|
Lưu Cường hạ Nam Anh Kiệt trong trận đấu tại Hà Nội sáng 19/7. |
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Mai Thanh Ba cho biết: “Ở góc độ vừa là người tập luyện võ thuật vừa làm công tác chuyên môn, tôi thấy trận đấu giữa võ sư Nam Anh Kiệt và Lưu Cường chẳng nói lên điều gì, không mang tính chuyên môn. Các cuộc giao lưu ở nhiều câu lạc bộ võ thuật còn kịch tính và hấp dẫn hơn rất nhiều. Ở đây (trận đấu giữa Nam Anh Kiệt và Lưu Cường-PV), họ tự thoả thuận với nhau, tổ chức trận đấu không theo một thể thức, luật lệ nào. Ngoại trừ một số đòn cấm, hai bên thỏa thuận đấu không phân hiệp theo thời gian, kéo dài đến 15 phút. Chẳng có trận đấu nào được tổ chức như vậy. Ví dụ như quyền Anh, võ sĩ đấu 3 phút/hiệp, đấu không quá 3 hiệp; MMA đánh 3 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 5 phút .v.v.”.
Lưu Cường và Nam Anh Kiệt từng nhiều lần "đấu khẩu" trên mạng xã hội từ năm 2019. Ngày 19/7, đôi bên gặp nhau ở Hà Nội để phân tài cao thấp. Trận đấu không phân hiệp theo thời gian. Lưu Cường có nhiều đòn đánh trúng đích, trước khi tung cú quét trụ làm Nam Anh Kiệt ngã ra sàn. Cựu Tổng đàn chủ phái Vịnh Xuân gặp chấn thương ở tay khi tiếp đất và không thể tiếp tục thi đấu. Lưu Cường được xử thắng sau gần 15 phút thi đấu.
“Tôi không đánh giá thực lực đôi bên bởi đây là trận đấu không chuyên. Các môn võ khác nhau, có tính chất khác nhau. Các môn võ cổ truyền thì mang tính nội bộ cao. Họ“đóng cửa” tự tập với nhau. Tôi chỉ không hiểu là tại sau một chưởng môn phái như Nam Anh Kiệt lại tham gia những trận đấu như thế này, phô diễn kỹ thuật như một người mới học võ. Còn Lưu Cường, một số báo đưa tin là đệ tử của HLV đội tuyển quốc gia Đào Việt Lập (một võ sĩ tên tuổi trong làng tán thủ Việt Nam). Tin này là không chính xác, tôi không biết báo chí lấy thông tin từ đâu”, Tổng thư ký Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF) ông Mai Thanh Ba nói.
Theo ông Mai Thanh Ba, người học võ là để luyện tập, nâng cao sức khoẻ, phục vụ cho công việc, chứ không phải để tỉ thí hơn thua cao thấp. Kể cả giao lưu tự phát thì vẫn cần có sự chặt chẽ trong luật thi đấu, đồ bảo hộ, trọng tài...
"Các giải đấu võ thuật đối kháng ở Việt Nam như Karatedo, Taekwondo, Vovinam, Pencat silat, tán thủ, cổ truyền, judo... vẫn được tổ chức theo luật thi đấu của Tổng cục Thể dục thể thao, cũng như của các Liên đoàn võ thuật. Môn phái nào đấu theo luật của môn phái đó. Nếu môn phái khác tham gia phải đấu theo luật của môn phái mình đăng ký thi đấu. Sắp tới, Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF) tổ chức giải đấu, võ sư Nam Anh Kiệt, Lưu Cường muốn tham dự có thể đăng ký thi đấu. Khi lên sàn đấu cứ theo luật mà đấu thôi", ông Mai Thanh Ba nhấn mạnh.
Việc MMA được hợp pháp hóa ở Việt Nam mới đây là cơ hội tốt cho nhiều võ sĩ khác thử sức mình ở bộ môn võ đối kháng hấp dẫn bậc nhất thế giới. Hiện tại, VMMAF đã có kế hoạch tổ chức các sự kiện võ thuật, giải vô địch quốc gia, xa hơn là các sự kiện nhà nghề có mời các ngôi sao quốc tế về tham gia cùng các võ sĩ Việt Nam.
"Mọi kế hoạch đang tạm hoãn do dịch COVID-19. Chúng tôi dự định đưa chuyên gia HLV nước ngoài về đào tạo cho HLV, trọng tài Việt Nam, nhưng do dịch nên chưa thể thực hiện được. Trước mắt, chúng tôi đang tình đến phương án tận dụng nguồn lực trong nước. Nhiều HLV nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, hay cả HLV Việt Nam cũng có thể tham gia công tác đào tạo. Sau đó, mới tình đến việc tổ chức các giải đấu", Tổng thư ký Liên đoàn Võ tổng hợp Việt Nam (VMMAF) cho biết.
Theo Trong Đạt/Tiền phong