Thanh tra xây dựng vòi tiền: Chánh thanh tra đưa thành viên không phải công chức...ý gì?

Google News

(Kiến Thức) -Theo các quy định pháp luật về thanh tra nêu rõ thành viên đoàn thanh tra phải là công chức. Việc Chánh thanh tra Bộ Xây dựng vẫn đưa 2 cán bộ không phải công chức vào đoàn thanh tra là có ý gì?

Vụ việc Thanh tra xây dựng vòi tiền ở Vĩnh Phúc đang là điểm nóng của dư luận không chỉ bởi đây là điển hình của tình trạng vòi vĩnh, nhũng nhiễu, gợi ý, lót tay, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp mà còn bộc lộ quá nhiều những bất cập về chất lượng thanh tra cũng như công tác quản lý giám sát cán bộ thanh tra.
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn quyết định tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với 3 cán bộ đoàn thanh tra nhận hối lộ gồm bà Nguyễn Thị Kim Anh - Trưởng đoàn thanh tra cùng hai thành viên là ông Đặng Hải Anh và Nguyễn Thuỳ Linh.
Đáng chú ý, trong số 3 bị can trên, 2 thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng là ông Đặng Hải Anh (38 tuổi, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2) và bà Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra) không phải là công chức thuộc Bộ Xây dựng.
Thanh tra xay dung voi tien: Chanh thanh tra dua thanh vien khong phai cong chuc...y gi?
 Bà Nguyễn Thị Kim Anh bị khởi tố do có hành vi nhận hối lộ khi thanh tra tại  huyện Vĩnh Tường.
Thông tin này khi được báo chí đăng tải, ngay lập tức khiến dư luận tiếp tục bức xúc bởi theo các quy định pháp luật về thanh tra nêu rõ thành viên đoàn thanh tra phải là công chức. Cụ thể, tại điều 34 luật Thanh tra số 56/2010/QH12 nêu rõ: “Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành phải là công chức của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chuyên ngành, am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ thanh tra”.
Hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Bởi vậy, tiêu chuẩn cán bộ thanh tra cũng được chọn lựa kỹ càng. Ngoài việc có chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật, có nghiệp vụ thanh tra còn cần có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan…Cùng với đó, pháp luật cũng quy định chi tiết những hành vi bị cấm trong công tác thanh tra như lợi dụng chức vụ, quyền hạn thanh tra để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng thanh tra, bao che cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật…
Không hiểu vì lý do gì mà ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh thanh tra Bộ Xây dựng vẫn đưa những cán bộ không đủ tiêu chuẩn trên vào danh sách đoàn thanh tra đi thực hiện công tác thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Việc lựa chọn những cán bộ tham gia đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng rõ ràng có vấn đề khi Trưởng đoàn Thanh tra bà Nguyễn Thị Kim Anh và hai cán bộ tham gia đoàn thanh tra đã có hành vi vòi tiền, nhận hối lộ đến mức bị truy tố. Chỉ với dự án cấp huyện, xã mà các cán bộ thanh tra thoái hóa biến chất đã vòi hàng trăm triệu đồng thì những dự án cấp tỉnh trở lên với những dự án lớn thì số tiền vòi vĩnh có theo cấp số nhân? Và cũng thật khó hiểu khi một đoàn thanh tra cấp bộ có 6 người mà có đến 3 người có hành vi nhận hối lộ thì dư luận có quyền nghi ngờ về công tác lựa chọn các bộ tham gia đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng.
Bởi việc thanh tra trong bất kỳ lĩnh vực nào đều có các bước, quy định cụ thể, nghiêm ngặt theo Luật Thanh tra và các thông tư hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, rõ ràng, Thanh tra Bộ Xây dựng đã không thực hiện đúng và nghiêm theo các quy định của pháp luật, nhất là trong công tác chọn lựa những người tham gia đoàn thanh tra cũng như Trưởng đoàn thanh tra dẫn đến tiêu cực xảy ra như vừa qua. Nguyên tắc là khi thành lập đoàn thanh tra thì phải lựa chọn con người đủ phẩm chất, năng lực và đạo đức, đủ tin tưởng để đi làm, nếu lựa chọn đúng người sẽ không có việc nhận hối lộ, vòi vĩnh một cách trơ trẽn, khủng khiếp đến như thế.
