Tham vọng đế vương mang tên mạng xã hội Facebook

Google News

Mark Zuckerberg đang chuẩn bị mọi thứ để hoàn thành tham vọng đế vương của mạng xã hội Facebook trong thời đại tiếp theo.

Đế chế La Mã từng nổi tiếng với động tác ngón tay giơ thẳng, một biểu tượng mạnh mẽ và rộng khắp của quyền lực. Hơn 500 năm sau khi La Mã sụp đổ, một đế chế khác đã trỗi dậy. Chỉ sau 12 năm thành lập, biểu tượng ngón tay cái giơ thẳng của họ trở thành biểu tượng của một loại quyền lực hoàn toàn mới.
Tham vong de vuong mang ten mang xa hoi Facebook
Mark Zuckerberg và "đế chế nút Like". Ảnh: Philip Jackson.

Biểu tượng đó chính là nút Like của mạng xã hội Facebook, đế chế với dân số khổng lồ, tài nguyên giàu có, một vị lãnh đạo đầy quyền lực, với tầm nhìn và ảnh hưởng đến gần như mọi ngóc ngách của địa cầu.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện có trên 1,6 tỷ người sử dụng, một tỷ trong số đó online mỗi ngày với thời lượng trên 20 phút. Ở phương Tây, Facebook là nơi chia sẻ rộng khắp nhất các hoạt động phổ biến, thông qua smartphone; hàng loạt ứng dụng đi kèm của Facebook cũng chiếm lấy 30% lượng sử dụng Internet di động của Mỹ. Họ cũng là công ty có giá trị thứ 6 trên thế giới, đáng giá đâu đó khoảng 325 tỷ USD.

Dẫu vậy, Mark Zuckerberg, “gã hoàng đế” 31 tuổi vẫn đang ấp ủ một hoài bão to lớn hơn. Anh muốn kết nối mọi quốc gia nghèo khổ chưa nằm trong hệ thống đế chế khổng lồ trên, bằng cách chiếu rọi tín hiệu Internet đến họ từ các máy bay dùng năng lượng mặt trời; ở một địa đầu khác, gã đang đánh cược vào trí tuệ nhân tạo, các cỗ máy nhắn tin tự động chatbot và thực tế ảo.

Đây là nước cờ liều lĩnh nhưng đủ để Facebook thống trị thế giới số, đả bại những cường quốc khác, mà Google là một ví dụ. Đây là cuộc chiến tái lập thế giới ảo hiện tại và thiết lập tương lai.

Những đế chế xây dựng trên dữ liệu

Facebook phồn thịnh bằng cách xây dựng những dịch vụ khai thác sự chú ý của các nhóm người dùng lớn, sự tò mò rồi sẽ bị rao bán cho các nhà quảng cáo. Điều này chẳng khác Google. Hai đế chế này có vai trò khác nhau trong đời sống người dùng: Google biết mọi thứ về thế giới, còn Facebook biết mọi thứ về người dùng và bạn bè của họ.

Bạn lên Google để bận rộn làm việc, rồi chuyển qua Facebook để giết những khoảng thời gian rỗi rãi.

Thế nhưng, vị trí thống trị và chiến lược của hai gã này giống y hệt nhau. Những dòng dữ liệu đổ về liên tục xây đắp cao thành lũy cho họ. Điều đó giữ chúng vững vàng trước những đối thủ tiềm năng và mang đến nguồn tiền, cho phép họ dấn thân vào những cuộc viễn chinh liều lĩnh, đả bại các đối thủ bằng cách nuốt gọn chúng.

Cả hai đế chế này luôn kiếm cách khai thác nhiều thêm dữ liệu từ người dùng, giải thích cho tham vọng đánh phá những thị trường đang phát triển, dù bằng máy bay tự lái như Facebook, hay các khinh khí cầu khổng lồ của Google.

Tham vong de vuong mang ten mang xa hoi Facebook-Hinh-2
Mọi công nghệ tập trung cho mục tiêu duy nhất: Thu thập thêm dữ liệu người dùng. Ảnh: DispatchLive.

Nhiệm vụ của họ rất rõ ràng: Dùng dữ liệu người dùng để tạo ra các dịch vụ và kiếm tiền theo cách mới. Facebook đánh cược bằng AI (trí tuệ nhân tạo), một dấu hiệu cho thấy phương án lớn là các “trí tuệ máy móc” - những phần mềm biết cách tự học thông qua nghiền ngẫm dữ liệu, bớt phụ thuộc vào kỹ sư.

Họ đã và đang ứng dụng AI để nhận diện người trong ảnh, và để quyết định các trạng thái hoặc quảng cáo nào sẽ được đưa đến người dùng. Facebook cũng đang đẩy mạnh các trợ lý ảo và chương trình trả lời tự động (chatbot) cho phép tự chúng tương tác với người dùng thông qua các tin nhắn ngắn gọn.

