Còn nhiều bất cập trong dạy học tích hợp ở bậc THCS

Google News

Theo các giáo viên, trở ngại lớn nhất khi dạy học tích hợp là giáo viên không được đào tạo và tập huấn đủ, sách giáo khoa cũng chưa thể hiện được sự tích hợp.

Năm học mới đã bắt đầu được gần 1 tháng, nhiều giáo viên tiếp tục phản ánh những bất cập, khó khăn trong dạy học tích hợp.
Khóa học vài tháng chắc chắn không đủ để dạy học tích hợp
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ThS Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu chia sẻ, dạy học tích hợp cũng là xu hướng của nhiều nước trên thế giới và khi thực hiện thì có những ưu việt nhất định. Và các chuyên gia, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có những chiến lược khi xây dựng chương trình dạy học tích hợp.
Con nhieu bat cap trong day hoc tich hop o bac THCS
 ThS Nguyễn Thị Duyên, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu. Ảnh: Mai Loan.
Tuy nhiên, khi thực hiện chưa có sự đồng bộ giữa các chỉ đạo từ phía trên cũng như nguồn nhân lực, cơ sở vật chất nhà trường, dẫn tới một số trường có sự lúng túng. Cụ thể, đó là sự lúng túng ban đầu trong việc bố trí giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử, Địa lý và bố trí thời khóa biểu làm sao phù hợp với số lượng giáo viên hiện có trong nhà trường
Đây là khó khăn chung của tất cả các trường khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về phía giáo viên cũng có một số rào cản.
“Một số giáo viên hiện đã tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn về dạy học tích hợp. Tuy nhiên, theo tôi đây chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ vẫn là sự học hỏi, trau dồi kiến thức của mỗi thầy cô để có thể giảng dạy được bộ môn. Chắc chắn một khóa học trong vòng vài tháng thì không thể đủ để cho các thầy cô có thể giảng dạy được bộ môn đó”, cô Nguyễn Thị Duyên chia sẻ.
Đối với Trường Nguyễn Siêu, cô Duyên cho biết, có một lộ trình chuẩn bị cho dạy học tích hợp, phải mất từ 3-4 năm đào tạo giáo viên mới dạy được. Trong thời gian đó, nhà trường vẫn bố trí giáo viên dạy theo đúng chuyên môn của họ được đào tạo ở bậc đại học.
Nhiều bất cập cần điều chỉnh
Là giáo viên trực tiếp tham gia dạy học tích hợp, trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, cô giáo Đ.H, giáo viên dạy môn Sinh bậc THCS tại Hà Nội cho biết, dạy học tích hợp là một xu thế cần thiết và rất quan trọng tạo nên sự hứng khởi cho học sinh trong học tập và phát triển các năng lực cần thiết của một công dân thời đại công nghệ số
Chẳng hạn, nếu nói về tác dụng của rừng, tích hợp về Toán học, Vật lý sẽ tính toán tốc độ nước mưa có ảnh hưởng như thế nào tới đất, nguy cơ xói mòn; ước lượng lượng khí oxy cho 1 ha rừng được tạo ra là bao nhiêu; phù hợp với số lượng người sống xung quanh thế nào… Từ đó, sẽ tính lượng khí trong không khí ở khu vực đó có cân bằng được hay không và rút ra kết luận nên bảo vệ trồng rừng hay phá rừng để là hồ chứa nước?
“Đó mới là tác dụng của việc khắc sâu từng con số, số liệu để học sinh nhớ lâu và ý thức tốt hơn về bảo vệ rừng. Còn nếu chỉ nói chung vào trò của rừng, giữ đất, chống xói mòn sẽ không có tác động sâu vào ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời giảm tính hứng thú trong môn học. Cho nên, về bản chất, dạy học tích hợp rất tốt cho học sinh”, cô H. nói.
