Hàng nghìn người chết do TNGT: Vì sao chưa đủ sức cảnh tỉnh?

Google News

(Kiến Thức)  - Chỉ trong 4 ngày nghỉ tết Dương lịch, 110 người đã chết do tai nạn giao thông. Chỉ trong 10 tháng năm 2018, đã có đến 6.674 người chết, 11.549 người bị thương do TNGT. Nhưng những con số đau lòng trên chưa đủ cảnh tỉnh những người ý thức kém.

Bốn ngày nghỉ tết Dương lịch 2019 (29/12/2018 -1/1/2019), toàn quốc xảy ra 147 vụ tai nạn giao thông làm 110 người chết, 61 người bị thương. Đó là những con số kinh hoàng mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa công bố. Đáng chú ý, hầu hết các vụ tai nạn giao thông trên đều xảy ra ở đường bộ khi có đến 145 vụ TNGT, 109 người chết và bị thương 60 người.
Một con số mà Uỷ ban ANGT Quốc gia công bố trước đó cũng khiến dư luận bàng hoàng khi trong 10 tháng đầu năm 2018, toàn quốc xảy ra đến 14.845 vụ tai nạn giao thông khiến 6.674 người chết, 11.549 người bị thương. Đặc biệt là trong số nạn nhân thương vong có 962 trẻ em.
Theo thống kê trên, trung bình mỗi ngày trôi qua, có đến 24 người trên toàn quốc chết do tai nạn giao thông, 60 người trong tình cảnh tàn phế suốt đời. Trong đó, nhiều nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông là trụ cột gia đình. Mỗi năm, gia đình nạn nhân và ngân sách quốc gia phải chịu thêm gánh nặng hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của tai nạn giao thông. Hậu quả TNGT không chỉ là mất đi con người mà nó làm thay đổi cơ hội sống, trưởng thành và phát triển của nhiều thế hệ.
Hang nghin nguoi chet do TNGT: Vi sao chua du suc canh tinh?
Hiện trường vụ tai nạn 13 người chết ở Quảng Nam.
Tuy nhiên, những con số thống kê nhức nhối trên sẽ không giảm khi ý thức người tham gia giao thông của đại đa số người dân vẫn còn rất thấp và dù có đến hàng nghìn người chết mỗi năm do tai nạn giao thông cũng không đủ sức cảnh tỉnh nhiều người tham gia giao thông khác.
Minh chứng rõ ràng nhất cũng từ con số thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia khi chỉ trong 4 ngày nghỉ tết Dương lịch 2019, lực lượng CSGT đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 17.957 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp Kho bạc Nhà nước: 15 tỷ 169 triệu đồng; tạm giữ 2.814 phương tiện; tước GPLX 1012 trường hợp. Lực lượng CSGT đường thủy đã kiểm tra, xử lý 1.308 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 1,264 tỷ đồng.
Từ lâu các chuyên gia giao thông đã phân tích nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông chủ yếu liên quan 3 yếu tố: cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố quan trọng nhất chính là ý thức người tham gia giao thông. Đáng chú ý, con số thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông từ hành vi con người chiếm hơn 60%. Trong đó, sử dụng rượu bia chiếm 4,23%, vượt xe sai quy định chiếm 5.97%, vi phạm tốc độ chiếm 8,77%,chuyển hướng không chú ý, hay đặc biệt là điều khiển phương tiện vi phạm làn đường chiếm đến 26%.
Ý thức người điều khiến phương tiện kém là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như vụ lật xe khách chở gần 30 người từ TP HCM về Quảng Trị tại địa phận Đà Nẵng khiến 2 người chết và trên 10 người bị thương mà nguyên nhân được nghi ngờ khi cho rằng xuất phát từ việc tài xế sử dụng điện thoại khi đang lái xe, mất tập trung, không làm chủ được tay lái. Một vụ tai nạn thảm khốc khác xảy ra ngày 30/7/2018, xe khách 16 chỗ chở theo đoàn người đi rước dâu lưu thông trên quốc lộ 1 theo hướng Bắc – Nam đến địa phận thôn Uất Lũy (xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) va chạm với xe đầu kéo khiến 13 người tử vong cũng do tài xế xe khách chạy lấn làn, tông thẳng vào xe container.
Có người đã nói rằng, muốn biết ý thức người tham gia giao thông ở Việt Nam kém thế nào thì cứ điều khiển phương tiện xuống đường. Không khó để chứng kiến cảnh lái xe chen lấn xô đẩy nhau lúc tắc đường, thậm chí thản nhiên vượt đèn đỏ, vô tư lái xe bằng chân, thậm chí người lái xe còn cho con nhỏ điều khiến ô tô chạy băng băng ngoài đường, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô xe gắn máy, tình trạng say rượu bia, thậm chí sử dụng ma túy vẫn lái xe diễn ra phổ biến dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc. Không chỉ dịp lễ tết mà ngay khi xuống đường ăn mừng đội tuyển bóng đá lên ngôi vô địch AFF cup không ít người đã không thể trở về nhà do ý thức tham gia giao thông kém, bất chấp pháp luật và coi thường tính mạng của người khác. Đấy chính là những biểu hiện rõ ràng nhất của sự yếu kém về mặt ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông.
Nguyên nhân dẫn đến ý thức người tham gia giao thông kém và những vụ TNGT không đủ sức cảnh tỉnh cũng do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; chế tài xử lý vi phạm các quy định về trật tự ATGT chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe; công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ cơ quan chức năng chưa quyết liệt, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực.
Khi những con số đau lòng do các vụ TNGT chưa đủ sức cảnh báo rất cần những biện pháp mạnh để xử lý những hành vi vi phạm An toàn giao thông. Có xử lý nghiêm những hành vi vi phạm mới khiến “những người không sợ chết” tỉnh ngộ nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, mới mong hạn chế được những vụ TNGT thảm khốc xảy ra.
Thiên Nga