Nhớ bóng vó bè của làng quê Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Vó bè xưa chằng chịt trên những con sông lớn nhỏ ở làng quê Việt Nam. Đấy là nguồn thu chính cho một gia đình trong cõi sống nghèo nàn.

Trong hình bóng của một làng quê Việt Nam thì những cây đa – giếng nước – sân đình đã thành khuôn mẫu mực thước. Nhưng còn đây, một hình bóng quê mùa không kém, ấy là chiếc vó bè.
Vó bè xưa chằng chịt trên những con sông lớn nhỏ. Đấy là nguồn thu chính cho một gia đình trong cõi sống nghèo nàn. Nhưng đó là chuyện xưa. Nay thì đã khác. Vó bè thưa thớt hơn nhiều, hoặc có thì cũng đã biến dạng theo chiều cải tiến. Nhưng bóng của nó thì còn mãi trong ký ức của những người dân quê, cả trong những người vốn yêu cái tĩnh lặng của tứ xứ quê mùa.   
Nho bong vo be cua lang que Viet Nam
Vó bè trên dòng sông Sò. 
Vó bè xưa
Quê tôi giáp con sông Sò nối từ cửa Hà Lạn của vùng biển Giao Thủy (Nam Định). Sông uốn lượn rồi đi đến nhánh Ninh Cơ của dòng sông Hồng. Sông Hồng vốn nhiều tôm cá, là vựa sống của biết bao gia đình nghèo khó làng vạn chài. 
Lại thêm vùng Giao Thủy, vốn là nơi hợp lưu của ba dòng nước lợ - mặn – ngọt trù phú. Thế nên, chẳng biết từ thời nảo thời nao, người ven bờ sông Sò đã biết dựng vó bè cất tôm cá, lập hẳn một chợ cho riêng người cất vó gọi là chợ Bể.
Cụ Tĩnh Châm, người xã Giao Tiến của huyện Giao Thủy là ngư dân lâu đời nhất ở đây. Đời cụ không tranh giành với ai, chỉ sống khép mình trong cái lều lợp rơm của chiếc vó ven sông. Vậy mà hơn chục đứa con của cụ, đứa nào cũng thành đạt nhờ vào những mẻ vó sớm hôm đó.
Cụ thì thào: “Đời tôi trải qua hơn hai chục cái vò bè, có nghĩa là hơn hai mươi lần tu bổ cho cái “cần câu cơm” ấy đủ sức bắt tôm cất cá. Mỗi lần làm vó bè là mỗi lần làm nhà mới. Thế nên cũng trịnh trọng, đàng hoàng”.
Nho bong vo be cua lang que Viet Nam-Hinh-2
Một chiếc vó bè với lều lợp rơm nguyên bản. 
Vó bè xưa theo như cụ Tĩnh Châm thì đẹp lắm. Người ta dựng một cái cầu ra sông, phía trên là một túp lều cao lợp rơm hoặc lá cọ. Túp lều này đủ cho ba người ngồi hóng mát, uống trà thâu đêm. Nhưng đấy không phải nơi chơi bời cho qua ngày đoạn tháng, mà nó là phần không thể thiếu của chiếc vó bè.
Ðầu ngoài của cây cầu có hai cột tre cũng là trụ chính của chiếc lều làm giá đỡ cho chiếc vó. Một trục sắt được bắt vào hai cọc cầu sao cho đầu ngoài sông của khúc cây nặng có thể kéo cao lên hay gục xuống nước theo nguyên tắc đòn bẩy. 
Phía đầu ngoài sông, bốn cây tre chắc và dài bắt vào đầu khúc cây nặng, tạo thành hình cái quang gánh chữ thập. Phần chính của vó là một miếng lưới hình vuông cột vào 4 đầu cây tre, mỗi cạnh của lưới chừng 5 đến 7 mét tùy theo vó lớn hay vó nhỏ. Lưới hơi chùng xuống như một cái võng vuông khổng lồ, thường chiếm cả phân nửa chiều ngang của con sông lớn.
Thi thoảng ở quê, tôi vẫn thấy đâu đó hò la kêu đi cứu hỏa. Thì ra ở cái lều vó bè lợp rạ của ai đó bị cháy. Cháy có thể do chủ vó vô ý phì bã thuốc lào rơi tàn xuống sàn; lại có thể do ai đó ghét nhau mà têm mồi lửa; cũng có thể do đứa trẻ hay một thằng điên nào đó rảnh việc đốt lều cho vui. 
Nho bong vo be cua lang que Viet Nam-Hinh-3
Vó bè cải tiến với chiếc thuyền làm nền. 
