Vụ nam sinh bị đánh chết não: Hội bảo vệ quyền trẻ em lên tiếng

Google News

Ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đề nghị cần phải làm rõ vai trò của người lớn (người bố - PV) trong vụ học sinh lớp 8 bị đánh chết não xảy ra ở Long Biên, Hà Nội.

Trả lời PV Báo Tri thức và Cuộc sống về vụ cháu bé 14 tuổi (lớp 8) bị đánh chết não ở Long Biên, Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Hà Đình Bốn cho biết, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng đã có văn bản yêu cầu các cơ quan điều tra phải khách quan, khẩn trương bởi đây là vụ án có người bị hại là trẻ em và người đánh cũng là trẻ em vậy nên phải bảo vệ một cách công bằng và khách quan.
Vu nam sinh bi danh chet nao: Hoi bao ve quyen tre em len tieng
Nam sinh bị đánh trấn thương sọ não điều trị tại bệnh viện. 
Theo dõi sự việc, ông đánh giá các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc, đến thời điểm này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. 
Cụ thể, ngày 28/3, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên, thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam bị can T.V.M (SN 2008; 16 tuổi, học sinh lớp 10, trú tại quận Long Biên, TP Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.
Trước đó, khoảng 15h00 ngày 17/03/2024, cháu T.V.K (SN: 2012, trú tại quận Long Biên) chơi tại khu vực đình Lệ Mật thì phát sinh mâu thuẫn với cháu N.H.Đ (học sinh lớp 8). Cháu K chạy đi gọi anh trai là T.V.M để nhờ giải quyết mâu thuẫn. Khi 2 anh em đi bộ ra sân đình Lệ Mật thì gặp bố đẻ là ông T.V.T và kể lại sự việc. Ông T.V.T chở 2 anh em bằng xe máy ra sân đình Lệ Mật. Tại đây 2 anh em K. và T. đã đánh Đ. chấn thương sọ não, hôn mê, phải vào viện 108 cấp cứu.  
Vu nam sinh bi danh chet nao: Hoi bao ve quyen tre em len tieng-Hinh-2
Thạc sĩ Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. 
Bày tỏ quan điểm về vụ học sinh lớp 8 bị đánh chết não gây xôn xao dư luận, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, dù có là trẻ em từ đủ 14 tuổi trở lên mà phạm tội vẫn bị xử lý hình sự. Nếu xác định được có hành vi phạm tội mà thiếu niên đó đủ chịu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét cụ thể về tội danh, mức độ rất nghiêm trọng phải khởi tố hình sự, truy cứu trách nhiệm hình sự với người này. Nếu như mức độ nghiêm trọng, tuổi từ 14-16 có thể không bị xử lý trách nhiệm hình sự phải xử lý bằng các biện pháp hành chính khác để nghiêm minh, công bằng.
Ông Bốn đề nghị cần phải làm rõ vai trò của người lớn trong sự việc này! "Nếu có người lớn tham gia thì vụ án cực kì nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm minh, chặt chẽ hơn để trả lại quyền cho các em. Tuy nhiên, chúng ta không thể võ đoán mà phải theo diễn biến điều tra của cơ quan chức năng" - ông Bốn nói.
Ngoài ra, ông Bốn cho biết thêm, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã và đang tuyên truyền rộng khắp về luật phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, quyền của trẻ trên các phương tiện truyền thông. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả các hành vi xâm hại trẻ em.
Gia Đạt