Theo quy định tại điều 48, Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 nêu rõ, người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung quyết định thanh tra và người ra quyết định thanh tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
Như vậy, trong trường hợp 2 thành viên đoàn thanh tra Bộ Xây dựng không phải là công chức thuộc Bộ Xây dựng vẫn được tham gia đoàn thanh tra và việc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng tại Vĩnh Phúc, rõ ràng việc dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng – cũng là người ra quyết định thanh tra là có cơ sở!
Bởi để xảy ra những hành vi tiêu cực, vòi vĩnh trong công tác thanh tra, nếu không làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật sẽ khiến người dân mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ thanh tra và công tác thanh, kiểm tra.
Qua vụ việc thanh tra Xây dựng "vòi" tiền, nhận hối lộ tại Vĩnh Phúc, liệu rằng, người dân còn có thể tin tưởng vào công tác thanh tra khi một đoàn thanh tra có chức năng chống tham nhũng, tiêu cực lại có hành vi tham nhũng tiêu cực? Khi mà ngay trong các cơ quan chống tham nhũng lại có những người tham nhũng? Khi mà công tác lựa chọn người tham gia đoàn thanh tra còn có nhiều vấn đề còn tồn tại?
Bởi hiện nay, công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng cơ bản tại nhiều địa phương vô cùng phức tạp, có dấu hiệu vi phạm. Đoàn Thanh tra có chức năng nhiệm vụ phát hiện những tồn tại đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy tắc quản lý…để kiến nghị chấn chỉnh. Tuy nhiên, việc các cán bộ thanh tra vì vụ lợi cá nhân đã vứt bỏ đạo đức nghề nghiệp để vòi vĩnh. Trong trường hợp, những đối tượng bị thanh tra lo lót tiền bạc cho cán bộ thanh tra thì tất nhiên những vi phạm của các đối tượng này sẽ không được chỉ ra hoặc sẽ được giảm nhẹ đi. Vậy, công tác thanh tra để làm gì khi những bản báo cáo, kết luận không đúng thực tế đã xảy ra, có dấu hiệu “đồng tiền bịt sai phạm” như vừa xảy ra?
Điều đáng ngẫm là hiện nay, hoạt động thanh kiểm tra doanh nghiệp quá nhiều, thậm chí có doanh nghiệp phàn nàn chỉ trong 3 tháng, các cửa hàng của công ty này đã bị thanh tra, kiểm tra hơn 20 lần. Dù biết rằng, thanh, kiểm tra là biện pháp quản lý cần thiết của các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự tuân thủ, thực thi pháp luật của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì chỉ ra cái sai, không ít cán bộ thanh tra lại dựa vào cái sai ấy để vòi vĩnh như đoàn Thanh tra Xây dựng tại Vĩnh Phúc khiến hoạt động thanh tra không phát huy hiệu quả mà còn lại sự ám ảnh đối với nhiều doanh nghiệp khi cách thức thực hiện thanh tra quá phiền hà.
Liên quan vụ việc trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị chức năng khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo khẩn trương làm rõ vụ "vòi tiền" của một số cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng trong quá trình làm việc tại huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) để xử lý nghiêm theo quy định; Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm Phó trưởng phòng (Phòng phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng) đối với bà Nguyễn Thị Kim Anh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan nếu có sai phạm.
Dư luận cho rằng, bên cạnh xử lý những cá nhân có hành vi nhận hối lộ cũng cần xem xét đến trách nhiệm của Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng khi đưa 2 thành viên không phải công chức vào đoàn thanh tra trên!
Thiên Nga