Việt Nam - Liên bang Nga: Mở rộng đầu tư, dỡ bỏ rào cản

Google News

Đó là thông điệp chính được nhấn mạnh tại tọa đàm kinh tế Việt - Nga, diễn ra ngày 30/6 nhân chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Viet Nam - Lien bang Nga: Mo rong dau tu, do bo rao can
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại tọa đàm kinh tế Việt - Nga ngày 30/6 - Ảnh: Quỳnh Trung 
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch - đầu tư Việt Nam và Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga phối hợp tổ chức, thu hút sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp hàng đầu hai nước.
“Nhà nước Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp Liên bang Nga kết nối đầu tư, kinh doanh hiệu quả, ổn định lâu dài, gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Sự thành công của Nga cũng là sự thành công của Việt Nam
Chủ tịch nước Trần Đại Quang
Hàng Việt vào Nga tăng cao
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết Việt Nam luôn hoan nghênh, tiếp nhận các dòng vốn đầu tư từ Liên bang Nga, nhất là những lĩnh vực Nga có thế mạnh như năng lượng, khai thác dầu khí, lọc hóa dầu, thiết bị công nghiệp, sản xuất ôtô và linh kiện ôtô...
Việt Nam cũng mong muốn Liên bang Nga tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Nga trong những lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, sản xuất hàng tiêu dùng, dịch vụ, kinh doanh bất động 
sản, khai khoáng...
Tại cuộc thảo luận bàn tròn sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết lượng đầu tư giữa hai bên còn thấp (Nga đầu tư sang Việt Nam 2 tỉ USD, Việt Nam đầu tư sang Nga 2,4 tỉ USD), chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tích cực, quyết liệt và hiệu quả.
Nhấn mạnh với hàng trăm doanh nghiệp Nga tại tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang hội tụ các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp Nga rót vốn đầu 
tư vào Việt Nam.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu với Nga là nền tảng rất quan trọng để thúc đẩy cơ hội hợp tác thương mại giữa hai bên.
Nhờ hiệp định này, theo ông Trần Tuấn Anh, trong những tháng đầu năm 2017 các mặt hàng xuất khẩu cơ bản của Việt Nam như da giày, dệt may, thủy sản, nông sản có mức tăng khá nhanh.
Trong khi đó, những mặt hàng xuất khẩu của Nga như phân bón, ngô, đậu tương, nông sản, hóa chất, chất dẻo, phương tiện vận tải có gắn động cơ cũng trên đà tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga Alexey Vladimirovitch Gruzdev có cùng đánh giá như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khi cho biết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga tăng cao như thủy sản tăng 50%, giày dép gần 20%...
Thứ trưởng Gruzdev cũng cho hay để đạt được mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỉ USD năm 2020, ngoài các lĩnh vực hợp tác truyền thống, cần tiếp tục thúc đẩy những lĩnh vực mới.
Ông khẳng định Bộ Phát triển kinh tế Liên bang Nga ủng hộ sự hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cam kết dỡ bỏ rào cản
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề tọa đàm, bà Anna Nesterova, chủ tịch hội đồng quản trị Global Rus Trade - trang thương mại điện tử B2B (giao dịch trực tiếp giữa các doanh nghiệp) đầu tiên của Nga, cho biết các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nga rất quan tâm đến việc tìm các đối tác sản xuất ở Việt Nam.
Bà Anna chia sẻ nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của Global Rus Trade là đưa tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Nga, trong đó có 5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước này, lên website của Global Rus Trade, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận các thông tin giao dịch từ các đối tác, cũng như tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trao đổi, đàm phán với nhau về đơn hàng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nga phàn nàn về những rào cản xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Victor Linnik - đại diện của Công ty Miratorg, một trong những doanh nghiệp sản xuất thịt hàng đầu của Nga - cho biết rất mong muốn xuất khẩu thịt sang thị trường Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn gặp khó khăn khi các cơ quan thú y Nga và Việt Nam chưa thống nhất giấy kiểm dịch.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết do hệ thống chính sách hai nước còn phức tạp nên vẫn còn rào cản trong chính sách xuất nhập khẩu.
“Điều quan trọng mà các cơ quan chức năng hai nước cần làm là tiếp tục cải cách hành chính, trong đó có chính sách công nhận lẫn nhau về hệ thống kiểm dịch động, thực vật” - Bộ trưởng Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm trong cuộc hội đàm ở Điện Kremlin, hai bên cũng có bàn về vấn đề này và thống nhất trong năm 2018 sẽ 
giải quyết rốt ráo.
Trong ngày 30/6, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã thăm Tập đoàn dầu khí Zarubezheneft, hội kiến với Chủ tịch Duma quốc gia Liên bang Nga V. Volodin, tiếp thống đốc vùng Kaluga A. Artomanov.
Ngày 1/7, Chủ tịch nước thăm Saint Petersburg. Tại đây, Chủ tịch nước sẽ tiếp thống đốc Saint Petersburg và thăm một số di tích lịch sử.


Theo Quỳnh Trung / Tuổi Trẻ