Bộ sưu tập siêu xe mô hình lớn nhất Việt Nam
Trong giới chơi xe mô hình tĩnh trên khắp cả nước, cái tên Nguyễn Học Việt, sinh năm 1983, sống ở Hà Nội được biết đến là người có bộ sưu tập siêu xe mô hình lớn nhất Việt Nam. Bộ sưu tập của Việt không chỉ nhiều về số lượng, có các phiên bản hiếm được sản xuất với số lượng hạn chế, màu sắc các siêu xe mô hình độc đáo mà giá trị của nó mặc dù không được tiết lộ nhưng cũng là một khoản chi phí khá lớn, trong đó có những chiếc xe có giá từ 500 USD đến vài nghìn USD.
Chia sẻ về niềm đam mê, Việt cho biết từ bé anh đã thích những chiếc xe mô hình. Lớn lên, có điều kiện đi du lịch nước ngoài và được tiếp xúc với các loại xe mô hình tĩnh, anh càng bị cuốn hút với vẻ đẹp của những chiếc xe này. Anh thường tìm mua những chiếc xe mô hình tại các cửa hàng ở nước ngoài hoặc lang thang trên mạng để chia sẻ và trao đổi các mẫu xe khác nhau với những người có chung niềm đam mê.
|
Nguyễn Học Việt với bộ sưu tập siêu xe mô hình lớn nhất Việt Nam.
Ảnh: Internet.
|
|
Chiếc Harman Murcielago Roadster với giá 3.000 USD. Ảnh: Internet. |
Những chiếc xe mô hình được Việt sưu tập đều là model của các hãng sản xuất xe mô hình nổi tiếng thế giới như MR, BBR, CMC hay Versus, hầu hết đều được lắp ráp bằng tay và có số lượng sản xuất hạn chế. Siêu xe mô hình Lamborghini trong bộ sưu tập của anh có đầy đủ các phiên bản trong thực tế, như dòng LP670, Aventador hay Reventon. Mô hình siêu xe Ferrari cũng có các phiên bản F458, 458 Spyder. Mức giá cho các model này từ 500 đến 2.000 USD và số lượng sản xuất, màu sắc xe là những yếu tố ảnh hưởng đến độ đắt, rẻ của nó.
Mặc dù nhiều lần bị gia đình chỉ trích về thú sưu tập xe mô hình, nhưng Việt cho biết anh vẫn có một niềm đam mê cháy bỏng và sẽ tiếp tục sưu tầm những model độc đáo khác khi có điều kiện. Anh vẫn đang khao khát một chiếc siêu xe mô hình tỷ lệ 1:18 của Amalgam, giá bán khoảng 150 triệu đồng và theo tiết lộ của Việt, đây là một xe mô hình to, được làm rất đẹp.
Việt cũng đang lên kế hoạch mở một quán cà phê trong đó bày trí những chiếc xe mô hình. Việt hy vọng, đây sẽ là nơi để những người có niềm đam mê xe mô hình gặp gỡ, trò chuyện và trao đổi kinh nghiệm.
Bộ sưu tập tàu hỏa mô hình lớn nhất Việt Nam
Lý Được không chỉ nổi danh là một tay guitar bass có tiếng trong giới nghệ sĩ của TP.HCM, mà còn là người duy nhất sở hữu bộ sưu tập mô hình xe lửa "khổng lồ" cùng hàng trăm chiếc máy bay và thiết giáp hiện nay của Việt Nam.
Đây là bộ đồ chơi mà Lý Được cất công mày mò, tìm kiếm trong hơn 20 năm qua. Thậm chí, anh còn "chế" được cả chiếc sa bàn lớn để tàu có thể chạy cả đêm ngày.
|
Nghệ sỹ Lý Được với bộ sưu tập mô hình tàu hỏa. Ảnh: Internet. |
|
Nghệ sỹ Lý Được bên bộ sưu tập mô hình máy bay. Ảnh: Internet |
Nói về niềm đam mê của mình, Lý Được cho biết: Ba của anh làm nghề xe lửa nên thường cho anh lên tàu chơi. Tiếng động cơ tàu hỏa cứ dần dần ngấm sâu vào tâm hồn anh với những âm thanh đầy mê hoặc. Bộ sưu tập mô hình xe lửa đầu tiên mà anh có được chính là 2 xe lửa mô hình diezel và hơi nước do Đức sản xuất mà dành dụm mãi mới đủ 200 nghìn đồng để mua hồi năm 1991. Bây giờ, trị giá bộ xe lửa ấy đã lên tới vài triệu đồng.
Tiền cát-sê sau mỗi chuyến đi diễn đều được nghệ sĩ Lý Được gom góp mua xe lửa mô hình, lúc thì mua được đầu máy, lúc thì mua được toa xe. Hiện tại Lý Được có đến hơn 150 đầu máy và hơn 200 toa xe lửa. Những bộ đầu máy, toa xe lửa, đường ray được người nghệ sĩ xếp ngay ngắn, cẩn thận theo từng niên đại. Lý Được cho biết đó là một thú chơi xa xỉ, bởi nó ngốn không chỉ thời gian, công sức, sự sáng tạo mà còn đòi hỏi một khả năng tài chính tốt. Vì để sở hữu được một đầu máy hay toa xe đặt mua từ nước ngoài về thì không bao giờ có giá tiền trăm, mà ít nhất cũng lên tới vài triệu đồng. Chưa kể đã chơi mô hình xe lửa đích thực thì buộc phải có cả sa bàn cho tàu chạy, chứ không chỉ là những mô hình lặng lẽ.
