Dân không có quyền kiểm tra CSGT: Đi ngược Hiến pháp và pháp luật

Google News

(Kiến Thức) - Dưới góc độ pháp luật, nếu cho rằng người dân không có quyền kiểm tra CSGT là đang đi ngược lại với quy định của Hiến pháp và pháp luật.

"Chúng ta không phải xuất trình gì cả vì việc ra đường xử lý vi phạm đã được các cấp có thẩm quyền cho phép. Trên ngực cảnh sát giao thông có bảng tên, biển hiệu đàng hoàng nên người dân không được yêu cầu. Họ không có quyền đó".
Câu nói trên của Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tại cuộc họp ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm chào mừng Quốc khánh 2/9 ngày 15/8 đang gây nhiều tranh luận trái chiều.
Đa số ý kiến đều cho rằng, việc Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho rằng, người dân không có quyền kiểm tra CSGT đã bác bỏ hoàn toàn vai trò giám sát của người dân, dễ dẫn đến việc lạm quyền trong xử lý vi phạm của lực lượng CSGT.
 Cục trưởng CSGT: "Người dân không có quyền kiểm tra cảnh sát".
Giới luật sư và các chuyên gia pháp lý cho rằng, nhiều quy định hiện hành của pháp luật và Hiến pháp đều thể hiện rõ việc, người dân có quyền giám sát mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức, chỉ trừ một số bí mật quốc gia. Trong khi đó, các chuyên đề, kế hoạch xử phạt của CSGT không thuộc phạm trù bí mật quốc gia, vì thế người dân có thể kiểm tra, giám sát.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh thuộc Đoàn luật sư Hà Nội nhìn nhận, dưới góc độ pháp luật, nếu cho rằng người dân không có quyền kiểm tra cảnh sát là đang đi ngược lại với quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền dẫn giải, bàn về quyền giám sát của nhân dân, ngay tại khoản 2 Điều 8 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã quy định:
"Các cơ quan nhà nước, cán bộ viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân".
 Luật sư Nguyễn Thế Truyền.
Phát huy một trong những quyền hiến định, khoản 3 Điều 5 Luật Công an nhân dân cũng xác định một trong những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Công an nhân dân, đó là:
Hoạt động của Công an nhân dân phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; cấp dưới phục tùng cấp trên; dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
“Về nguyên tắc khi người vi phạm bị xử phạt thì người vi phạm được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền chứng minh lỗi người vi phạm, được xem, biết và kiểm tra các chứng cứ này. Nếu người dân không có được những quyền cơ bản này sẽ dẫn đến lạm quyền, phạt không có căn cứ.
Như vậy, vô hình trung sẽ gây nên sự bức xúc, không thuyết phục cho người vi phạm khi không cho người dân những quyền cơ bản như được yêu cầu chứng minh lỗi, cung cấp chứng cứ có lỗi, được xem xét, kiểm tra các công cụ, máy móc hỗ trợ xử phạt của CSGT”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết.
Hải Ninh