Năm 2020, Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong nhận được 233 đơn khiếu nại về dịch vụ cưới hỏi. Con số này cao hơn 25,9% so với tổng phản hồi tiêu cực từ 2 năm 2018-2019, theo SCMP.
Năm qua, nhiều đôi trẻ Hong Kong (Trung Quốc) buộc phải hoãn hoặc hủy bỏ ngày trọng đại vì lệnh phong tỏa do Covid-19. Dữ liệu từ Bộ Di trú chỉ ra số lượng đám cưới giảm mạnh từ 44.520 năm 2019 xuống còn 28.161 năm 2020.
|
Các cặp vợ chồng sắp cưới chấp nhận mất tiền cọc để hoãn, hủy hôn lễ do lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội. Ảnh: Xiaomei Chen.
|
Những quy định giãn cách xã hội khiến các cặp vợ chồng có mùa cưới chưa trọn vẹn, xảy ra tranh chấp với đơn vị tổ chức về việc hoãn/hủy sự kiện và các vấn đề liên quan.
"Không nên tin tưởng các hợp đồng miệng. Nếu bạn cần tạm dừng hay thay đổi bất cứ điều khoản nào về dịch vụ cưới, hãy ký một hợp đồng mới thay vì sửa chữa văn bản hiện tại", Gilly Wong Fung-man, Giám đốc điều hành Hội đồng, trả lời họp báo ngày 16/3.
Có trường hợp cặp vợ chồng sắp cưới bị nhà cung cấp dịch vụ đòi bồi thường 140.000 HKD (khoảng 18.000 USD) do hủy tiệc cưới.
Trước đó 1,5 năm, đôi tình nhân đã đặt cọc 72.000 HKD (khoảng 9.200 USD) cho đơn vị tổ chức. Do lệnh cấm tụ tập và ăn uống bên ngoài, họ buộc phải hủy bỏ đám cưới và nhận được yêu cầu đòi tiền bồi thường từ phía công ty.
Sau đó, hai người quyết định trình báo sự việc lên Hội đồng Người tiêu dùng Hong Kong và được đơn vị này đứng ra hòa giải. Dù không phải trả phí phá vỡ hợp đồng, họ vẫn mất trắng tiền cọc.
Trong trường hợp khác, một công ty nhiếp ảnh từ chối hoàn lại tiền cho cặp tình nhân từng đặt chụp ảnh cưới tại Karuizawa, Nhật Bản. Khách hàng vốn trả trước số tiền 16.380 HKD (khoảng 2.000 USD) cho chuyến du lịch, chụp ảnh tháng 10 vừa qua.
Nhưng khi xứ hoa anh đào áp đặt các hạn chế di chuyển do Covid-19, công ty nhiếp ảnh đề xuất hoãn hoặc thực hiện buổi chụp hình ở Hong Kong, từ chối hoàn tiền với lý do "đã cho khách hàng thỏa thuận thay thế".
|
Các dịch vụ đặt tiệc cưới, chụp ảnh hôn lễ không có chính sách hủy bỏ sự kiện, gây ảnh hưởng tới các cặp tình nhân. Ảnh: RT.
|
Tiến sĩ Victor Lui Wing-cheong, Phó chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu và Thử nghiệm tại Hội đồng Người tiêu dùng, cho biết khách hàng không có quyền đơn phương thay đổi hợp đồng đã ký với nhà cung cấp dịch vụ cưới.
Điều này khiến họ gặp nhiều bất lợi khi có các yếu tố khách quan như dịch bệnh xảy ra.
Theo khảo sát từ hội đồng, 8 trong số 10 địa điểm tổ chức tiệc cưới được hỏi khẳng định sẽ "không hoàn tiền vì bất kỳ lý do gì", kể cả những thay đổi đột ngột về quy định giãn cách xã hội.
Do đó, Lui nhắc nhở các cặp vợ chồng tương lai nên bàn luận kỹ với nhà cung cấp dịch vụ về kế hoạch dự phòng trong trường hợp hoãn, hủy bỏ ngày trọng đại do dịch Covid-19 và các vấn đề liên quan.
Theo Zingnews