Phạt cho tồn tại “biệt phủ” Yên Bái và lời gan ruột ĐBQH Dương Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Công trình "biệt phủ” gia đình ông Phạm Sỹ Quý bị xử phạt hơn 500 triệu, cho tồn tại khiến ta lại nhớ đến câu nói tâm huyết của ĐBQH Dương Trung Quốc.

Một trong những vấn đề liên quan tới “biệt phủ” gia đình ông Phạm Sỹ Quý được nhiều người dân quan tâm đến chính là việc xử lý những sai phạm ấy được Thanh tra Chính phủ từng chỉ rõ trong kết luận thanh tra: “Trên khu đất của gia đình, bà Hoàng Thị Huệ đã xây dựng nhà 3 tầng, 1 tum, diện tích xây dựng tầng 1 là hơn 260 m2, tổng diện tích sàn là hơn 845m2. Bà Hoàng Thị Huệ đã xây thêm 1 tum, vượt diện tích 345m2 sàn xây dựng so với giấy phép được cấp. Ngoài ra, bà Huệ đã xây dựng một số công trình không phép gồm: 1 nhà thờ gỗ cũ, 1 nhà sàn gỗ cũ, 1 cây cầu bắc qua hồ nước, 1 căn nhà mái bằng làm bếp”.
Trong báo cáo mới đây về kết quả xử lý sau thanh tra, UBND tỉnh Yên Bái cho biết, đã xử phạt số tiền trên 507 triệu đồng do xây dựng trái phép và không phép tại khu “biệt phủ” của gia đình ông Phạm Sỹ Quý.
 "Biệt phủ" gia đình ông Phạm Sỹ Quý.
Đáng chú ý, trả lời báo chí, ông Chu Đình Ngữ, Chánh văn phòng UBND tỉnh Yên Bái cho hay: "Việc xử phạt hành chính các công trình sai phép và không phép để cho tồn tại đều được căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành. Và việc xử phạt hành chính các công trình sai phép và không phép thuộc thẩm quyền thuộc về UBND TP Yên Bái”.
Xét trên các quy định của pháp luật, đặc biệt là Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở có hiệu lực, được hướng dẫn bởi Thông tư 02/2014/TT-BXD thì có quy định khác cho phép một số công trình vi phạm có thể được chấp nhận nộp phạt và cho tồn tại, việc xử phạt cho tồn tại như trên, luật pháp cho phép.
Nhìn nhận thực tế, việc xử phạt và cho tồn tại với những công trình sai phép, không phép trên “biệt phủ” gia đình ông Phạm Sỹ Quý lại không nhận được sự đồng thuận từ dư luận. Bởi những sai phạm như thế mà bao nhiêu cơ quan chức năng của UBND TP Yên Bái và tỉnh Yên Bái lại không biết hoặc biết cũng “làm ngơ” trong suốt thời gian dài. Khi Thanh tra Chính phủ chỉ thẳng ra thì việc xử phạt lại có hướng cho tồn tại như một sự đã rồi. Nếu mở rộng ra, việc xử phạt cho tồn tại này có lẽ chỉ có ở Việt Nam như lời ĐBQH Hà Minh Huệ từng nói trên diễn đàn quốc hội: “Ở Việt Nam chúng ta có cái vô cùng nghịch lý là phạt cho tồn tại, còn trên thế giới thì chẳng bao giờ có. Đấy là những cái yếu kém, hạn chế chúng ta cần khắc phục”.
Mới đây, thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 trong phiên họp sáng 7/11/2017, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc đã có những lời tâm huyết khiến nhiều người phải suy ngẫm: “Tôi nói với Thủ tướng rằng mong Thủ tướng từng bước, tiến tới xóa bỏ cách làm là phạt cho tồn tại. Phạt cho tồn tại đã rất là phổ biến rồi, nó tưởng như rất nhỏ nhặt, nhưng nó tích tụ và có sức tàn phá rất lớn đối với pháp luật, làm nhờn pháp luật và nguy hại hơn, nó chính là nguồn gốc cùng với cơ chế xin - cho, nó làm băng hoại chính đội ngũ cán bộ của chúng ta. Hiện tượng chúng ta nêu lên là tham nhũng vặt, đó là điều hết sức nguy hại, là vụ việc lớn chúng ta xử lý bằng pháp luật, còn nếu chúng ta coi nhẹ những việc kia thì sự băng hoại đối với bộ máy của chúng ta kéo theo sự băng hoại đối với lòng tin của người dân đối với nhà nước. Bởi vậy, chúng tôi rất mong chúng ta đừng bỏ qua”.
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng nói rằng: “Chúng ta cũng thấy vì cách suy nghĩ như thế thường xuyên chúng ta thấy điệp khúc, chúng ta xử lý không đủ, các hình phạt của chúng ta quá thấp. Chế tài của chúng ta quá nhẹ, mà chế tài là ai làm, là chúng ta làm. Chúng ta làm trên cơ sở pháp lý, trên cơ sở thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng của người dân, không có gì ngăn cản chúng ta có những chế tài mạnh mẽ, nhất là trong những lúc như thế này. Rất nhiều tác hại lớn nhưng chúng ta xử lý rất nhẹ, càng làm nhờn pháp luật và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chúng ta thấy bộ máy của chúng ta phải thật lực làm mà vẫn để lại không ít những yếu tố mà xã hội cảm thấy còn đòi hỏi phải làm nhiều hơn nữa”.
Nhiều người đặt câu hỏi: Mức phạt lên đến 507 triệu đồng với những công trình không phép, sai phép tại “biệt phủ” Phạm Sỹ Quý là nặng hay nhẹ? Tôi cho là quá nặng, bởi theo kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ: “Trong năm 2014 và đầu năm 2016, bà Hoàng Thị Huệ đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 4 hộ dân tại tổ 42, 52 phường Minh Tân, TP Yên Bái với tổng diện tích 67.330,5 m2 với tổng số tiền theo hợp đồng chuyển nhượng là 950 triệu đồng”. Như vậy, xử phạt các công trình sai phép, không phép hơn 500 triệu đồng nếu quy đổi ra đất cũng lên đến hàng chục nghìn m2.
Tuy nhiên, cái giá của việc “xử phạt cho tồn tại” còn đắt hơn bởi không được dư luận, đồng tình khi nhiều ý kiến cho rằng xử lý như vậy là “tiền hậu bất nhất” sẽ khuyến khích hành vi vi phạm, đồng thời tạo ý thức không chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước.
Thiên Nga