Mỗi ngày kiếm vài trăm nghìn, shipper liệt nửa người vẫn chăm chỉ mưu sinh

Google News

Những ngày này tại TP Hà Nội, người người hạn chế ra đường, thế nhưng, các shipper vẫn ngày đêm miệt mài giao các gói hàng, đồ ăn, nhu yếu phẩm đến tay từng người. Dù rất lo ngại về nguy cơ lây nhiễm, nhưng với họ, gánh nặng mưu sinh không cho phép họ ngừng làm việc.

Bị liệt nửa người bên trái từ năm 15 tuổi, sau khi học hết cấp 3 và trung cấp dược, bạn Đỗ Thắng (quê ở xã Xuân Quang, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) xuống Hà Nội làm shipper tự do đến nay đã gần 4 năm.

“Năm 2004, khi tròn 15 tuổi, em bị cảm và phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai suốt 2 tháng trời. Bác sĩ kết luận em bị tắc động mạch cảnh trong bên phải dẫn đến tai biến, liệt nửa người bên trái. Suốt hơn 1 năm trời em phải bảo lưu kết quả học tập tại trường và điều trị vật lý trị liệu, tập đi với sự hỗ trợ của bố mẹ và chị gái. Rồi em cũng đi học hết cấp 3, học trung cấp dược gần nhà, hàng ngày chị em đưa em đi học bằng xe đạp rồi hết buổi lại đón em về. Về nhà lại được bố dắt xe đạp cho tập đi, cứ thế, bệnh của em dần dần tiến triển. Đến năm 2011 em đã có thể tự đi xe máy thành thạo mặc dù nửa người bên trái vận động rất khó khăn”, Đỗ Thắng chia sẻ.

Do ảnh hưởng của tai biến, nửa người bên trái của Đỗ Thắng còn yếu, làm việc kiếm tiền để mưu sinh rất khó khăn nhưng chưa lúc nào nụ cười tắt trên môi.

Theo Đỗ Thắng, lựa chọn xuống Hà Nội tự lập là vì nhà quá nghèo lại thương bố mẹ. “Học xong trung cấp dược em không xin được việc nên đi làm công nhân vài tháng nhưng cũng không ăn thua. Tay em yếu quá nên hiệu quả công việc kém, những việc nặng nhọc, khuân vác em lại không làm nổi, vì thế em quyết định làm shipper giao hàng tự do”.

Mới đầu chưa có shop quen, chưa thuộc đường, Đỗ Thắng phải mò mẫm tìm các đơn lẻ trên mạng xã hội. “Đơn ít, tay chân bên trái bị yếu nên em phải di chuyển chậm hơn các ship khác, vì vậy mỗi ngày em chỉ kiếm được chưa đến 100.000 đồng. Chưa kể mùa hè nắng nóng 39-40 độ, mùa đông lại lạnh và mưa nên rất vất vả, nếu rủi lại còn bị lừa mất tiền nữa nhưng vì công việc tự do, thoải mái thời gian nên em vẫn cố gắng làm.

Rồi sau đó, em cũng có 3-4 shop quen, mỗi ngày đi tầm 15-20 đơn cho shop, tìm thêm vài đơn lẻ nên dần dần thu nhập của em cũng ổn định. Mỗi tháng, trừ các chi phí đi em cũng để ra được khoảng 8-9 triệu, em gửi một chút về quê cho bố mẹ, số còn lại em để mua thuốc chữa bệnh và trả tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt”.

Trước khi có dịch, mỗi ngày Đỗ Thắng làm được từ 400-500.000 đồng, tiền kiếm được Thắng dùng để mua thuốc chữa bệnh và gửi về quê cho bố mẹ.

Dù khó khăn nhưng với gần 4 năm làm shipper, Đỗ Thắng vừa vượt qua được bệnh tật để tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình, vừa có thể hỗ trợ bố mẹ ở quê và chữa bệnh cho chính bản thân mình. Nhưng đó không phải là điều duy nhất khiến Thắng bám trụ cùng công việc ship hàng.

“Trong công việc em có được những khách hàng là những shop quen luôn đồng hành và giúp đỡ, đó là điều làm em vui nhất. Có lần em làm vỡ hàng trị giá mấy trăm nghìn nhưng shop cũng không bắt đền hay mắng mỏ gì, mùa dịch shop còn tặng em khẩu trang để em đi làm. Có cả những shop trả công ship gấp 2-3 lần bình thường, tặng quà sinh nhật và dịp lễ, Tết…”, Đỗ Thắng nói.

Mùa dịch, người dân hạn chế ra đường, shipper chính là những người trung gian giữa người mua và người bán được thuận lợi.

Từ khi có dịch, các cửa hàng làm ăn kém hơn do mọi người thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức mua giảm, chỉ có đồ ăn, thực phẩm là còn bán được nên đơn ship ít hơn nhưng ĐỗThắng vẫn cố bám trụ tại Hà Nội.

“Nếu như trước đây mỗi ngày em kiếm được khoảng 400-500.000 đồng thì giờ chỉ được tầm 200-300.000 đồng. Dù ít nhưng vẫn có thu nhập để trang trải cuộc sống. Dịch bệnh bố mẹ em cũng sợ, bảo em về quê, nhưng về không có việc làm, hàng ngày em vẫn phải mua thuốc uống, xoa bóp và châm cứu vì nửa người bên trái của em vẫn yếu, chưa hoạt động bình thường được. Đi làm giữa mùa dịch bệnh thế này cũng lo nhưng không có tiền còn lo hơn chị ạ”, Đỗ Thắng bộc bạch.

Chắc chắn rằng, không chỉ Đỗ Thắng mà còn rất nhiều người lao động nghèo, đang phải vất vả mưu sinh từng ngày để có tiền trang trải cuộc sống bởi gánh nặng “cơm áo gạo tiền” hàng ngày vẫn đè nặng lên vai họ, không cho phép họ ngừng làm việc.

Theo Dân Việt