Nguy cơ nhiễm khuẩn khi thuê đồ chơi hàng hiệu

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia cũng cảnh báo, dù là hàng hiệu nhưng đồ chơi đi thuê qua tay nhiều người, nên nguy cơ nhiễm khuẩn là khó tránh.

Chơi hàng hiệu vẫn đau bụng
Trên các diễn đàn dành cho mẹ và bé, chị em nô nức truyền tay nhau những địa chỉ cho thuê đồ chơi hàng hiệu. Chị Nguyễn Minh Ngọc (628 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) kể, lo sợ chất lượng đồ chơi trôi nổi ngoài thị trường nên khi dịch vụ thuê đồ chơi "xịn" xuất hiện, chị đã tìm đến ngay. Ưu điểm của những loại đồ chơi này đều là hàng có chất lượng với mức giá "trên trời", nếu bỏ tiền mua thì chắc không mua được, nhưng giờ với dịch vụ cho thuê chị chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhỏ là con đã có cơ hội chơi đồ chơi hàng hiệu
Ví dụ như con thú nhún hàng hiệu có giá đến cả chục triệu đồng giờ chỉ mất khoảng 150.000-200.000đ/tháng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chơi với đồ chơi hàng hiệu, con chị bất ngờ bị đau bụng, đi khám thì được bác sĩ chuẩn đoán là nhiễm khuẩn đồ chơi.
TS Trương Thị Kim Oanh, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục cho hay, mặc dù là chuyên gia trong lĩnh vực đồ chơi, nhưng mỗi lần đi chọn đồ chơi cho con cháu là bà luôn cảm thấy đau đầu, bởi thị trường đồ chơi hiện nay đúng là "ma hồn trận" với chất lượng khó lường. Vì thế, nếu có dịch vụ cho thuê đồ chơi hàng hiệu hoặc như mua lại đồ chơi hàng hiệu giá rẻ là rất thông minh và cần được khuyến khích. 
Lý do vì các đồ chơi hàng hiệu hầu hết đều là đồ chơi được nhập ngoại, được kiểm định chất lượng rất ngặt nghèo về kích thước, màu sắc, cân nặng, màu sơn, khả năng cháy nổ... Thay vì mua những đồ chơi mới không rõ nguồn gốc thì mua lại đồ chơi hàng hiệu (mua lại của những gia đình đã hết nhu cầu sử dụng) hoặc thuê lại là điều rất tốt.
Tuy nhiên, TS Trương Thị Kim Oanh cũng khuyên, dù là hàng hiệu thì cũng không nên vừa mang về đã cho trẻ chơi luôn, mà phải vệ sinh, giặt rửa, trước khi cho trẻ chơi để tránh bị nhiễm bẩn từ đồ chơi.
ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Tư vấn Giáo dục kỹ năng mềm cũng cho rằng, dù là đồ chơi hiệu nhưng đã qua tay người nhiều người sử dụng thì dễ bị nhiễm khuẩn. Hơn nữa, do là đồ chơi cũ nên khả năng bụi bẩn tấn công là rất lớn, vì thế đồ chơi dù là xịn hay không khi mang về phải thực hiện giặt rửa. 
Đặc biệt, việc giặt rửa phải thực hiện bằng các loại nước tẩy rửa như xà phòng, nước rửa bát, hoặc các loại dung dịch chuyên dùng cho việc tẩy rửa đồ chơi trẻ em chứ không đơn giản là rửa bằng nước thông thường. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý thường xuyên rửa tay cho trẻ với xà phòng hoặc nước rửa tay diệt khuẩn và rửa kỹ lại bằng nước sạch, nhất là trước và sau khi cho trẻ tiếp xúc với đồ chơi. 
Không cần mua quá nhiều, chỉ cần 2 - 3 món đồ chơi cho mỗi độ tuổi là vừa đủ.  
Chỉ 2 - 3 đồ chơi cho mỗi độ tuổi
TS Trương Thị Kim Oanh cho biết, bên cạnh việc chất lượng đồ chơi bị thả nổi thì hiện không ít cha mẹ mua đồ chơi một cách thiếu kiểm soát, mua quá nhiều, trong đó có nhiều loại không phù hợp với tuổi, ví dụ con mới 2 tuổi đã vội đi mua đồ chơi xếp hình Lego. Đối với đồ chơi, điều quan trọng là ít nhưng mà tinh. Các nghiên cứu đã chỉ ra, không cần mua quá nhiều, chỉ cần 2 - 3 món đồ chơi cho mỗi độ tuổi là vừa đủ. Vì thế, thay vì mua quá nhiều chúng ta chỉ cần mua vài món với chất lượng được đảm bảo, như vậy còn đảm bảo cho trẻ hơn là mua thật nhiều nhưng đồ chơi không chất lượng và không phù hợp với độ tuổi.
Đồng quan điểm, ThS Trần Mạnh Hoàng cho rằng, bên cạnh việc chọn mua đồ chơi cho con, cha mẹ có thể cùng con tạo ra các món đồ chơi đơn giản, vừa giúp con phát triển tư duy sáng tạo, vừa gắn kết tình cảm, tạo sự chia sẻ gần gũi với con. Ví dụ, cha mẹ có thể dạy con làm diều, hoặc tận dụng giấy, bìa, hộp giấy cũ hay chai lọ nhựa làm thuyền, máy bay, ô tô, robot, giỏ hoa, hay các con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu... Bên cạnh đồ chơi, cha mẹ cũng có thể tạo ra các trò chơi linh hoạt để chơi cùng con chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải có đồ chơi.
Đừng giao phó con cho đồ chơi
"Hiện nay có nhiều bậc phụ huynh mua nhiều đồ chơi cho con rồi "giao" con cho đồ chơi, thấy con chơi ngoan, thì yên tâm. Tuy nhiên, đồ chơi chỉ là bạn đồng hành của trẻ, chỉ có cha mẹ mới là bạn tâm giao. Các bậc phụ huynh nên dành một khoảng thời gian trong ngày để chơi cùng con, hướng dẫn con chơi...
TS Trương Thị Kim Oanh
Đức Anh