Đêm nay, họ có thể tung ra dịch vụ Messenger để mở rộng phạm vi của các chatbot, bên cạnh những tính năng hiện tại như gọi xe Uber. Facebook cũng đang ngắm đến VR, họ mua lại Oculus, chiến binh mạnh mẽ nhất trên mảng này với giá 2 tỷ USD vào năm 2014, không khó nhận ra đó chính là chiến địa tiếp theo, khi mảnh đất smartphone đã dần được bình định.

Facebook gặp nhiều đối thủ ở chiến địa này, Google đang dùng AI để cải thiện dịch vụ Internet và dẫn đường cho xe tự lái, các tên tuổi khác cũng dồn tiền cho AI, dù rằng với túi tiền không đáy và kho dữ liệu khổng lồ, Facebook và Google vẫn là hai miền đất hứa cho các nhà khoa học cũng như những startup sáng giá nhất.

Facebook hơi chậm chạp hơn Amazon, Apple, Google và Microsoft ở mảng trợ lý ảo hỗ trợ giọng nói; với chatbot, họ gặp sự cạnh tranh quyết liệt của Microsoft và hàng loạt startup muốn chứng tỏ bot chính là định nghĩa mới của ứng dụng.

Khi càng đi sâu vào VR, Zuckerberg nhận ra viên gạch tiếp theo là AR (tương tác thực tại ảo), khi thông tin được đính cả vào thế giới thật. Microsoft nhảy thẳng vào AR với bộ HoloLens, sản phẩm đáng chú ý nhất của họ trong nhiều năm, còn Google âm thầm hơn khi đầu tư vào Magic Leap, một startup AR không mấy tên tuổi.

Tham vong de vuong mang ten mang xa hoi Facebook-Hinh-3
Thực tế ảo, "chiến địa mới" của các ông lớn. Ảnh: NewWorldNotes.

Tham vọng khổng lồ của Facebook cùng các đối thủ cho thấy một trật tự mới đang hình thành, đổi thay cách con người tương tác với nhau, với dữ liệu và cả thế giới.

AI sẽ giúp các thiết bị và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của bạn (Ứng dụng Inbox của Google đã gợi ý các cách trả lời email cho người dùng).

Những giao diện mới cho phép bạn tìm kiếm và thao tác bằng cách nhắn tin cho chatbot với ký tự hoặc giọng nói. Các dịch vụ thông minh rồi sẽ tràn ngập trên mọi sản phẩm, như thiết bị đeo, xe hơi hoặc kính VR/AR.

Chỉ trong vòng một thập kỷ tới, nhiều khả năng công nghệ sẽ chuyển sang các dạng thức AR kết hợp cùng AI, cho phép dùng thao tác và lời nói để tương tác, và cả thế giới chính là một màn hình khổng lồ. Dữ liệu sẽ được đính vào cả thế giới, mở ra kỷ nguyên tiếp theo của giao tiếp, sáng tạo và hợp tác.

Đây chính là kỷ nguyên mà Facebook, Google, Microsoft và các tên tuổi khác đang hướng đến. Dù vậy, đâu đó sẽ có những lo lắng về bảo mật hoặc an ninh. Khai thác dữ liệu cá nhân sẽ khiến các dịch vụ trông như những cuộc điều tra. Điều đó sẽ dễ dàng tạo hiệu ứng ngược nếu không cung cấp thành quả xứng đáng, hoặc nguy cơ bảo mật.

Sức mạnh của người dùng

Hiện có nhiều lo ngại về sự độc quyền và hiểm hoạ của hệ sinh thái khép kín khi người dùng không được tự do lựa chọn dịch vụ mình muốn. Ấn Độ từng bác bỏ đề nghị phổ cập Internet của Facebook. Họ cho rằng, một công ty tập trung nhiều quyền lực có thể gây ra những rủi ro lớn. Đức cũng đang điều tra hoạt động thu thập dữ liệu cá nhân của Facebook. Khi tầm ảnh hưởng của Facebook tăng, họ có thể phải đối mặt với nhiều vụ kiện như Microsoft và Google từng gặp trước đây.

Tìm đến sự cân bằng giữa việc ngày càng gắn chặt với hàng tỷ người, kiếm lợi từ họ và việc hạn chế những lỗi lầm lớn sẽ là thử thách kinh doanh lớn nhất nhì của thế kỷ này. Ngay cả ở La Mã, các hoàng đế từng chứng kiến việc nhân dân quay mũi giáo về phía họ.

Hãy tung hô Zuckerberg, nhưng cũng đừng quên nguyện cầu cho gã.

Theo Zing