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông nằm trọn trong lịch sử vinh quang đấu tranh giành độc lập dân tộc, đổi mới và phát triển đất nước. Ngành ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn, đóng góp xứng đáng vào lịch sử cách mạng hào hùng suốt quá trình liên tục 76 năm qua.
Thành tựu đó khích lệ lòng tự hào của các thế hệ tiếp nối. Nhưng, thành tựu đó cũng là thách thức lớn đối với trách nhiệm và bổn phận của các thế hệ tiếp nối.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới, mà cốt lõi là công nghệ số đang đặt lên vai Bộ Thông tin và Truyền thông sứ mệnh lớn lao dẫn dắt công cuộc Chuyển đổi số Quốc gia.
Đại hội XIII của Đảng đã khởi tạo con đường phát triển đi qua 3 mốc: năm 2025, năm 2030 và năm 2045, để đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào thời điểm nước Việt Nam mới tròn 100 năm vào năm 2045, trên cơ sở động lực tăng trưởng chính là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bất kỳ quốc gia nào đã “hoá rồng, hoá hổ” đều dựa vào sức mạnh tinh thần là chính. Sức mạnh này chỉ được kích hoạt khi quốc gia đó có một giấc mơ lớn, một khát vọng lớn. Đại hội XIII của Đảng lần đầu nói đến việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc. Nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, của truyền thông Việt Nam là khơi dậy khát vọng này ở tất cả mọi người dân Việt Nam, và từ khát vọng này thành sức mạnh tinh thần, và từ sức mạnh tinh thần này thành hành động phát triển đất nước.
Thách thức lớn trước mắt là vượt qua đại dịch COVID-19 đang làm đảo lộn toàn thế giới, gây ra vô vàn khó khăn, vất vả cho đời sống toàn dân, trong đó có ngành Thông tin và Truyền thông. Hơn lúc nào hết, chúng ta có bổn phận chia sẻ cùng nhau, giữ gìn đoàn kết, tương thân, tương ái như trong một gia đình, chăm lo chia sẻ đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để Ngành ta luôn là một dòng chảy liên tục, không trở lực nào ngăn cản được.
Gần hai năm qua, toàn Ngành ta lăn xả vào mặt trận chống dịch với tất cả con người và nguồn lực. Cả hai lĩnh vực Truyền thông và Công nghệ của Ngành đã chủ động tham gia và đứng ở những vị trí quan trọng trong công cuộc phòng, chống dịch.
COVID-19 là cú huých trăm năm cho chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển số một tháng bằng nhiều năm. Phát triển số, kinh tế số và xã hội số sẽ làm cho nền kinh tế và xã hội có sức chống chịu cao hơn. Sức chống chịu cao sẽ là đặc trưng căn bản của các quốc gia trong sự phát triển tiếp theo. Toàn cầu hoá có thể sẽ kéo theo các bệnh dịch toàn cầu và chúng ta phải sẵn sàng đối mặt bằng khả năng chống chịu cao nhất.
Thế giới hậu COVID-19 sẽ là thế giới phát triển xanh và phát triển số, vì tiêu tốn ít tài nguyên vật chất nhất. Các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tập trung chủ yếu cho phát triển xanh và phát triển số. Đổi mới sáng tạo cũng chủ yếu là trong lĩnh vực xanh và số. Phát triển xanh và phát triển số có thể coi là sự phát triển chủ đạo của nửa đầu thế kỷ XXI.
Khó khăn, thách thức lớn sẽ tạo ra thay đổi lớn. Lịch sử vinh quang của Ngành ta đã soi sáng chân lý đó. Công nghệ tạo ra sự phát triển, tuyên truyền tạo ra sức mạnh tinh thần. Đó là đôi cánh để Việt Nam bay lên hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc.
Kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống vẻ vang của Ngành, thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đi trước đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển ngành Thông tin và Truyền thông. Tôi mong muốn toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiếp tục phát huy tinh thần 10 chữ vàng: “Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình” của Ngành để vượt qua mọi khó khăn trên đường đi tới.
Nhân dịp này, tôi chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Thông tin và Truyền thông các thời kỳ, cùng gia đình luôn được an vui, mạnh khoẻ, hạnh phúc, vượt qua đại dịch COVID-19, tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức vào sự nghiệp phát triển của đất nước.
Trân trọng và Tri ân!
Nguyễn Mạnh Hùng
Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo Bộ Thông Tin và Truyền Thông