10 phụ nữ làm nên lịch sử thế giới hiện đại

Google News

Nắm giữ nhiều vai trò quan trọng khác nhau, 10 phụ nữ này là những nhân vật được xem là đang làm nên lịch sử thế giới hiện đại.

- Tháng 3 là được biết đến như là tháng của phụ nữ, tháng ghi nhận những đóng góp và tiến bộ của nữ giới trên toàn thế giới với những vai trò ngày càng quan trọng, từ kiến tạo hòa bình tới hoạch định chính sách kinh tế đối phó với khủng hoảng.

Dưới đây xin điểm lại danh sách 10 gương mặt phụ nữ nổi bật, được xem là những người đang làm nên lịch sử thế giới hiện đại.

1. Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel

 

Điều hành một đất nước có GDP lớn thứ 4 toàn cầu là lý do đủ để xếp bà Angela Merkel là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Khi Liên minh châu Âu (EU) phải vật lộn với cuộc chiến nợ công, do sự lớn mạnh của nền kinh tế Đức, thì không một quyết định nào của eurozone được đưa ra mà không có sự hậu thuẫn của nữ chính trị gia này.

Theo tờ Le Monde, trong một cuộc thăm dò ý kiến tháng 11/2011, 46% số người Pháp được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào vai trò lãnh đạo và khả năng ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính tương lai nhiều hơn là niềm tin của họ vào chính Tổng thống Nicolas Sarkozy (33%).

Nếu eurozone vượt qua giai đoạn bất ổn này, Thủ tướng Merkel sẽ được hoan nghênh như là nữ anh hùng đã giải cứu EU.

2. Lãnh đạo nhân quyền Myanmar, bà Aung San Suu Kyi

 

Lãnh đạo nhân quyền Myanmar, bà Aung San Suu Kyi
Lãnh đạo nhân quyền Myanmar, bà Aung San Suu Kyi

 

Từng bị cầm tù và cấm hoạt động nhiều năm, nhưng đến cuối 2011, nhà lãnh đạo nhân quyền Aung San Suu Kyi đã tái gia nhập chính trường sau khi chính quyền Myanmar cho phép đảng đối lập của bà, Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đăng ký hoạt động hợp pháp trở lại.

Thừa nhận được cổ vũ bởi các phong trào bất bạo động của Martin Luther King và Mahatma Gandhi, bà Suu Kyi đã trở thành một biểu tượng quốc tế về đấu tranh hòa bình. Nhờ những đóng góp này, năm 1991 bà được nhận giải Nobel hòa bình.

3. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff

 

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff

 

Bà Rousseff  lên giữ chức Tổng thống Brazil tháng 1/2011. Ngay trong năm đầu nhậm chức, Tổng thống Rousseff đã sa thải 5 thành viên nội các và hàng chục quan chức vì tội tham nhũng. Nổi tiếng nhờ quan điểm ủng hộ vai trò chi phối của nhà nước trong các lĩnh vực ngân hàng, dầu khí và khu vực năng lượng, tỷ lệ phiếu ủng hộ bà Rousseff  đã lên tới 72% trong tháng 12/2011.

Là Tổng thống đầu tiên của một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới và một nền kinh tế đang bùng nổ, chức vụ của bà Dilma Rousseff  chắc chắn sẽ khích lệ giấc mơ của nhiều nữ thanh niên Brazil trong những năm tới đây.

4. Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde

 

Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, bà Christine Lagarde
Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế, bà Christine Lagarde

 

Từng là Bộ trưởng tài chính Pháp, bà Christine Lagarde trở thành nữ Tổng giám đốc đầu tiên của IMF vào tháng 7/2011 sau khi lãnh đạo cũ, ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt vì tội xâm phạm tình dục trong một chuyến công cán ở Mỹ.

Là người đứng đầu IMF trong thời kỳ eurozone rơi vào khủng hoảng, bà Lagarde đã giám sát kế hoạch nhiều tỷ euro giải cứu một số nước châu Âu đồng thời kêu gọi tái cơ cấu nợ của các ngân hàng châu Âu, quan điểm hiện đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi. 

