|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, việc di chuyển các trung tâm thu hút ra ngoại thành để xây dựng nhà cửa, khu đô thị... là một quy trình ngược so với thế giới. Nó làm tăng sức ép lên đô thị. Đáng lẽ phải di dời chính những khu chung cư cao tầng, những khu văn phòng - nhà ở lừng lững mấy chục tầng... chứ không phải là trường học hay bệnh viện.
Bởi nếu phát triển mạnh chung cư cao tầng, người dân sẽ đổ dồn về đó sinh sống. Giờ đi làm thì sẽ đổ ra đường cùng lúc. Nhà cao lên, nhiều lên, hở chỗ nào là dựng chưng cư lên chỗ đó, trong khi đường vẫn thế. Hệ quả là sẽ đến lúc người ta chỉ có thể đứng xếp hàng ngoài đường, chứ không thể di chuyển.
PGS.TS Trần Trọng Hanh cho biết, gần 100% công trình ở Hà Nội sai phạm trong sử dụng. Bài toán đặt ra là phải tìm ra các đô thị vệ tinh và có hệ thống giao thông thông suốt nối các đô thị này với nội thành. Phát triển các dịch vụ ở các vùng vệ tinh này thì sẽ giảm áp lực đối với nội đô. Phải nhanh chóng giảm số dân cư sống trong nội thành thì mới mong có được một bộ mặt thủ đô sáng sủa. Giảm số dân cư, chứ không phải là di dời những đơn vị trường học, bệnh viện. Bởi bộ mặt đô thị, trình độ văn hóa của đô thị, nhiều khi còn được thể hiện bằng chính những công trình như trường học, bệnh viện.
Những bấp cập trong quy hoạch đô thị tồn tại lâu dài là bởi sự bất lực của những người quản lý, điều hành, lập quy hoạch. Họ "đẻ" ra những công trình không đúng vị trí, không đúng chức năng, không được phép... dẫn tới những hậu quả lớn đối với xã hội. Vai trò của các nhà khoa học trong việc lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch lại quá mù mờ. Hà Nội rất cần có một tổng công trình sư có tài năng, tâm huyết, dám làm. Nếu kéo dài tình trạng quy hoạch lộn xộn, tương lai chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.
Hà Bình