5 dự án của PVEP đang chờ Luật Dầu khí sửa đổi để phun dầu

Google News

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Tổng Công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí (PVEP), với vị thế là đơn vị nòng cốt của PVN đã trở thành doanh nghiệp chuyên nghiệp có tầm vóc quốc tế.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, PVEP còn là đơn vị kinh tế đầu tiên của Việt Nam vươn ra thị trường dầu khí thế giới, có khả năng điều hành hoạt động thăm dò khai thác ở cả trong và ngoài nước.
PVEP luôn duy trì và giữ vững vị trí hàng đầu của PVN về các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh với các kết quả nổi bật: Tổng gia tăng trữ lượng đạt 235 triệu tấn quy dầu; Tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 72 triệu tấn quy dầu (trong đó 51 triệu tấn dầu và 21 tỷ m3 khí). PVEP đã đưa 43 mỏ/dự án dầu khí vào khai thác. Hiện tại, số lượng dự án PVEP đang triển khai là 35 dự án (trong đó 29 dự án trong nước và 6 dự án nước ngoài);
Hiện tổng tài sản của PVEP đạt 90 nghìn tỷ đồng; vốn chủ sở hữu là 62 nghìn tỷ đồng; tổng doanh thu đạt gần 584 nghìn tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế gần 135 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 195 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động của PVEP mang tính quốc tế, Luật Dầu khí Việt Nam đã tồn tại 30 năm nên có nhiều điều khoản không phù hợp, cần bổ sung và sửa đổi.
Ông Nguyễn Văn Quế - TGĐ Cửu Long JOC (đơn vị thành viên của PVEP) cho biết, trải qua 24 năm phát triển, Cửu Long JOC đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tính đến hết năm 2021, Cửu Long JOC nộp ngân sách 11,9 tỷ USD, trong tổng doanh thu 27,3 tỷ USD. 7 tháng đầu năm nay, Cửu Long JOC đã hoàn thành chiến dịch lắp đặt bơm ngầm, thành công khoan thêm 2 giếng; kỳ vọng năm 2022, công ty sẽ nộp ngân sách 864 triệu USD. Dự kiến, đến cuối năm 2022, Cửu Long JOC cũng sẽ cán cột mốc 400 triệu thùng dầu khai thác từ lô 15.1.
Hoạt động ở khâu đầu - tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, lĩnh vực hoạt động của PVEP nói chung và Cửu Long JOC nói riêng chịu sự điều chỉnh rất lớn của Luật Dầu khí. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Như với PVEP, giai đoạn 2007 – 2016, công ty thực hiện đầu tư 27 dự án nhưng từ 2016 đến nay sau khi điều chỉnh về hợp đồng dầu khí, cũng như những chính sách, pháp luật đầu tư, thì đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác giảm mạnh, giai đoạn 2016 – 2021 chỉ có khoảng 2 dự án đầu tư, quy mô cũng giảm sút rõ rệt.
Vì vậy, PVEP cùng các đơn vị thành viên kiến nghị lớn là tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo, bất cập giữa các luật, như Luật Đầu tư, Luật xây dựng, Luật quản lý sử dụng vốn nhà nước; tăng các ưu đãi đầu tư, phù hợp với tình hình hiện trạng tài nguyên dầu khí của đất nước, như ngoài ưu đãi đầu tư với nước sâu, xa bờ, địa chất phức tạp, cần có thêm ưu đãi xét trên quy mô trữ lượng, với những dự án có trữ lượng nhỏ, kinh tế cận biên.
PVEP, Cửu Long JOC và các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng rất lớn Luật Dầu khí sửa đổi sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc, góp phần làm minh bạch, tạo bước đột phá về mặt cơ chế, góp phần thu hút đầu tư từ bên ngoài, cũng như phát huy được nguồn lực nội tại, thúc đẩy đầu tư vào ngành dầu khí nói chung, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.
Theo ông Hoàng Ngọc Trung, Phó Tổng giám đốc PVEP: Thời điểm cao nhất, PVEP có 70 hợp đồng khai thác dầu khí, bây giờ chỉ còn 35 hợp đồng. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về quản lý vốn đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước như PVN và các công ty thuộc sở hữu toàn phần của DNNN như PVEP. Vì thế, việc triển khai đầu tư dự án dầu khí của PVN/PVEP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau nhưng giữa các văn bản này lại tồn tại các khoảng trống pháp lý và không ít sự chồng chéo, mâu thuẫn. Điều này gây ra nhiều khó khăn và là rào càn lớn đối với PVEP trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí không tạo đà cho tối ưu hóa việc phát triển, khai thác tài nguyên dầu khí, gây ảnh hưởng đến nguồn thu ổn định và bền vững cho ngân sách quốc gia.
5 du an cua PVEP dang cho Luat Dau khi sua doi de phun dau
Ảnh: Tọa đàm về sửa đổi Luật Dầu khí. 
Từ thực tế của PVEP đã và đang vướng mắc, ông Trung cho biết, là ngành đặc thù có rủi ro cao, nút thắt lớn cần được tháo gỡ ngay đối với các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí như PVN và PVEP là vấn đề thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư. Vướng mắc này nảy sinh từ các quy định hiện hành của Luật Dầu khí, Luật Đầu tư và Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật dầu khí hiện hành không kịp thích ứng với hiện trạng về điều kiện địa chất và tiềm năng dầu khí ngày càng suy giảm, bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều thay đổi và tác động bất lợi đến môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực dầu khí nói riêng. Mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí của Việt Nam được đánh giá là kém cạnh tranh so với một số quốc gia trong khu vực, điển hình là Malaysia và Indonesia.
Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về chính sách pháp luật dầu khí cần được ưu tiên, chú trọng để tạo hàng lang pháp lý, tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý và các nhà đầu tư, trong đó PVN và PVEP là những nhà đầu tư chủ lực, trong triển khai các hoạt động đầu tư dự án dầu khí cải thiện hiệu quả đầu tư cho các dự án dầu khí đang triển khai và thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư mới. Hiện PVEP đang thương thảo 5 dự án thăm dò khai thác mới, trong đó có dự án Kình ngư trắng. Nếu Luật Dầu khí năm 2022 được phê duyệt, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trên được triển khai, sẽ gia tăng thêm 80-90 triệu thùng dầu, mang về cho đất nước 1,2 tỷ đô la. 
Trần Thị Sánh