Tính đúng nhưng cô giáo gạch thành sai, ai mới là người mắc lỗi?

Google News

Trong trường hợp bài toán này, cô giáo hay học sinh mới là người đưa ra kết quả đúng? Phép cộng hay phép trừ, phép nào hợp lý hơn?

Bạn đã bao giờ rơi vào tình cảnh 'bế tắc' với những bài Toán cộng trừ nhân chia của học sinh cấp 1?

Mới đây, dân tình chia sẻ một bài toán tiểu học với lời phê 'Xem lại bài sai' từ cô giáo. Với vài nét gạch bằng mực đỏ, ai cũng cho rằng bài toán sai nên giáo viên đã phải sửa lại. Tuy nhiên, người chia sẻ bài toán này thì một mực khẳng định học trò không hề giải sai. Người tính nhầm lại là... cô giáo.

Cụ thể, đề bài như sau: Sau khi Nam cho Bắc 5 cái kẹo thì Bắc có 18 cái kẹo. Hỏi lúc đầu Bắc có bao nhiêu cái kẹo?

Tinh dung nhung co giao gach thanh sai, ai moi la nguoi mac loi?

Mặc dù câu hỏi trong bài Toán được đặt ra hơi ngược so với diễn đạt thông thường, nhưng đây vẫn là bài Toán sử dụng phép cộng trừ của cấp 1. Dựa vào đề bài cùng bảng tóm tắt cụ thể bên cạnh, ai cũng có thể tính ra đáp án 18 - 5 = 13 cái kẹo là một lời giải chính xác.

Ấy vậy nhưng cô giáo vẫn sửa dấu trừ thành cộng, công nhận lời giải 18 + 5 = 23 mới là đáp án cuối cùng.

Dân tình được thể xôn xao vì lỗi sai cơ bản của cô giáo. Ngoài việc câu hỏi bài toán được trình bày theo kiểu mới ra, bản chất của phép tính không hề thay đổi. Vậy thì tại sao cô giáo lại có sự nhầm lẫn như vậy nhỉ?

'Bình thường những bài toán tiểu học hay cho dạng để xuôi, kiểu 'Nam cho Bắc 5 cái kẹo. Hỏi ban đầu Bắc có mấy cái kẹo, biết hiện tại Bắc có 18 cái'. Các dữ kiện trong bài trình bày theo đường thẳng. Nay bài này hỏi hơi ngược nên có thể khiến nhiều người nhầm lẫn nếu đọc lướt. Chắc cô giáo cũng nhầm lẫn Nam với Bắc rồi.' - Bạn T.P suy đoán.

'Một ngày cô giáo phải chấm nhiều bài vở quá, nhầm một chút thôi mà. Ai làm việc chẳng có chút sai sót, đâu hoàn hảo mãi được. Phụ huynh bạn học trò này có thể nhắc con mình hôm sau mang tập vở lên để cô kiểm tra, chấm lại điểm nếu có, là xong.' - Bạn A.P chia sẻ.

'Bài toán này thì đơn giản, dễ nhìn ra lỗi sai. Chứ nhiều bài toán cấp 1 gây lú lắm các ông ạ. Trước con trai mình có mang toán về hỏi mẹ. Bài này hỏi tuổi bố và tuổi mẹ, mà đáp án thế nào lại ra bố 14 tuổi mẹ 12 tuổi có chết không cơ chứ. Nên mong các thầy cô chấm bài cho trò thì cứ bình tĩnh mà chấm. Ra đề cho trò thì tính trước độ hợp lý, kẻo các con ngơ ngác không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, thế nào là hợp thực tế' - Tài khoản T.Y nói.

Theo Minh Minh/Baodatviet