Ông Đinh La Thăng bày tỏ gì khi được tự bào chữa?

Google News

(Kiến Thức) - Việc ông Đinh La Thăng cho rằng những cáo buộc của người giữ quyền công tố mang tính quy chụp, không khách quan, không công bằng, không có lương tâm khiến HĐXX phải nhắc nhở bị cáo về việc dùng ngôn từ chuẩn mực.

Sau phần VKSND luận tội, trong buổi làm việc chiều nay, tòa phúc thẩm vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thất thoát 800 tỷ trong thương vụ đầu tư vào Oceanbank chủ yếu nghe bị cáo Đinh La Thăng tự bào chữa. 
Bào chữa cho mình, ông Đinh La Thăng bày tỏ không đồng tình với toàn bộ luận điểm của người giữ quyền công tố tại tòa. Những cáo buộc của người giữ quyền công tố đối với bản thân ông mang tính quy chụp, không khách quan, không công bằng và không có lương tâm.
Trong khi bị cáo Thăng tranh luận với đại diện VKS, HĐXX nhắc nhở bị cáo không được sử dụng những ngôn từ không chuẩn mực.
 Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh Vietnamnet.
Bị cáo Đinh La Thăng cho rằng, cần phải xem xét về bối cảnh cách đây 10 năm khi PVN đang phải thực hiện chủ trương của Đảng về một tập đoàn kinh tế đa ngành, được đầu tư vào tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, khi thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì PVN phải dừng việc thành lập Ngân hàng Hồng Việt.
Ông Thăng đồng thời cho là, việc PVN đầu tư vào Oceanbank là đúng chủ trương, đúng pháp luật, đã được sự đồng ý của Chính phủ trước khi thực hiện.
Ông Thăng nói tiếp, tại tòa đại diện VKS chỉ nêu tìm cách chứng cứ buộc tội. Việc đầu tư này có hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho PVN khi 5 năm liên tục, từ 2009 - 2013 đều được chia cổ tức. Đây là tiền thật chứ không phải tiền ảo như đại diện VKS nói.
Do vậy, nguyên Chủ tịch PVN Đinh La Thăng đề nghị đại diện VKS xem xét trách nhiệm của mình khi bị cáo chuyển công tác từ tháng 8/2011. Đồng thời khẳng định lại một lần nữa việc ký thỏa thuận 6934 không phải là quyết định đầu tư. Ông Thăng cho là mình ký đúng thẩm quyền, không phải ký thay mặt Hội đồng quản trị, đây là cả một nỗ lực cố gắng, tìm qua nhiều đối tác, đến Oceanbank mới được chấp thuận… Lẽ ra sự nỗ lực, cố gắng của ông và lãnh đạo Tập đoàn phải được khen, đánh giá cao, thì lại coi là thứ để buộc tội.
Theo bị cáo Đinh LaThăng, động cơ ký thỏa thuận này là để thu lại đồng tiền Nhà nước đã bỏ ra, không có động cơ gì khác. Kinh doanh là cơ hội và phải chớp cơ hội. Đây không thể là căn cứ để buộc tội.
Khánh Hoài (Tổng hợp)