Kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV: Nhiều đột phá ấn tượng

Google News

Kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc, đại biểu Quốc hội đánh giá đây là kỳ họp thành công, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

>>> Xem clip Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV: Tăng thời gian chất vấn/ Nguồn: QPVN
Là người có thâm niên làm việc trong Quốc hội, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao đổi mới hình thức chất vấn của Kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV.
Theo ông, việc kéo dài thời gian chất vấn không phải là mới, bởi cách đây 23 năm, vào năm 1994 lần đầu tiên chúng ta tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn có phát thanh và truyền hình trực tiếp thì thời gian chất vấn cũng là 3 ngày. Tuy nhiên, lần này việc để cho các đại biểu tranh luận với nhau, tranh luận đi đến cùng là một nét mới tích cực. Ông Vũ Mão nói.
“Tôi thấy suy nghĩ đó là tốt. Đó là sự tồn tại của thực tiễn, là mong muốn của cử tri. Chúng ta phải kết luận lại điều đó sai ở chỗ nào, chỗ nào có thể chia sẻ, thông cảm được, nhưng sai chỗ nào phải làm rõ. Và quan trọng nhất là phải tìm ra được giải pháp để xử lý. Mà sản phẩm của chất vấn, trả lời chất vấn phải đi đến là đưa vào trong nghị quyết. Quốc hội quyết định những vấn đề để các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Lâu nay chúng ta mong muốn điều này, nhưng phải cố gắng, lần này phải tiến thêm một bước.”
Ky hop 3, Quoc hoi khoa XIV: Nhieu dot pha an tuong
 Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp 3, Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, nhìn chung các Trưởng ngành mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã mạnh dạn nhận trách nhiệm và trả lời thẳng thắn vào các câu hỏi của đại biểu Quốc hội và dám nhận trách nhiệm. Việc kéo dài thời gian chất vấn tại quốc hội đã đáp ứng mong muốn của cử tri.
Theo đại biểu Đồng, đây cũng là dịp để quốc hội, cử tri cả nước hiểu hơn những khó khăn, thuận lợi của Chính phủ. Đây cũng là dịp để các thành viên chính phủ nói lên những thuận lợi, khó khăn của mình với cử tri cả nước. Dành thời gian chất vấn nhiều là để nói đầy đủ hơn, không phải Quốc hội kéo dài thời gian để làm khổ, làm khó cho các thành viên chính phủ. “Cách đặt vấn đề của Ủy ban thường vụ Quốc hội lần này chất vấn theo nhóm vấn đề và cũng không phải là chỉ chất vấn một mình bộ trưởng, mà có các thành viên liên quan. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng qua chất vấn chúng ta đã hiểu sâu hơn từng vấn đề được chất vấn.
"Đại biểu quốc hội, cử tri và nhân dân mong muốn các thành viên chính phủ qua chất vấn thể hiện được rằng mình có giải pháp mới và có quyết tâm chính trị để thực hiện các giải pháp đó. Không nói nhiều nhưng mà nói đến đâu làm đến đó là tốt rồi”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.
Còn theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) thì đây là một trong những kỳ họp Quốc hội thành công.
Theo đại biểu Nhưỡng, kỳ họp Quốc hội này là một trong những kỳ họp thành công vì đã đưa ra thảo luận và quyết định những vấn đề rất quan trọng. Ví dụ như vừa qua chúng ta đề cập đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đó là những vấn đề hệ trọng, Luật bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)...
