Vụ 5 người ngộ độc nấm: Hai trường hợp tử vong

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin mới nhất từ Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 2 bệnh nhân tử vong do ngộ độc nấm.

Theo đó, bệnh nhân là Vũ Thị Hồi, 60 tuổi (Võ Nhai - Thái Nguyên) tử vong sau hơn 1 tuần điều trị tại Trung tâm chống độc. Trước đó, ngày 13/3 bệnh nhân Lý Minh Khôi, 13 tuổi tử vong cùng ở Võ Nhai, Thái Nguyên cũng đã tử vong. Như vậy, trong chùm ngộ độc nấm đầu tiên năm 2014, gồm có 5 người trong 2 gia đình, thì đã có 2 người tử vong, 3 bệnh nhân còn lại chỉ có 1 bệnh nhân đã tỉnh, 2 trường hợp còn lại vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Tiên lượng rất xấu.
 Các bệnh nhân nhập viện đều ăn phải loại nấm tán trắn. Ảnh: BVCC
Cũng liên quan đến tình trạng ngộ độc nấm, PGS.TS Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trong vòng hơn 1 tuần qua, Trung tâm này liên tục tiếp nhận các bệnh nhân ngộ độc nặng thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang chuyển xuống. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã tiếp nhân điều trị 14 bệnh nhân. Trong đó có 2 trường hợp tử vong.
Mới đây nhất là 4 bệnh nhân ở xã Trung Minh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, vừa nhập viện và hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo đó, các nạn nhân mới nhất của ngộ độc nấm là bố con ông Bàn Văn Tài (43 tuổi) và Bàn Văn Hạnh (18 tuổi) ở thôn Khuân Nà, xã Trung Minh; bố con ông Triệu Văn Hồng (51 tuổi) và Triệu Văn Thu (22 tuổi) ở thôn Bàn Pình, xã Trung Minh, Yên Sơn.
Theo PGS.TS. Phạm Duệ, những bệnh nhân này đều ăn phải loại nấm tán trắng, thịt mềm, mùi thơm, rất ngọt, gần giống nấm thường nhưng độc tính cao, tác dụng chậm. Bệnh nhân ăn sau 58 giờ mới được đưa đến viện nên tình trạng bệnh rất nặng, suy gan, tiên lượng bệnh rất xấu.
Trước tình trạng ngộ độc nấm gia tăng, Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã huy động mọi nguồn lực (huy động mượn thêm 3 máy lọc huyết tương…), đưa ra những phác đồ điều trị tích cực nhất, chi phí điều trị cũng đã lên tới 1,6 tỷ đồng nhưng khả năng tử vong của các bệnh nhân vẫn rất cao.
TS Phạm Duệ cho biết, người dân ăn nhiều, nấm độc đã thấm sâu, đến cấp cứu muộn, cách xử trí ban đầu chưa nhanh, chưa chính xác. Loại nấm mà các bệnh nhân ăn phải không thể nhận biết bằng mắt thường với nấm ăn được.
Ông Duệ cũng cho biết, dù các bác sĩ đã nỗ lực can thiệp rất tích cực nhưng cũng chỉ làm cho quá trình xảy ra chậm hơn chứ chưa đủ sức để ngăn chặn. Vì quá trình điều trị còn phụ thuộc vào việc bệnh nhân ăn nhiều nấm độc hay ít, đến sớm hay đến muộn. Hơn nữa, cho đến thới điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
 Các bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị tại TT chống độc, BV Bạch Mai
Trước tình trạng ngộ độc nấm ngày càng gia tăng, TS Duệ khuyến cáo: “Người dân không nên hái nấm dại ăn, mà hãy tự trồng lấy nấm để ăn”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATTP, khuyến cáo người dân, tuyệt đối không xử dụng nấm khi chưa rõ nguồn gốc, không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại (kể cả nấm màu trắng), nấm có đủ các phần của thể quả. Không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm cấu tạo khó nhận dạng nấm độc.
Đặc biệt cần phải xác định thời gian từ lúc ăn nấm đến khi có triệu chứng ngộ độc: nếu dưới 6 tiếng thì có thể điều trị ở trung tâm y tế xã, huyện vì ngộ độc không cao; nhưng nếu trên 6 tiếng thì phải chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến tỉnh, nơi có điều kiện lọc máu. Đồng thời đưa cả những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng và mang mẫu nấm còn lại hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới các cơ sở y tế để sơ bộ xác định loại nấm.
Lê Phương