Thục Trinh chụp ảnh cùng MC Khánh Vy.
Vũ Thục Trinh, học sinh lớp 11A1 trường THPT Ba Vì, Hà Nội mới đây đã có phần thể hiện đem về kết quả cao ở cuộc thi tuần 1, tháng 2, quý I Đường lên đỉnh Olympia.
Làm bạn với Google
Từ nhỏ, Thục Trinh đã có hứng thú tìm tòi, học các môn khối tự nhiên, nhất là môn Vật lý. Không kể thời gian biểu học cố định ở trường, mỗi ngày em dành thêm khoảng 4 tiếng để chuẩn bị bài vở cho ngày hôm sau và đọc thêm kiến thức về xã hội trên mạng. Nhận thấy phương pháp học của mình khá "lạ" so với nhiều bạn khác, Trinh nói: "Thời khoá biểu của em không cố định, em làm việc khá ngẫu hứng và đề cao sự thoải mái của bản thân".
Trước khi tham gia sân chơi tri thức như Đường lên đỉnh Olympia nói riêng và trong quá trình học tập nói chung, Thục Trinh cho biết thường xuyên làm bạn với Google để tìm kiếm tài liệu, kiến thức và thi thử trên các trang mạng uy tín.
Cô bạn kể: "Tham gia cuộc thi đòi hỏi sự thông tuệ cao trong mọi lĩnh vực, mọi chủ đề, mở rộng cả trong sách giáo khoa các lớp và cả những kiến thức xã hội nên em đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng với tâm thế nỗ lực hết mình. Em không có các anh chị đi trước để dẫn đường, em chỉ có thể cố gắng tìm kiếm tài liệu trên Google, cố gắng nghe và ghi nhớ kiến thức càng nhiều càng tốt.
Đã có lúc, em hơi nản khi đưa ra quyết định tham gia cuộc thi Olympia. Nhưng em bất ngờ được truyền cảm hứng từ anh Hà Việt Hoàng trên sân chơi "Siêu trí tuệ Việt Nam", em nhớ ra một ước mơ từ bé, một khao khát giành được vòng nguyệt quế. Kể từ đó, em đã trở lại với việc luyện tập, và trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân ở trường quay S14".
Giống như nhiều thí sinh tham gia cuộc thi Olympia khác, Trinh cũng có đam mê với Olympia từ nhỏ khi theo dõi chương trình trên TV. Cô bạn còn được truyền cảm hứng từ những người thân trong gia đình qua câu nói động viên: "Cố lên, học giỏi lên sau này thi Olympia". Vì vậy, Trinh cảm thấy may mắn khi luôn có chỗ dựa tinh thần vững chắc từ gia đình, thầy cô, bạn bè để tự tin tỏa sáng trong cuộc thi.
"Em khá tự hào khi được làm quen với nhiều bạn học sinh giỏi trên khắp cả nước. Đặc biệt, em còn có một nhóm bạn đều là thí sinh Olympia chơi rất thân với nhau. Dù có những bạn em chưa từng gặp mặt, nhưng mọi người vẫn luôn tạo cho em sự tin tưởng, an toàn và giúp đỡ nhau trong quá trình ôn luyện", nữ sinh trường THPT Ba Vì hào hứng kể.
Để lại dấu ấn trong lòng khán giả
Bước ra khỏi cuộc thi với kết quả chưa thật sự đúng với kỳ vọng của bản thân nhưng Thục Trinh phần nào cảm thấy hài lòng. Sau cuộc thi, đoạn video ghi lại giọng hát của Thục Trinh được chia sẻ lên mạng xã hội TikTok đã nhận được 4,6 triệu lượt xem và gần 1 triệu lượt yêu thích.
Chia sẻ với phóng viên, nữ sinh nói: "Sau khi kết thúc cuộc thi tháng, em cảm thấy tiếc nuối và thất vọng. Nhưng nếu nhìn lại, em cảm thấy mình có thể hài lòng một chút khi có đủ 1 vòng nguyệt quế, 1 cúp, 1 kỉ niệm chương và thậm chí có thể hát trước sóng truyền hình quốc gia.
Em rất yêu nghệ thuật, yêu âm nhạc và hơn thế nữa, em yêu nụ cười của mọi người khi thưởng thức âm nhạc. Em thường chỉ hát nhạc trẻ, nhưng nhạc cách mạng em cũng rất thích. Em đã dự định hát từ cuộc thi tuần, nhưng vì một số lý do cá nhân nên em đã từ chối khi được đề nghị hát. May mắn có được vòng nguyệt quế ở trận tuần, em được tham gia cuộc thi tháng nên đã có cơ hội để thể hiện tài lẻ của mình ở sân chơi tri thức này".
Thục Trinh chụp ảnh cùng 2 cô giáo của trường THPT Ba Vì, Hà Nội.
Trước đó, trong trận thi đầu tiên tháng 2 quý I Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22, hai thí sinh đến từ Hà Nội: Vũ Thục Trinh và Nguyễn Thành Long liên tục thay nhau dẫn đầu cuộc đua. Cuối cùng, Thục Trinh giành ngôi đầu ẵm vòng nguyệt quế; Thành Long về nhì.
Một số khán giả dành lời khen và bày tỏ sự tiếc nuối cho Thục Trinh như: "Thích em Trinh quá. Xinh gái, học giỏi lại hát hay. Tiếc là em dừng chân tại cuộc thi này sớm quá"; "Cảm ơn Trinh vì đã đem đến cho chương trình những giây phút thư giãn chất lượng"; "Giọng ca duy nhất mình nghe và thấy tâm đắc khi theo dõi chương trình"...
Theo Châu Linh / Tiền Phong