“Tôi nghĩ rằng, không chỉ là vấn đề giải quyết trong hội trường, giải quyết trong phạm vi các đạo luật mà tính lan tỏa của các hoạt động Quốc hội đã vượt qua phòng họp Diên Hồng, giúp cho các cơ quan nhà nước vào cuộc giải quyết các vấn đề thuận lợi hơn. Vừa qua, trong phiên chất vấn, sự giám sát trực tiếp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với các lãnh đạo ngành, Chính phủ, đó là những phiên chất vấn rất thành công. Việc chất vấn đã thể hiện tính dân chủ, tính tranh luận cao giữa đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ và tranh luận giữa các đại biểu với nhau. Như vậy, cùng nhau xây dựng để tìm ra một giải pháp đầy đủ, khách quan, toàn diện và đúng đắn nhất, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhìn nhận.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) cho rằng kỳ họp đã thành công tốt đẹp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Có được kết quả đó là xuất phát từ việc chuẩn bị của các cơ quan chức năng đã cung cấp các nội dung của chương trình nghị sự, cũng như chuẩn bị tốt các nội dung có liên quan về kinh tế xã hội, dự thảo nghị quyết, văn bản pháp luật, dự thảo luật để giúp các đại biểu Quốc hội có được thông tin đầy đủ.
Theo đại biểu Trần Văn Mão, điểm nổi bật của kỳ họp lần này là đổi mới phương pháp điều hành của chủ tọa kỳ họp, đặc biệt là vấn đề đổi mới tăng thêm thời gian cho hoạt động chất vấn.
“Phương pháp thảo luận tại hội trường, tại tổ đối với các dự án luật được cải thiện hơn, dân chủ hơn và có thông tin đa chiều, qua lại giữa đại biểu với chủ tọa cũng như chủ trì soạn thảo dự án luật. Tôi tin tưởng rằng các dự án luật được thông qua tại kỳ họp này sẽ bảo đảm tính khả thi, thực tiễn, khoa học, hợp lý”, ông Mão đánh giá.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, việc chuẩn bị cho kỳ họp kỹ lưỡng, công phu. Đặc biệt là các đại biểu phát biểu chất vấn rất có trọng tâm và thẳng thắn.
“Mặc dù kỳ họp này gần 1/2 số đại biểu là mới, nhưng các nội dung chất vấn và thảo luận thì rất ý nghĩa và thiết thực” - ông Quốc đánh giá.
Việc chuẩn bị cho kỳ họp khá kỹ lưỡng, công phu; các dự án luật đã bắt đầu theo xu hướng không chạy theo số lượng, chỉ những dự án luật nào được chuẩn bị kỹ lưỡng, yên tâm về chất lượng mới được đưa ra Quốc hội thảo luận để thông qua. Những dự án luật nào còn chưa yên tâm thì sẵn sàng kéo lùi thời gian sang kỳ họp khác; không khí thảo luận tại hội trường và tại tổ cũng rất sôi nổi; các hoạt động của Quốc hội cũng phong phú.
Trên cơ sở các tiêu chí trên, có thể nói Quốc hội đã hoàn thành nội dung cũng như chương trình của kỳ họp với chất lượng rất tốt.
Hoạt động giám sát, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng hơn để thông qua phần chất vấn và trả lời chất vấn cũng như thảo luận về kinh tế xã hội, để đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri cũng như đại biểu Quốc hội. Điều này thể hiện qua việc khi thảo luận về kinh tế, xã hội, Quốc hội đã kéo dài thời gian thảo luận thêm 1,5 giờ. Với việc chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, thông thường chỉ dành 2,5 ngày, nhưng tại kỳ họp này đã nâng lên thành 3 ngày. Hai điều chỉnh này được thực hiện ngay trong kỳ họp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri cũng như đại biểu quốc hội, thể hiện sự linh hoạt của lãnh đạo Quốc hội cũng như của Quốc hội trong việc xây dựng chương trình.
Từ việc xây dựng chương trình nội dung kỳ họp, Quốc hội thấy nội dung nào đã đạt chất lượng, chuẩn bị kỹ lưỡng thì đưa vào chương trình thảo luận để thông qua; nội dung nào chưa phù hợp, chưa chuẩn bị kỹ thì không đưa vào chương trình. Như vậy đã có sự chú ý đến chất lượng hơn là số lượng các dự án luật.
Xét riêng theo góc độ điều hành của lãnh đạo Quốc hội, khi thấy những nội dung mà đại biểu và cử tri quan tâm đề xuất với Quốc hội thì được điều chỉnh kịp thời ngay trong kỳ họp. Đó là những điểm mới dễ thấy so với các kỳ họp trước.
Theo Phi Long/VOV.VN