Tuy nhiên, sự bất cập ở đây là giáo viên chưa được đào tạo để dạy học tích hợp. Ví dụ, đối với cô H., được đào tạo đại học chuyên ngành Sinh học, khi dạy học tích hợp, khó khăn lớn nhất là khả năng bao quát kiến thức, khi cô không được đào tạo về lĩnh vực Vật lý.
“Việc giáo viên không được đào tạo sẽ khiến họ buộc phải tìm tòi, học hỏi từ những kiến thức cơ bản nhất ở lĩnh vực không có chuyên môn, giáo viên không có cái nhìn bao quát về sự liên kết tích hợp giữa các môn học trong quá trình dạy học”, cô H. nói.
Cùng với đó, cô H. cho biết, đây là năm thứ 3 triển khai dạy học tích hợp ở bậc THCS, Bộ GD&ĐT cũng đã có tổ chức tập huấn cho giáo viên. Tuy nhiên, việc tập huấn này chỉ mới dừng ở mức độ khái quát chung của chương trình phổ thông 2018. Chính vì vậy, giáo viên chưa thể đủ hiểu biết về chuyên môn để có thể dạy cho học sinh.
Trong khi đó, sách giáo khoa cũng hầu như rất ít có sự móc nối về kiến thức với lĩnh vực Hóa học, Vật lý. Ví dụ, nếu như học về sinh thái, thì ngoài những tác động chung của xả thải chất hóa học độc hại vào môi trường gây ô nhiễm đất, nước thì làm nước biến đổi như thế nào? Cụ thể hóa chất nào, nhiễm vào đất, có phản ứng hóa học gì diễn ra, chất nào có thể tương tác với nhau ảnh hưởng đến phản ứng trong cơ thể?...
“Chưa có một phân tích hoặc ví dụ thật sự thể hiện tính tích hợp ở đây. Việc giáo viên không được đào tạo, bồi dưỡng cộng với nguồn sách không có sự liên kết chặt chẽ giữa 3 lĩnh vực Lý, Hóa, Sinh trong bài học nên rất khó để giáo viên có thể tạo nên một bài học có tính tích hợp chặt chẽ”, cô H. cho biết.
Một khó khăn nữa, theo cô H., giáo viên chưa được hỗ trợ để được bồi dưỡng thêm về học chuyên môn những lĩnh vực mới, nếu muốn học phải tự bỏ tiền ra đi học, đây cũng là một vấn đề nhiều giáo viên môn khoa học băn khoăn, bởi những môn học trong bộ môn KHTN không có thêm thu nhập ngoài lương.
“Bộ GD&ĐT cần có thêm những chính sách để hỗ trợ giáo viên trong việc bồi dưỡng chuyên môn. Thực tế có nhiều giáo viên tích cực muốn thay đổi phương pháp và cách dạy phù hợp để dạy tốt hơn, nhưng hầu hết những giáo viên đó đều phải tự bỏ tiền ra để tự học tự bồi dưỡng ạ”, cô H, nói.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT nên có nhiều hơn những bài học trong sách thể hiện sự tích hợp chặt chẽ giữa các bài học liên quan, thay vì viết tập trung vào một lĩnh vực Sinh học, hoặc Lý học, Hóa học.
Tại sự kiện Bộ trưởng GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục mới đây, trước ý kiến của nhiều giáo viên về những khó khăn, bất cập liên quan đến dạy học môn học tích hợp ở cấp THCS theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sẽ thay đổi việc dạy học tích hợp trong thời gian ngắn sắp tới. 
Nhiều giáo viên có đề xuất, Bộ GD&ĐT nên giữ nguyên Chương trình Giáo dục phổ thông điều chỉnh môn tích hợp thành phân môn để bảo đảm mục tiêu yêu cầu cần đạt của từng phân môn, mà không làm ảnh hưởng đến nội dung tổng thể Chương trình Giáo dục phổ thông, không cần in lại sách giáo khoa tích hợp.
Trong bối cảnh chưa có lực lượng giáo viên tích hợp được đào tạo bài bản, nếu vẫn tiếp tục để thầy cô dạy đơn môn để dạy môn tích hợp thì chất lượng sẽ không bảo đảm và không đúng với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Cho nên, việc để thầy cô dạy đơn môn của mình là cần thiết, hợp lý, khoa học.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.

 
Mai Loan