“Người dối trá không xứng đáng đứng trong hàng ngũ giáo dục”

Google News

(Kiến Thức) - PGS Văn Như Cương nêu quan điểm như vậy khi nói về vụ việc một học sinh tiểu học Nam Trung Yên gãy chân trong trường do bị taxi chở hiệu trưởng đâm.

Dư luận phẫn nộ khi những thông tin về chuyện một học sinh lớp 2 ở trường Tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội) đang chơi trên sân trường thì bị taxi chở cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đâm vào làm gãy xương đùi ngày càng dày đặc trên mặt báo thì hành vi dối trá của cô hiệu trưởng càng bị lột trần.
Mọi người phẫn nộ không chỉ do thương cảm một em học sinh còn quá non nớt phải mổ ghép đùi tại Bệnh viện Việt Đức khi bị chiếc taxi chở cô hiệu trưởng tông phải khi vào trường, mà còn vì lối hành xử thiếu trung thực, có những câu trả lời dối trá, những hành động kỳ lạ diễn ra ở trường sau khi xảy ra vụ việc như phát phiếu điều tra cho để khảo sát giáo viên, học sinh và khẳng định không có chiếc taxi nào vào sân trường, trò Trần Chí Kiên đang chơi thì tự ngã... của hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên.
Nói về sự việc này, khi trao đổi với PV Kiến Thức, chuyên gia giáo dục – PGS, Tiến sĩ Văn Như Cương phải bức xúc thốt nên rằng: “Hành vi của cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên là sự dối trá, mà người dối trá không xứng đáng đứng trong hàng ngũ giáo dục”.
“Nguoi doi tra khong xung dang dung trong hang ngu giao duc”
 Trường Tiểu học Nam Trung Yên.
Người dối trá không xứng đáng đứng trong hàng ngũ giáo dục
- Câu chuyện em Trần Chí Kiên (học sinh lớp 2A4, trường Tiểu học Nam Trung Yên) đang chơi trên sân trường thì bị taxi chở cô hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc đâm vào gãy xương đùi đang khiến dư luận bức xúc khi cô hiệu trưởng có những hành động khó hiểu, lời nói luôn “thay đổi theo thời gian”. Là người nhiều năm trong ngành giáo dục, khi đọc những thông tin xunh quanh chuyện này, PGS Văn Như Cương cảm thấy thế nào?
- PGS Văn Như Cương: Khi đọc những thông tin liên quan vụ việc này, tôi rất buồn khi trong ngành giáo dục lại xảy ra sự việc như vậy. Là một hiệu trưởng đứng đầu một trường, cô Tạ Thị Bích Ngọc lại có những hành vi sai trái mà không chịu nhận lỗi của mình, cố gắng chối quanh, cố gắng làm những động tác để nói dối. Tình hình sự việc diễn ra như thế này là quá trầm trọng. Cô hiệu trưởng ấy nói tiền hậu bất nhất, nhớ ra thế này, rồi nhớ ra thế kia trong khi đó vấn đề chỉ là cô ấy đi một chiếc taxi vào trường đâm phải trẻ em là học sinh của trường cô. Như người ta, trong trường hợp ấy, cô phải xuống xe đỡ em học sinh ấy dậy, xem có thương tích gì không để kịp thời đưa đi cấp cứu. Đồng thời, phối hợp với bảo vệ giữ chiếc xe taxi đó lại, thông báo đến công an để họ làm nhiệm vụ của họ. Từ đó, ai sai ai phải thì đã có pháp luật. Câu chuyện như vậy nhưng cách ứng xử của cô hiệu trưởng khiến giờ nội bộ trường đó tan nát, phe bên này, phe bên kia, học sinh thì hoang mang, phải nói dối khi ghi vào phiếu thăm dò. Các phụ huynh thì mất tin tưởng vào nhà trường. Tất cả đó là hệ quả do tính nói dối, sự dối trá mà ra.
- Lời nói “tiền hậu bất nhất” của cô hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên có phải là nguyên nhân dẫn sự bức xúc của dư luận?
- PGS Văn Như Cương: Nói dối và tính không trung thực là điều rất tối kỵ trong ngành giáo dục. Đã là ngành giáo dục phải dạy cho trẻ em tính trung thực đầu tiên. Bài giảng đầu tiên bao giờ thầy cô cũng dạy các em phải nói thật không được nói dối. Bây giờ mức độ như thế thì tôi thấy quá buồn.
