Sáng 15/1, sau phiên khai mạc Kỳ họp bất thường thứ 5 Quốc hội khoá XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là kỳ họp Quốc hội thứ tư bàn bạc về dự thảo Luật này.
Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này gồm 16 chương, 260 điều; đã bỏ 05 điều và sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
|
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo giải trình, tiếp thu.
|
Phát biểu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Uỷ viên thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng ý kiến ĐBQH và các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất 18 nội dung quan trọng.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đầy đủ quyền với đất đai
Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, Dự thảo Luật chỉnh sửa các quy định theo hướng: đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào trong nước.
Quy định tại dự thảo Luật đã được rà soát, bảo đảm thống nhất với Luật Quốc tịch. Trường hợp người gốc Việt Nam thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản, làm chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở thì việc xác định chủ thể có quyền thực hiện dự án theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở.
Đồng ý cấp sổ đỏ cho đất không giấy tờ, không vi phạm, trước 1/7/2014
Về thu hồi đất thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79)
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”.
Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền (khoản 3 Điều 138)
Dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng quy định về xem xét công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đến trước ngày 01/7/2014. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm hiệu lực pháp lý của quy định.
Thống nhất 4 phương pháp định giá đất
Về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp (Điều 158): Dự thảo Luật quy định theo hướng rõ ràng về nội hàm các phương pháp định giá đất trên cơ sở tổng kết đánh giá thực tiễn thi hành pháp luật đất đai.
Trong đó quy định cụ thể tại dự thảo Luật các phương pháp định giá đất bao gồm: so sánh, thặng dư, thu nhập, hệ số điều chỉnh giá đất; lồng ghép phương pháp chiết trừ vào phương pháp so sánh.
Đồng thời, quy định các trường hợp, điều kiện áp dụng đối với từng phương pháp định giá đất. Phương án được thể hiện tại dự thảo Luật là phương án Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 710/BC-CP. Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết để áp dụng trong thực tế bảo đảm tính khả thi.
Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản (Điều 117, khoản 3 Điều 119, khoản 6 Điều 124 và điểm a khoản 3 Điều 155):
Để cải thiện về thủ tục hành chính về đất đai, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng: Nhà nước không thu hồi đất mà giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất theo hình thức không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất;
Bên nhận chuyển nhượng được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của Chính phủ sau khi bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
Không áp dụng quy định thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất mà giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng bên nhận chuyển nhượng dự án được tiếp tục kế thừa nghĩa vụ tài chính về đất của bên chuyển nhượng
Về hoạt động lấn biển (Điều 190): Dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng chỉ quy định những nội dung mang tính nguyên tắc về hoạt động lấn biển, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai. Giao Chính phủ quy định cụ thể về dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển và các nội dung cụ thể khác nhằm bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật khác có liên quan như Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo…
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) nói về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bên hành lang Quốc hội Kỳ họp thứ 6. Video do PV Tr i thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan