Sáng sớm ngày 17/5, một vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại khu chợ Việt ở Lào có tên Pakse (hay còn gọi là chợ Đào Hương), gây thiệt hại nặng cho các hộ kinh doanh người Việt Nam tại đây.
Chợ Đào Hương do Công ty Đào Hương mở ra năm 1999. Chợ có tổng vốn đầu tư khoảng 5 triệu USD và hoàn thành vào năm 2001 nhằm phục vụ nhu cầu buôn bán cho bà con người Việt và người dân nơi đây. Chợ có hơn 700 gian hàng, trong đó đa số tiểu thương là người Việt Nam hoặc người Lào gốc Việt.
Chủ nhân của khu chợ này là bà Lê Thị Lượng, người Lào gốc Việt, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên hầu hết người dân ở khu vực Champasak, Lào đều biết đến bà với cái tên là Đào Hương.
|
Bà Nguyễn Thị Lượng, nữ tỷ phú người Việt tại Lào. Ảnh: Cafebiz.
|
Bà Đào Hương còn nổi tiếng với danh hiệu nữ tỉ phú người Việt sở hữu tập đoàn Dao Heuang lừng lẫy trên đất Lào. Đi đến đâu ở Champasak người dân ở đây đều nhắc đến "Đào Hương" (Dao Heuang) hoặc "Đào" (Dao), gắn với chợ của Đào Hương, nhà máy của Đào Hương, nông trường của Đào Hương, cà phê Đào, nước đóng chai Đào…
Với tính nhạy bén kinh doanh của mình, trải qua nhiều nghề, đến hiện nay bà Hương nổi tiếng nhất với thương hiệu Dao café.
Năm 1997, bà Hương về Việt Nam, lên vùng Tây nguyên học cách người ta trồng càphê, bỏ ra 3 triệu USD thuê nhân công có kinh nghiệm trồng cà phê từ Việt Nam sang cùng với người dân Lào trồng cà phê. Bà nhận ra đất đai ở Champasak phù hợp với cà phê Arabica. Nhà máy cà phê hoà tan, cà phê 3 trong 1 thương hiệu Dao Coffee đã lan rộng khắp Lào, sản phẩm có mặt ở các chợ, siêu thị; chuỗi quán cà phê Dao được yêu thích. Xuất khẩu cà phê đã mang lại cho Dao Heuang nguồn thu lớn.
Với tầm nhìn sâu rộng, bà Hương tiếp tục đầu tư trồng trên 160 ha cà phê tại miền bắc Thái Lan. Kế hoạch này được đưa ra sau khi tập đoàn đạt doanh số sản phẩm cà phê bán ra thị trường Thái Lan trị giá 20 triệu USD trong năm 2013. Ngoài ra, để nâng doanh số bán ra trên thị trường Thái Lan lên 40 triệu USD vào năm 2018, tập đoàn sẽ đẩy mạnh các hoạt động thương mại, thúc đẩy tăng trưởng của tại thị trường này ở mức từ 20 đến 30%/năm. Ngoài Thái Lan, Tập đoàn Dao Heuang cũng dự kiến sẽ mở cửa hàng miễn thuế đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2015.
Mục đích của tập đoàn này là tăng gấp 2 lần chỉ tiêu thu nhập, từ 160 triệu USD trong năm nay lên 320 triệu USD vào năm 2018. 80% tổng thu nhập của tập đoàn này đến từ hoạt động kinh doanh cà phê xuất khẩu qua các thi trường Nhật, Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Việt Nam, Myanmar và Campuchia… phần còn lại đến từ các lĩnh vực kinh doanh khác.
Không chỉ thành công trong lĩnh vực cà phê, tập đoàn Dao Heuang còn phát triển nhiều lĩnh vực khác như sản xuất nước tinh khiết đóng chai, trái cây sấy, trồng và chế biến trà xanh, nước trà đóng chai, kinh doanh khách sạn, xây dựng chợ...
Dao Heuang đứng trong tốp doanh nghiệp lớn của Lào và dẫn đầu ở Nam Lào. Nữ đại gia Đào Hương không chỉ nhận được sự ngưỡng mộ của người dân Lào, mà còn là một "bông hồng vàng" trong giới nữ doanh nhân người Việt từng được phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam vinh danh.
Nhụy Hồ (tổng hợp)