Đường lên đỉnh Olympia là cuộc thi kiến thức, đấu trí được mong chờ nhất vào Chủ Nhật hằng tuần. Bên cạnh những câu hỏi "căng não" thí sinh và người xem, Đường lên đỉnh Olympia còn có không ít những câu hỏi tưởng phức tạp nhưng thật ra chỉ khẽ "xoắn não" một chút là ra.
Mới đây, một câu hỏi Toán học trong phần thi Tăng tốc - cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia quý 3 tháng 3 đã gây tò mò cho khá nhiều người xem. Câu hỏi có nội dung: Tìm mật mã là một số tự nhiên có 3 chữ số để mở ổ khóa, trong đó: 1. Chữ số hàng trăm lớn nhất có thể, 2. Tổng ba chữ số của mật mã chia hết cho 9, 3. Hiệu của chữ số hàng đơn vị với chữ số hàng chục là 1.
Hình minh họa cho câu hỏi của chương trình.
Sau khi xem nội dung, chỉ có 2 thí sinh tham gia đưa ra đáp án đúng. Đây được đánh giá là câu hỏi khá thú vị. Một thí sinh trong chương trình đã diễn giải câu trả lời như sau: “Chữ số hàng trăm lớn nhất có thể thì bắt buộc là 9. Tổng ba chữ số của mật mã chia hết cho 9, mà chữ số hàng trăm là 9 đã chia hết cho 9 thì buộc tổng của chữ số hàng chục và hàng đơn vị cũng phải chia hết cho 9. Hiệu của chữ số hàng đơn vị với chữ số hàng chục là 1, nên lần lượt chữ số hàng chục là 4 và chữ số hàng đơn vị là 5 (4+5=9 => chia hết cho 9). Như vậy mật mã cần đi tìm là 945”.
Trước đó, một câu hỏi khác trong chương trình này cũng được xem là đơn giản nhưng vẫn thử thách thí sinh với nội dung như sau: Tìm số thứ nhất biết nếu thêm chữ số 3 vào bên trái số thứ nhất ta được số thứ hai gấp 7 lần số thứ nhất (biết số thứ nhất có hai chữ số). Việc lặp từ “số thứ nhất” nhiều lần khiến thí sinh dễ mất tập trung vào nội dung câu hỏi. Nhiều netizen nhận xét là nội dung khá rối phải tập trung cao độ mới có thể đưa ra đáp án.
Câu hỏi được đưa ra trong phần thi Về đích của thí sinh Thanh Lâm.
Nhiều bạn sau khi xem chương trình cũng đã có câu trả lời riêng cho mình. Đáp án cho câu hỏi trên như sau: “Gọi số thứ nhất cần tìm là ab. Ta được số thứ 2 = 3ab = 300 + ab. Theo như mệnh đề: Nếu thêm chữ số 3 vào bên trái số thứ nhất ta được số thứ hai gấp 7 lần số thứ nhất, ta được: 300+ab = 7xab. Suy ra: ab = 50”.
Trong trận thi tháng 1 quý 3 năm thứ 21, một câu hỏi trong phần thi Vượt chướng ngại vật đã đánh bại tất cả 4 thí sinh tham gia. Nội dung câu hỏi: Sinh nhật của An là một ngày trong tháng 4. Ngày sinh của An là số mà hiệu giữa bình phương của nó với chính nó bằng 306. Hãy cho biết ngày, tháng sinh chính xác của An. Không thí sinh nào đưa ra được đáp án cho câu hỏi này, tuy vậy dân mạng đã tranh thủ bàn luận sôi nổi về bài toán trên.
Theo lời MC Diệp Chi, đã rất lâu rồi chương trình mới có câu hỏi làm khó cả 4 "nhà leo núi".
Trên các diễn đàn, một khán giả đã đưa ra đáp án: “Hiệu giữa bình phương của nó với chính nó tức là x^2 - x = 306. Bấm máy ta có x1 = 18 và x2 = -17. Do ngày sinh không thể âm nên ta loại nghiệm 2 suy ra An sinh ngày 18/4”.
Trong cuộc thi tuần đầu tiên của Quý 3, trong phần thi Khởi động của nữ sinh Thu Hương xuất hiện câu hỏi: Vào lúc 6h00, kim phút và kim giờ tạo thành một góc bao nhiêu độ (hai kim không bị biến dạng)?
Chỉ cần tưởng tượng ra chiếc đồng hồ, khán giả sẽ đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi này.
Thoạt nhìn, đây có vẻ là một câu hỏi phức tạp, đòi hỏi phải sử dụng nhiều kĩ năng tính toán. Nhưng đáp án câu hỏi này có thể tính nhẩm khá nhanh chỉ bằng việc... tưởng tượng ra cái đồng hồ. Thực tế, có 2 dữ kiện quan trọng mà chương trình đưa ra là "vào lúc 6h00", "hai kim không bị biến dạng". Điều này tạo nên trường hợp hoàn hảo, đó là đồng hồ chỉ 6h đúng, không bị chênh bất cứ phút nào.
Hoặc có thể giải bằng cách tính toán:
Góc ở tâm tạo bởi 2 kim nằm giữa 2 số kề nhau là: 360 độ : 12 = 30 (độ).
Vào thời điểm a giờ thì góc tạo thành giữa hai kim đồng hồ là: 30a (độ).
Vậy góc tạo thành khi 6h đúng là: 30 x 6 = 180 độ".
Có thể thấy, những câu hỏi trên dù được đánh giá là dễ, nhưng vẫn khiến nhiều thí sinh "bối rối" vì cách diễn đạt lắt léo. Và đứng trước áp lực của cuộc thi để tranh vé vào vòng trong, việc các "nhà leo núi" không thể đưa ra câu trả lời là điều hoàn toàn hiểu được.
Theo Đường Cung/ Hoa học trò