5. Những chủ nhân giải Nobel Hòa bình năm 2011

 

Ba nữ chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2011
Ba nữ chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2011

 

Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, nhà hoạt động dân chủ Yemen Tawakkul Karaman và nhà hoạt động nữ quyền Liberia Leymah Gbowee là những phụ nữ đầu tiên giành được giải Nobel Hòa bình kể từ năm 2004.

Đa số những chủ nhân của giải thưởng 110 năm tuổi này là nam giới và do vậy rất nhiều người coi quyết định của Ủy ban Nobel vinh danh 3 phụ nữ là hành động đề cao vai trò ngày càng nổi bật của phụ nữ trong xây dựng hòa bình và dân chủ trên toàn thế giới.

6. Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner

 

Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner
Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner

 

Bà Fernandez trở thành nữ Tổng thống được bầu đầu tiên ở quốc gia Nam Mỹ Argentina năm 2007. Năm 2011, bà lại tái cử với chiến thắng áp đảo, giành được 53% số phiếu, là chiến thắng lớn nhất kể từ khi chế độ độc tài quân sự Argentina được thay thế bằng chế độ dân chủ năm 1983.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Fernandez, Argentina đã đạt nhiều tiến bộ trong giải quyết vấn đề lạm dụng nhân quyền và trở thành quốc gia Mỹ La tinh đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Bà là người đã mở ra cách cửa đối thoại với IMF về việc trả các khoản nợ của Argentina sau nhiều năm đối địch.

7. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

 

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

 

Từ việc kiểm soát phản ứng của chính phủ Mỹ trước sự kiện WikiLeaks tiết lộ hàng trăm nghìn điện tín ngoại giao, giải quyết các quan hệ nhạy cảm, đầy chỉ trích với một số chính phủ Ả Rập trong các cuộc cách mạng 2011, tới cái chết của trùm khủng bố Osama bin Laden, khả năng xử lý các “quả bom ngoại giao” tiềm tàng của bà Clinton được xem là có tính chuyên nghiệp và vững chắc.

Từng là Thượng nghị sỹ bang New York trước khi trở thành Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama, bà Clinton là phụ nữ thứ ba đảm trách cương vị này ở Mỹ.

8. Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi

 

Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi
Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ Sonia Gandhi

 

Với cương vị Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ, bà Sonia Gandhi đang điều hành một trong những đảng chính trị lớn nhất, đã lãnh đạo Ấn Độ đa số trong thời gian 64 năm qua kể từ khi nước này giành được độc lập từ Anh. Bà được xem là chính trị gia quyền lực nhất Ấn Độ, đứng đằng sau các quyết sách của Thủ tướng Mammohan Singh dù không nắm vị trí nào chính thức trong chính phủ.

9. Thủ tướng Australia Julia Gillard

 

Thủ tướng Australia Julia Gillard
Thủ tướng Australia Julia Gillard

 

Bắt đấu sự nghiệp chính trị ngay khi còn ở trường đại học với chức vụ Chủ tịch Liên hiệp sinh viên, bà Julia Gillard tham gia Quốc hội năm 1988 và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia năm 2010 sau khi đánh bại đối thủ cùng Công đảng Kevin Rudd.

Cuối tháng 2/2012, bà Julia Gillard lại vượt qua cơn sóng gió chính trị để vẫn giữ chức vụ đương nhiệm sau khi giành chiến thắng trong cuộc “đấu đá nội bộ” Công đảng với nguyên ngoại trưởng Kevin Rudd. 

10. CEO của Petrobras, bà Maria das Gracas Foster

 

CEO của Petrobras, bà Maria das Gracas Foster
CEO của Petrobras, bà Maria das Gracas Foster

 

Maria das Gracas Foster trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Petrobras, một công ty dầu khí lớn nhất Mỹ La tinh khi đươc bổ nhiệm là CEO trong năm 2012. Với cương vị này, bà chịu trách nhiệm về khoản ngân sách đầu tư 225 tỷ USD để lãnh đạo công ty đứng thứ 34 trong bảng xếp hạng Fortune 500 4 năm tới đây.

Minh Phạm (Theo CS Monitor)

[links()]