“Đồ xưa có ma“: Cái chum Long Vân từ Bắc vào Nam

Google News

(Kiến Thức) - Chiếc chum cổ Long Vân mà cụ Vương hiến tặng Nhà nước có một "hành trình" vô cùng đặc biệt.

Cái chum Long Vân của cụ Hàn Liên. 

Trong các cổ vật quý hiếm mà cụ Vương hiến tặng Nhà nước có chiếc chum Long Vân mang số 1262 theo thứ tự do cụ sắp xếp trong tài liệu đã giao Bảo tàng Lịch sử TPHCM lưu giữ đến nay. Chiếc chum ấy có một "hành trình" đặc biệt...

Một danh gia cổ ngoạn của Hà thành 

Cụ Vương viết: "Lu nước Khang Hy của Cả Liên (Hà Nội) vẽ long vân - Sơn giao tới nhà 19 juin 1985". Ghi chú trên có nhắc đến Sơn - tức nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, người có mối thâm tình với cụ Vương từ năm 1968, vì thế chúng tôi đã tìm đến gặp ông Sơn và hỏi về chuyện cái chum Long Vân trong bộ sưu tập.

Rất vui vẻ, ông Sơn nói ngay về chủ nhân ban đầu của món đồ xưa trên: "Đầu thế kỷ XX ở Hà Nội có một nhà Nho thất thời rất say mê sưu tầm cổ ngoạn đó là cụ Nguyễn Đình Liên. Dần dần khi Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, chính trị của cả Đông Dương thời Pháp, cụ Liên trở thành đại gia trong ngành kinh doanh cổ vật. Đương thời thường gọi là cụ Hàn Liên - tức Hàn lâm học sĩ, tiếng tăm vang đến giới chức cao cấp cũng như các nhà sưu tập lớn không chỉ trong nước mà còn đến tận kinh thành Paris, Bắc Kinh. Khi lớn lên gia nhập vào làng chơi đồ cổ ở miền Nam, tôi vẫn còn nghe nhiều lão tiền bối nhắc đến cụ Hàn Liên với niềm kính trọng".

Ông Sơn kể về mối nhân duyên gặp được con trai của cụ Hàn Liên là sau ngày đất nước thống nhất, các vị "Huế xưa" thường đến nhà ông ở TPHCM để ca Huế, ngâm thơ. Một bữa bà Bích Tiên có mời thêm bà bạn là nữ sĩ Mai Bạch Ngọc gốc Hà Nội đến xướng họa thơ Đường. Bà thấy trong nhà có nhiều cổ vật nên có nhã ý sẽ giới thiệu cho ông gặp ông Nguyễn Đình Dương là con trai cụ Hàn Liên thỉnh thoảng có vào Sài Gòn chơi. Ông nhớ lại: "Nghe nhắc đến nhân vật vang bóng một thời, được giới giang hồ cổ ngoạn tôn là bậc thầy nên tôi ước ao có ngày gặp gỡ. Duyên may vào khoảng năm 1983 tôi được gặp ông Dương ở Sài Gòn và sau đó có nhiều dịp viếng thăm gia đình ông ở Hà Nội". 

Họp mặt tại nhà Trần Đình Sơn 1983, từ trái sang: Cụ Nguyễn Đình Dương - Trần Đình Sơn - Họa sĩ Nguyễn Văn Rô - Cụ Vương Hồng Sển - Ông Huỳnh Hữu Ủy - TS Phan Lạc Tuyên - GS Huỳnh Hữu Tuê. 

Cụ Vương mê mẩn cái chum đến mức nào?

Về chuyến ra Hà Nội giữa thập niên 1980, ông Sơn  kể: "Vào thời điểm tôi đến thăm ông Dương vẫn thấy trong nhà ông bày biện thờ tự trang trí nội thất theo lối cổ. Ông Dương tâm sự ông được thừa kế một gia tài cổ vật quý hiếm, phong phú của thân phụ ông để lại. Về sau tòa nhà mặt tiền của ông nằm ở phố Hàng Trống, Nhà nước dùng làm cửa hàng quốc doanh, gia đình ông dọn ra ở phần sau. Phần lớn cổ vật quý hiếm nhất như đồ gốm Lý Trần, đặc biệt là bộ sưu tập trống đồng Đông Sơn, ông đã chuyển giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày, chỉ còn giữ một ít đồ sứ ký kiểu của vua chúa Việt Nam và đồ sứ Minh Thanh sót lại. Nhờ giao tình tốt đẹp mà ông Cả Dương dần dần chuyển nhượng cho tôi những cổ vật mà tôi vô cùng thích thú đúng đề tài lâu nay theo đuổi nghiên cứu, trong số đó có cái chum đựng nước vẽ "Long vân khánh hội"... 

"Từ khi cái chum về tay tôi, cụ Vương đến chơi thấy được là mê ngay", ông Sơn nói tiếp: "Trong suốt mấy tháng trời liên tiếp, sáng nào chừng 7 giờ là cụ đã xách gậy đi từ Gia Định sang nhà tôi ở gần chợ Bến Thành để ngồi ngắm nghía cái chum cổ ấy và uống trà phiếm đàm chung quanh những món cổ ngoạn vốn xuất xứ từ các danh gia Bắc Nam. Thấy cụ thích quá nhưng tỏ ý lúc ấy không còn dư dật tiền bạc nên cụ ngỏ lời đề nghị tôi và cụ trao đổi cổ vật với nhau. Tôi rất cảm động vì thấy ông thầy đã ngoài 80 vẫn còn si tình với đồ xưa và luôn ước mong sau này Vân Đường phủ sẽ thành nhà lưu niệm bảo tồn di sản văn hóa cho đời sau thấy được nét phong lưu cũ mới, thú chơi cổ ngoạn, thú chơi sách... của một người sinh trưởng ở vùng đất phương Nam. Cảm cái tình si, quý cái ý tưởng của cụ, nên tôi nhận về bộ Vĩ dạ thi tập của Tuy Lý Vương và một ít sách Hán Nôm kèm theo cái nai rượu độc long huyết đĩa, rồi đưa cái chum "Long vân khánh hội" cho cụ, thầm nghĩ quý vật đã tìm được quý nhân, còn mong chi hơn nữa...".

Luôn dịp, chúng tôi hỏi nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn vì sao các đồ sứ thời vua Lê chúa Trịnh ít thấy ở Hà Nội mà lại thấy nhiều trên đất Huế? 

(còn nữa)
Giao Hưởng