Theo các chuyên gia, việc uống nước mùa hè sai cách, uống không đủ nước hoặc thừa nước có thể gây nên những tác hại không mong muốn cho cơ thể.
Ít không tốt...
Thời tiết ngày hè nóng bức, đặc biệt là những ngày nắng nóng gay gắt, là lúc cơ thể chúng ta mất đi một lượng nước lớn. Có lẽ ai cũng ý thức được rằng, trong ngày nắng nóng việc bổ sung nước cho cơ thể là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, không ít người chỉ nghe theo tín hiệu của cơ thể, nghĩa là chỉ khi thấy khát mới uống.
BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ Bệnh viện 105, cho biết, khi chúng ta cảm thấy khát thì cũng có nghĩa là cơ thể đã mất đi một lượng nước cần thiết nhất định và tín hiệu chỉ báo đến não bộ khi sự thiếu nước trong cơ thể đã bắt đầu vào ngưỡng “không chịu được”. Cần chú ý rằng, thời gian cơ thể thiếu nước càng kéo dài sẽ làm gia tăng độ đặc của máu, dẫn đến các nguy cơ về bệnh tim mạch, huyết áp. Việc uống nước không chỉ để thỏa mãn cơn khát mà còn góp phần tham gia vào quá trình trao đổi chất, cũng như hệ tuần hoàn, hô hấp... và các cơ quan khác của cơ thể. Vì vậy, đừng chờ đến khát mới uống mà hãy luôn chú ý bổ sung nước cho cơ thể giúp các bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả.
|
Ảnh minh họa. |
... nhiều sinh bệnh
Ngược lại với những người ít uống nước, một số người lại ý thức rằng cần luôn luôn chú ý uống nước và thậm chí còn uống nước quá nhiều. Theo tài liệu của Viện Y học Hoa Kỳ, uống quá nhiều nước cũng chưa chắc đã có lợi. Hầu hết mọi người đều biết nên uống khoảng 8 cốc nước (tương đương 2 lít) mỗi ngày, lượng nước cung cấp cho cơ thể đủ độ ẩm, làm sạch ruột và dạ dày cũng như giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu. Tuy nhiên, đó chỉ là khuyến nghị chung, còn lượng nước thực tế một người cần uống phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như cân nặng, cường độ vận động, môi trường làm việc và chắc chắn khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhu cầu nước của cơ thể. Vào những ngày nóng mà bạn phải ra ngoài, thì bạn nên uống nhiều nước hơn để bù cho lượng mất do mồ hôi toát ra. Việc này không chỉ giúp bạn đỡ mất nước mà còn phòng tránh các bệnh do nắng nóng gây ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo không nên uống quá nhiều so với nhu cầu của cơ thể. Bởi một điều hiếm gặp nhưng cũng có thể xảy ra là khi bạn uống quá nhiều nước sẽ gây quá tải cho thận. Khi thận không thể bài tiết hết lượng nước thừa, điện giải (chất khoáng) trong máu bị pha loãng, gây nên tình trạng hạ natri máu. Bạn có thể theo dõi màu nước tiểu để biết tình trạng này. Nếu nước tiểu của bạn trong, mà bạn vẫn đang uống quá nhiều nước sẽ có thể gây nên tình trạng mất điện giải. Tuy nhiên, nếu nước tiểu của bạn có màu vàng đậm và/hoặc có mùi nặng thì có nghĩa là bạn uống chưa đủ nước. Bạn hãy uống nước đủ để cho nước tiểu có màu hơi vàng nhạt và không có mùi là tốt nhất.
Bù muối và điện giải
Những ngày nắng hè gay gắt, nhiệt độ cơ thể quá cao hơn mức bình thường cho nên cơ thể sẽ phải thải nhiệt qua mồ hôi (đó là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể), nhưng đồng thời cũng thải luôn cả một lượng muối nhất định ra khỏi cơ thể. Tình trạng mất muối, mất điện giải khiến cơ thể luôn cảm thấy khát, mệt mỏi. Nếu không bù đắp được cả muối và nước thì sẽ gây rối loạn về chuyển hóa muối nước trong cơ thể. Một chút muối pha thêm vào nước uống sẽ giúp bạn hết cảm giác khát và lấy lại cân bằng cho cơ thể, nhất là sau khi chơi thể thao, hoạt động nhiều giờ ngoài trời nắng. Có thể pha khoảng 1g muối với mỗi 500ml nước để bù nước giúp cung cấp cho cơ thể lượng natri và kali bị mất qua mồ hôi.
BS Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các loại đồ uống như nước chanh muối, mơ muối, hay nước ép hoa quả như cà chua, cà rốt, ổi... bỏ thêm chút muối không chỉ rất ngon đối với khẩu vị nhiều người mà còn giúp cơ thể tỉnh táo hơn nhờ được cung cấp thêm vitamin, chất khoáng và chất điện giải.
Bổ sung nước ào ạt trong một lần uống là tình trạng khá phổ biến trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, uống nước ồ ạt một lúc có thể sẽ cản trở tiêu hóa khiến tim đập loạn lên, khó thở, ra mồ hôi lạnh... Trường hợp nhiễm độc nước đột ngột thậm chí có thể gây hạ natri máu, gây lú lẫn, co giật và hôn mê. Vì vậy, cách uống nước khoa học là uống từng ngụm nhỏ hoặc vừa miệng, ngậm và nuốt từ từ.
BS Nguyễn Văn Hùng
Đức Anh