Hoàng đế lười nhác nhất lịch sử Trung Quốc

Google News

Trị vì lâu nhất trong lịch sử nhà Minh, hà cớ gì Hoàng đế này đang dốc sức vì dân, tự nhiên lại bỏ bê triều chính suốt 28 năm?

Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân là con trai thứ ba của Minh Mục Tông. Năm Long Khánh thứ 6, Mục Tông băng hà. Chu Dực Quân lên ngôi khi mới chỉ 10 tuổi, sang năm sau đổi niên hiệu thành Vạn Lịch.

Từ năm 1572 tới năm 1620, Vạn Lịch đã làm Hoàng đế 48 năm. Điều khiến người đời tranh cãi chính là việc trong 48 năm đó, Hoàng đế Vạn Lịch không lâm triều tới 28 năm liên tiếp.

Đã có ý kiến cho rằng, Hoàng đế Vạn Lịch Chu Dực Quân là Hoàng đế lười nhác nhất trong lịch sử! 28 năm không quan tâm chính sự!

Thật ra không phải như vậy, quy kết tất cả cho lười nhác là sai lầm. Nếu như Vạn Lịch Đế bỏ bê việc nước vì lười, vậy việc ông đích thân dốc sức xây dựng đất nước trong giai đoạn đầu trị vì nên giải thích ra sao?

Suốt cuộc đời Hoàng đế Vạn Lịch có được ba trợ thủ đắc lực, đó là Từ Thánh hoàng thái hậu, Phùng Bảo và Trương Cư Chính.

Từ Thánh hoàng thái hậu có lòng yêu thương nhân từ độ lượng của người mẹ, Hoàng đế Vạn Lịch vô cùng kính trọng bà. Có đôi lúc bà cũng sẽ tham gia việc chính trị, giúp đỡ Vạn Lịch.

Phùng Bảo được Vạn Lịch gọi là "Đại Bảo", là trợ thủ đắc lực của Hoàng đế, cũng là một người bạn đồng hành từ nhỏ đến lớn của ông.

Phần lớn thời gian Phùng Bảo đảm nhiệm vai trò quản lý, đốc thúc công việc trong cuộc sống của Hoàng đế, ví dụ khi hoàng tử nhỏ biểu hiện không tốt, ông ta sẽ bẩm báo lại với Hoàng thái hậu.

Người có ảnh hưởng lớn nhất đến Vạn Lịch là Trương Cư Chính. Trương Cư Chính đã làm vô cùng tốt vai trò người thầy nghiêm khắc bậc nhất của Hoàng đế Vạn Lịch.

Sau khi Vạn Lịch lên ngôi, có hơn phân nửa việc chính sự được Trương Cư Chính và ông cùng xử lý. Chính thứ quan hệ vua tôi hài hoà này đã mang tới thời kỳ xã hội ổn định, kinh tế phát triển kéo dài mười năm mang tên "Vạn Lịch trung hưng".

Hoang de luoi nhac nhat lich su Trung Quoc

28 năm không lâm triều

Vạn Lịch dựa dẫm rất nhiều vào Trương Cư Chính, đến mức sau khi Trương Cư Chính qua đời, ông không biết phải nghe theo ai, bắt đầu bỏ bê triều chính. Đây là một nguyên nhân, nhưng không phải là nguyên nhân chủ yếu nhất.

Vạn Lịch bỏ thiết triều 28 năm, nguyên nhân lớn nhất là vì ông hoàn toàn thất vọng về đám quan văn. Bởi thất vọng, nên ông mới cố gắng chống lại và bài xích.

Đa số quan văn nhà Minh đều mưu cầu tư lợi. Thái độ của phần lớn trong số đó khi ấy là: Chỉ cần đứng đúng vị trí trong những việc phải trái rõ ràng, ngày thường nhận một chút lợi lộc sẽ chẳng ảnh hưởng gì lớn.

Điều quan trọng là quyền lực của đám quan văn rất lớn. Việc họ phản đối Vạn Lịch lập con thứ ba làm Thái tử đã trở thành giọt nước tràn ly. Từ đó về sau, Vạn Lịch không còn cùng làm việc với quan văn nữa.

Vậy tại sao trong gần 30 năm đó xã hội vẫn ổn định, nội chiến ngoại chiến vẫn toàn thắng?

Thật ra, thay vì nói Vạn Lịch bỏ bê triều chính, nên nói ông tránh mặt đám quan văn mới phải.

Không lâm triều là để không thấy sẽ khỏi phải phiền lòng, không có nghĩa là Vạn Lịch không màng chính sự. Ngược lại, điều này còn nâng cao hiệu suất hành chính ở một mức độ nhất định, Hoàng đế Vạn Lịch có thể chuyên tâm xử lý quốc sự hơn.

Đây là lý do tại sao giai đoạn sau của thời Vạn Lịch vẫn còn có công trạng như "Vạn Lịch tam đại chinh". Bên trong, có Chiến dịch Ninh Hạ dẹp yên cuộc nổi loạn của người Mông Cổ; bên ngoài, có Chiến tranh Nhật Bản - Triều Tiên (1592-1598) đánh lại Nhật Bản.

Hoang de luoi nhac nhat lich su Trung Quoc-Hinh-2

Điều đáng buồn là cuối thời Vạn Lịch, đám quan văn ngày càng càn quấy dẫn đến nội loạn, triều đình chia năm xẻ bảy. Tộc Nữ Chân nhân sơ hở tấn công, nhà Minh sắp đến ngày tận số.

Bởi vậy, đó là lý do tại sao khi đa số mọi người đều nói Hoàng đế Vạn Lịch là tội nhân thiên cổ, vẫn có người nói rằng Hoàng đế Vạn Lịch là "Thiên cổ nhất đế".

Đây là một vị Hoàng đế có tài, anh minh quyết đoán, nhưng lại mang trong mình nỗi đau người thường không thể thấu hiểu, chỉ có thể để lại một bóng lưng thê lương cho người đời.

Theo Pháp luật và bạn đọc