- Từ việc cô hiệu trưởng có cách hành xử vô trách nhiệm đối với một vụ việc xảy ra với chính học sinh của mình, ngay trong khuôn viên ngôi trường mà bà làm hiểu trưởng nhưng lại “chối bay chối biến” khi đưa ra hàng loạt bằng chứng để chối tội rồi khi bị phanh phui thì lại “chợt nhớ ra”, đến việc nhà trường lấy phiếu điều tra cho để khảo sát giáo viên, học sinh và khẳng định không có chiếc taxi nào vào sân trường, trò Trần Chí Kiên đang chơi thì tự ngã, dư luận cho rằng, sự dối trá, thiếu trung thực lan ra cả hệ thống trong nhà trường? PGS nhìn nhận thế nào?
- PGS Văn Như Cương: Hiệu trưởng bưng bít, quanh co để trốn trách sự thật, trốn tránh trách nhiệm đã đành nhưng điều lạ là cả một hệ thống nhiều cô giáo, công đoàn và một số người thân quen với hiệu trưởng cố gắng bưng bít, kể cả bảo vệ nhà trường cũng nói dối. Nghiêm trọng hơn là xui các em học sinh tính dối trá khi làm phiếu gửi lên phòng Giáo dục và Đào tạo. Phòng GĐ&ĐT cũng xem nhẹ chuyện này, chưa nói đến Sở. Cả một hệ thống cố gắng bưng bít những chuyện này. Điều đó rất là nguy hiểm. Do lo sợ ảnh hưởng đến uy tín của một trường, ảnh hưởng đến danh hiệu của trường mà người ta bất chấp làm những chuyện dối trá như thế. Tất cả đều nói dối thì làm sao xã hội có thể chấp nhận được.
- Từ sự việc này, lật lại lý lịch của bà hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, nhiều người bức xúc hơn trước thông tin trước đây về hiệu trưởng này vẫn còn lưu trên một số tờ báo rằng, trong quá khứ bà đã từng ăn bớt tiền ăn của học sinh (năm 2006). PGS nghĩ sao về điều này?
- PGS Văn Như Cương: Tôi cũng đọc một bản tin nói rằng trước đây cô Tạ Thị Bích Ngọc từng là hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Khả Trạc (Cầu Giấy, Hà Nội) đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó Thanh tra quận Cầu Giấy đã từng kết luận có việc lập "quỹ đen" bằng việc bớt khẩu phần ăn hàng ngày học sinh. Điều này khiến tôi cảm thấy càng buồn hơn. Bởi một vị hiệu trưởng quản lý một trường mà có hành động như thế nhưng không bị xử lý. Sau đó lại chuyển sang làm hiệu trưởng một trường khác thể hiện kỷ luật ở ta quá lỏng lẻo.
“Nguoi doi tra khong xung dang dung trong hang ngu giao duc”-Hinh-2
 PGS Văn Như Cương.
Kỷ luật không nghiêm làm gì còn kỷ cương phép nước
- Ngày càng nhiều sự thật được bóc trần, nhiều người lại cho rằng, sự dối trá, thiếu trung thực bắt nguồn từ kỷ luật trong ngành giáo dục chưa nghiêm minh, nói dối để hòng che đi sự thật rồi sau đó sự thật lại chìm xuống theo thời gian?
- PGS Văn Như Cương: Vừa rồi ở Trường THPT Phan Đình Phùng xảy ra vụ nổ trong phòng thí nghiệm thực hành khiến một nữ sinh bị bỏng nặng, Sở GD&ĐT Hà Nội họp hội đồng kỷ luật, quyết định hình thức kỷ luật khiển trách đối với hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng, cảnh cáo một học sinh, khiển trách 3 học sinh, cô giáo phụ trách phòng thí nghiệm bị khiến trách. Nhưng xảy ra sự việc lớn như thế, kỷ luật chẳng ra sao, chẳng ai sợ mà không ai sợ thì làm gì có kỷ cương phép nước được. Tất cả các cấp quản lý trong ngành giáo dục đều phải nhận thức đúng đắn khi xảy ra những sai phạm, phải hiểu những sai phạm đó nó ảnh hưởng thế nào, nó làm xấu ngành giáo dục thế nào, tác hại đến thế hệ học sinh như thế nào và phải đề ra những kỷ luật rất thích đáng.
- Quay trở lại trường hợp cô giáo hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên, theo PGS nên xử lý như thế nào?
- PGS Văn Như Cương: Trong trường hợp cô giáo hiệu trường này, tôi nghĩ rằng không xứng đáng đứng trong hàng ngũ giáo dục. Tôi tán thành đề nghị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung là phải điều tra đến nơi đến trốn, làm rõ trắng đen và phải đưa ra khỏi ngành giáo dục.
- Xin cảm ơn PGS Văn Như Cương!
Hải Ninh