"Dân phản ứng vì phá bậc tam cấp quá nhanh"

Google News

"Đáng lẽ Hà Nội nên cho người dân khoảng 2 tuần đến 1 tháng để tự xử lý bậc tam cấp của mình trước khi phá dỡ", tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm chia sẻ.

Theo ghi nhận, hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của toàn bộ cửa hàng, căn nhà ở nhiều tuyến phố Hà Nội đảo lộn do bậc tam cấp bị phá, trong khi nền nhà cao hơn nhiều so với vỉa hè.
Nhiều người dân nói họ biết chủ trương lập lại trật tự vỉa hè nhưng vẫn bất ngờ khi cơ quan chức năng nhanh chóng phá bậc tam cấp.
Có lỗi ở khâu quy hoạch, quản lý xây dựng
Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng tình trạng nền nhà cao hơn vỉa hè ở thủ đô một phần do các cơ quan chức năng chưa quản lý đến nơi đến chốn.
Quy định về cốt nền xây dựng nhà ở đã có. Ở đô thị, khi làm nhà, người dân phải đến UBND phường xin giấy phép. Tuy nhiên, nhiều cán bộ địa chính phường không yêu cầu người dân thực hiện đúng quy định. Hoặc có yêu cầu thì khi công trình hoàn thành cũng không trực tiếp đến hiện trường để kiểm tra.
Ngược lại, nhiều căn nhà trên các tuyến phố mới bỗng nhiên thấp hơn nền đường 50-60 cm. Đến mùa mưa, gia chủ khổ sở vì nhà biến thành “ao tù”.
"Ở dự án lớn, cơ quan chức năng kiểm soát độ cao của nền một cách nghiêm ngặt. Trong khi đó, với nhà dân, việc này dường như bị bỏ ngỏ", ông Hùng nhận xét.
Người dân ở phố Xã Đàn (quận Đống Đa) bắc thang vào nhà sau khi bậc tam cấp bị phá dỡ. Ảnh: Lê Hiếu. 
Chia sẻ quan điểm tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng), chỉ rõ thực trạng nói trên bắt nguồn từ khâu quy hoạch và quản lý xây dựng của Hà Nội. Việc đôn, hạ cốt nền lâu nay ở nhiều khu vực tùy thuộc vào “ngẫu hứng” của người dân.
Theo ông, nhiều gia đình làm nền cao hơn mặt đường do tâm lý đề phòng đường ngày càng cao lên (thực tế xảy ra ở nhiều tuyến phố) hoặc nhà làm sau đua theo nhà trước. Nền cao so với vỉa hè, mặt đường dẫn tới việc họ phải xây bậc tam cấp.
Ngoài ra, nhiều gia đình tối đa hóa diện tích sử dụng bằng việc xây bậc tam cấp lấn ra bên ngoài. Việc xử lý lấn chiếm vỉa hè chưa nghiêm, nhiều người còn bày bán cả hàng hóa trên bậc tam cấp và chiếm luôn vỉa hè của người đi đường.
Nên cho người dân thời gian
Với diện tích nhỏ hẹp và "quý hơn vàng" ở mặt đường, người dân phải tận dụng tối đa để sinh hoạt và kinh doanh. Xây bậc tam cấp vào nhà thì diện tích sử dụng sẽ bị thu hẹp đi đáng kể. Vì thế, tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng cho rằng các gia đình nên hạ cốt nền.
"Chắc chắn việc hạ cốt nhà sẽ gây tốn kém cho người dân. Hà Nội nên hỗ trợ một phần nào đó kinh phí để họ thực hiện công việc này", ông Hùng nói.
Trong thời gian tới, để thực trạng trên không tái diễn, Hà Nội cần phải rà soát lại việc xây dựng, trong đó có việc áp dụng quy định về cốt nền. Trong một khu phố không thể để tình trạng nhà thấp, nhà cao. UBND phường hoàn toàn có thể kiểm soát được việc này.
Dân mong có giải pháp thay vì đục phá tam cấp khi dọn vỉa hè Nhiều chủ nhà trên phố Đào Tấn (Hà Nội) không phản đối việc dọn dẹp vỉa hè nhưng cho rằng biện pháp cưỡng chế mạnh tay là "tuyệt tình".
Theo tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, công trình nào nằm ngoài sổ đỏ đồng nghĩa với lấn chiếm. Vì thế, ông hoan nghênh với việc làm của chính quyền thành phố.
"Tuy nhiên, việc này đang diễn quá nhanh dẫn đến phản ứng của người dân. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của họ", ông nhìn nhận.
Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng chia sẻ đáng lẽ Hà Nội nên cho người dân khoảng 2 tuần đến 1 tháng để tự xử lý bậc tam cấp của mình trước khi ra quân phá dỡ. Ông cũng đề xuất cho phép người dân 2 tuần sử dụng tạm thời bậc tam cấp bằng gỗ hoặc sắt.
“Những gia đình này nên xây bậc tam cấp thụt vào trong nhà. Như thế sẽ khiến căn nhà xấu hơn, diện tích bị thu hẹp đi. Nhưng đây là cách làm tiết kiệm nhất”, tiến sĩ Liêm nói.
Theo Văn Chương/Zing