Sư phạm có học được công an, quân đội?

Google News

Sư phạm không thể “bì” với công an quân đội, bởi sư phạm là nơi đào tạo con người cho nguồn lực giáo dục.

Kỳ tuyển sinh năm nay của các trường sư phạm đang cho thấy thực tế điểm thấp dưới 3 vẫn có trường tuyển vào.
Các trường công an, quân đội thì lại khác, có trường hợp 30 điểm không đỗ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ lên tiếng trước thực trạng này: “Ngành sư phạm muốn nâng cao chất lượng đầu vào phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường. Có như vậy, đầu vào mới cao được”.
Su pham co hoc duoc cong an, quan doi?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ 
Thật ra cách giải quyết của ngành sư phạm theo hướng này mới dừng lại ở góc nhìn cơ học.
Từng một thời các trường sư phạm có điểm đầu vào rất cao và đó là niềm tự hào của khối này.
Nhưng thời điểm đó, các trường đại học, cao đẳng chưa “bung lụa” như bây giờ, gần như tỉnh nào cũng có trường đại học dẫn đến các trường phải cạnh tranh nhau bằng hình thức hạ điểm xuống nhằm thu hút sinh viên.
20 năm trước khi chúng tôi thi đại học, khu vực công lập luôn có tỷ lệ chọi cực cao, từ 15 lấy 1 đến 40 lấy 1, trong khi đó khối dân lập thì nộp bao nhiêu hồ sơ được tuyển học bấy nhiêu.
Trang lứa cấp 3 của tôi, không ít bạn học giỏi nhưng phải 2 -3 lần thi mới đỗ vào các trường công lập trong khi những bạn học ở mức yếu lại chọn trường dân lập và có tấm bằng đại học sau 4-5 năm và sớm ổn định việc làm.
Kể lại việc này để thấy cơ hội của các ngành là ngang nhau nhưng cách điều hành và quản lý tạo ra khoảng cách, mà nay khối sư phạm dường như có vấn đề lớn là tỉnh nào cũng mở trường khiến đầu vào dễ dãi để rồi từ một ngành có tiếng trong xã hội dần bị bào mòn uy tín và xuống “đáy” như ngày hôm nay.
Thật ra trên thế giới, cảnh sát và quân đội là lực lượng giữ gìn an ninh quốc gia nên ở đâu đầu vào hết sức khắt khe.
Học viện Quân sự Mỹ (USMA) ở West Point (còn được gọi là Học viện West Point), những người trúng tuyển sẽ thụ hưởng cách thức giáo dục đại học xuất sắc thế giới đồng thời được miễn học phí, ăn ở và các chi phí khác.
Hàng năm có hàng chục nghìn lập hồ sơ ứng tuyển vào USAM. Tuy nhiên, chỉ rất ít trong số đó được chọn.
Tuyển sinh năm này ở Việt Nam cũng phản ánh đầu vào hết sức cao của ngành công an, quân đội và ở vị trí này, sư phạm không thể sánh cùng, bởi một bên đào tạo ra nguồn lực giáo dục quốc gia, một bên cho công việc đặc thù, kỹ thuật, nghiệp vụ cao với các nhiệm vụ gắn với an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, lực lượng thí sinh rầm rộ vào các trường công an, quân đội đã thật sự đam mê chưa thì chưa ai dám trả lời chính xác câu hỏi này.
Bởi đúng là vẫn có trường hợp thí sinh và gia đình chọn phương án trong quá trình học hành không phải lo chi phí, khi ra trường được bố trí công việc, không mất thời gian, tiền bạc xin việc.
Còn ngành sư phạm, ra trường không phải dễ xin việc, có khi phải tốn công sức, tiền bạc mới mong có thể tìm kiếm một chỗ đứng trên bục giảng.
Đã thế nhiều giáo viên lại phải vùi đầu vào vô số chương trình sáng kiến mỗi năm, tất bật với các kiểu thi đua, tối mặt với chương trình dạy học thay đổi xoành xoạch trong khi đó đồng lương chưa trang trải nổi cuộc sống.
Nhìn ra các nước trong khu vực và thế giới, ngành sư phạm luôn cực kỳ nghiêm túc, thiết kế giáo dục được áp dụng bài bản, không có vòng tròn luẩn quẩn như mấy chục năm cải cách, thí điểm khiến các thế hệ học sinh giống “chuột bạch” nhất là cấp 3: phân ban rồi bỏ phân ban khiến học sinh, giáo viên hoang mang.
Không đâu xa, Singapore thiết kế chương trình các trường đại học theo nhu cầu thị trường chứ không theo kiểu hàn lâm kinh viện.
Hàn Quốc đang chạy đua để thực hiện chiến lược giáo dục “thông minh” nhằm tạo nên một hệ thống dạy và học theo yêu cầu và hiệu quả hơn.
Bộ Giáo dục Hàn Quốc đầu tư khoảng 2 tỷ USD xây dựng hạ tầng cần thiết và mua máy tính cũng như các thiết bị tiên tiến. Theo kế hoạch, mọi thứ đều số hóa, sách giáo khoa in không còn tồn tại trong trường học. Chiến lược giáo dục "thông minh" này nhằm nâng cao tính cạnh tranh, đưa giáo dục Hàn Quốc vào tốp 3 trên thế giới vào năm 2025.
Đó là chưa kể thu nhập, theo dữ liệu mới nhất của hãng thống kê Payscale (Mỹ), một giáo viên trung học cơ sở ở Singapore có thu nhập trung bình khoảng 42.000 USD mỗi năm, mức cao nhất là khoảng 72.000 USD. Thu nhập của giáo viên Singapore khá hấp dẫn.
Trong quá trình đào tạo, các giáo viên tương lai nhận được khoản trợ cấp hàng tháng tương đương 60% lương khởi điểm giáo viên, đồng thời học phí của họ được Bộ Giáo dục nước này chi trả.
Sau khi hoàn thành chương trình, họ phải cam kết làm việc 3 năm trong ngành.
Với Nhật Bản, mặc dù chi cho giáo dục không cao nhưng giáo viên Nhật lại được trả lương cao hơn hẳn mức trung bình.
Thế nên, về lâu dài, ngành sư phạm muốn có sức hút phải có chính sách ưu tiên thâm niên, ưu đãi nghề nghiệp, tạo mức sống và thu nhập tốt hơn cho giáo viên chứ không phải ngồi "bì" với ngành công an, quân đội.
Theo Minh Phong/Dân Việt