Vó bè nay
Lều vó bè thời này cũng ít cháy hơn hoặc không bao giờ bị cháy nữa. Phần cũng vì những cải tiến lạ lùng thời công nghiệp hóa. Lều xưa lợp rơm rạ thì nay bắn tôn đỏ au. Trông qua có vẻ gọn gàng đấy nhưng sao cứ thô và kệch cỡm so với số tiền bỏ ra và số tiền thu được từ vài cân cá.
Bây giờ người ta cũng không làm cầu ra lều vó nữa. Hẳn một con thuyền bê tông bỏ đi được trưng dụng làm nền cho chiếc vó lớn. Mỗi khi chủ cá cất vó là y như rằng, chiếc thuyền cứ bập bềnh mãi không thôi. Cái tĩnh lặng của dòng sông và tiếng kẽo cọt của tre nứa khi gồng mình kéo mảng lưới lên khỏi mặt nước đã không còn.
À, mà hóa ra chiếc lều lợp tôn kia bây giờ chỉ làm cho gọi là có chứ là thừa. Thừa vì người ta bỏ đi phần đạp chân của chiếc vó bè để thay vào đó là bàn xoay tay trên bờ.
Một người đàn ông khỏe mạnh phải mất nhiều sức để kéo cái bàn xoay ấy mới kéo được chiếc vó lên. Nhưng không hiểu sao người ta lại chuộng cái bàn xoay tay hơn cái bàn đạp chân kiệm sức nữa.
Cụ Tĩnh Châm thở dài: “Chúng bay bây giờ làm vó bè chỉ để chơi bời chứ không coi nó là “cần câu cơm” nên mới thế. Mùa hè nóng bức thế này, có ma nào chịu nổi lều tôn. Cứ 10 phút lại ra cất vó có ma nào đủ sức kéo tay cái vó nặng chình chịch ấy suốt cả ngày”.
Nho bong vo be cua lang que Viet Nam-Hinh-4
Người ta đã cải tiến bàn xoay chân đạp thành tay kéo. 
Lưới người như lưới cá
Cụ Tĩnh Châm bảo, người ngư dân cũng có đạo của ngư dân. Sống trong cái nghề bắt cá cũng lắm thú vị. Cụ lấy được vợ cũng do cái nghề này. Thấy anh chàng đem nhẻm sống trên chiếc lều cao mà kiên trì ngày này sang tháng khác, cô gái cất hàng chợ Bể cảm tình chàng ngư dân lúc nào chẳng biết.
Thế rồi họ nên duyên chồng vợ, sinh cho nhau hơn chục đứa con. Mối tình và hơn chục đứa con ấy đều sinh ra từ chiếc vó bè sông Sò này. Thế nên, với cụ Tĩnh Châm và những người làm nghề cất vó, chiếc vó bè không chỉ là “cần câu cơm” mà còn là kỷ niệm.
Ấy thế nhưng cất vó không phải là dễ. Cất vó cũng phải theo con nước thủy triều mà người trong nghề gọi là con nước rằm và con nước ba mươi. Lúc ấy nước chảy mạnh và tôm cá cũng theo con nước mà đi kiếm ăn. 
Người không phải trong nghề thì cứ nghĩ là cất vó chỉ bắt được tôm cá khi vừa đi vào trong vó, nếu không đúng thời điểm đó thì cá sẽ đi qua mất. Nhưng với người trong nghề thì khác, bởi kỹ thuật làm vó và đặt vó đều được tính toán từ trước rồi.
Thường thì phần lưới của vó có độ chùng để khi nước chảy thì lưới trở thành một cái vũm có độ sâu hơn cả thước tính từ viền lưới. Mặt khác, chiếc vó đặt xuống có độ nghiêng khiến cho cá khó thoát ra ngoài.
Người có kinh nghiệm biết khi nào cá đi nhiều hay ít mà chủ động cất vó đúng lúc. Nghề cất vó được xem là công việc nhàn hạ nhất trong các cách đánh bắt cá tôm. Nhưng, cũng vất vả vì phải thức khuya dậy sớm. Đôi khi chẳng được một giấc ngủ sâu vì cứ 5 – 10 phút là cất vó một lần. 
Thế nhưng, nhìn cách cất vó và những chiếc vó bè cải tiến bây giờ, cụ Tĩnh Châm cũng phải ngao ngán và chán nản: “Đã không làm nghề thì thôi. Đã làm thì phải chú tâm khiến cho lưới người như lưới cá. Xem ra cái vó bè xưa chỉ còn lại bóng trong tâm trí của những lão bộc như tôi mà thôi”.
“Vó bè là sản phẩm của đời sống xưa với đa số nông dân vùng sông nước. Vó bè cũng là đầu cơ nghiệp với bao nhiêu gia đình. Tất nhiên, bây giờ nó chỉ còn trong ký ức của nhiều người già cả, nhưng dù sao sự biến thể của nó cũng là hợp với thời cuộc”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương
Trần Hòa