Bộ sưu tập mô hình máy bay có 1-0-2
Ông Nguyễn Văn Léo (62 tuổi), ở ấp Thới Lợi 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre đang sở hữu bộ sưu tập có 1-0-2. Đó là những mô hình máy bay, tàu thủy của Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam và mô hình những vật dụng trong lao động, sản xuất và sinh hoạt của người dân Nam bộ từ xưa tới nay.
Kể về sự ra đời của bộ sưu tập, ông Ba Léo khiêm tốn cho đó chỉ là một sự tình cờ. Cách đây chừng 15 năm, ông và cô cháu gái 5 tuổi tình cờ xem cảnh chèo xuồng ba lá trên tivi. Tự nhiên cháu bé hỏi: xuồng ba lá là gì ạ? Ông Ba Léo giải thích nhiều lần, nhưng cháu bé lắc đầu không hiểu. Lúc đầu ông tính dắt cháu đi xem nhưng rồi đổi ý, ông dùng gỗ mít sau nhà đẽo, gọt và làm nên một chiếc xuồng ba lá nhỏ giống như thật cho cháu gái xem. Chiếc "xuồng ba lá" này làm cho cháu gái hết sức thích thú và ông Ba Léo như nhận ra "năng khiếu" của mình. Ngay sau đó, ông bắt tay miệt mài làm những loại tàu bè trên sông nước, rồi đến lượt tàu chiến, máy bay, và tất cả những vật dụng gắn liền với đời sống của người dân miền sông nước Nam bộ.
|
Hiện ông Ba Léo đang có trong tay hơn 200 mô hình khác nhau. Ảnh: Internet. |
Hiện ông Ba Léo đang có trong tay hơn 200 mô hình khác nhau. Ông xếp chúng vào nhiều nhóm, bao gồm: bộ sưu tập máy bay, tàu chiến Mỹ với 50 mô hình; bộ sưu tập các phương tiện đường sông và đường biển với 44 mô hình; bộ sưu tập khai thác thủy sản trên sông và trên biển với 39 mô hình...
Ngoài ra, còn có nhiều mô hình là "đặc sản" quê hương như nhà chữ đinh, hầm trốn pháo, các loại vũ khí thô sơ chống giặc của người dân Bến Tre, các vật dụng gắn liền với những trò chơi dân gian của trẻ con... Hai loại gỗ mà ông Ba Léo thường dùng là gỗ mít và gỗ dừa.
Ông Ba Léo cho biết: nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Bến Tre, cũng như các tỉnh ĐBSCL đã đến mời ông về làm việc, nhưng ông không nhận lời. Nhiều tác phẩm được người xem trả giá hàng chục triệu đồng, nhưng ông cũng không bán. Hiện hầu hết các mô hình của ông đang được gửi bảo quản hoặc cho một số bảo tàng tại ĐBSCL mượn để trưng bày, nhiều nhất là Bảo tàng tỉnh Tiền Giang.
Về Thới Thuận, hỏi người dân, ai cũng biết ông Ba Léo, không chỉ vì bộ sưu tập có một không hai, mà còn bởi hình ảnh một ông lão trên 60 tuổi vẫn đều đặn đạp xe đi bán bánh mì từ 6 giờ đến 9 giờ sáng hàng ngày.
Bộ sưu tập máy bay mô hình của 9X
Đỗ Quốc Việt (sinh năm 1992) ở xóm Thượng, Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội) tự mày mò, sáng chế thành công những chiếc máy bay mô hình.
Việt đến với máy bay mô hình từ năm lớp 6. Trong một lần cậu bạn gần nhà khoe được bố mẹ mua cho một chiếc máy bay đồ chơi, Việt bị hút hồn. Nhà nghèo, Việt biết việc sở hữu một chiếc máy bay tương tự chỉ là ước mơ. Việt tự tay mình vót thanh tre, cắt giấy làm máy bay. Sau một tuần mày mò, chiếc máy bay bằng tre giấy hoàn thành nhưng chẳng khác gì chiếc diều, phải khéo léo mới cất cánh nhờ gió và dây.
|
Đỗ Quốc Việt bên cạnh những mô hình máy bay tự chế của mình. Ảnh: Internet. |
Lúc Việt học cấp 3, gia đình có điều kiện hơn, Việt liền tìm đọc những sách báo, tài liệu trên mạng về cách chế tạo máy bay mô hình cánh bằng. Ngoài ra, Việt còn tận dụng hệ thống dây sạc điện thoại khi việc chế tạo mạch điện cho máy bay mô hình nên tiết kiệm tối đa chi phí. Để có thể điều khiển được máy bay vào ban đêm, Việt đã gắn thêm hệ thống đèn phản quang cho những chiếc máy bay mô hình.
Theo Việt, khó khăn nhất trong chế tạo máy bay mô hình cánh bằng là khi làm xong thì phải căn chỉnh độ chính xác, cân bằng cánh mới bay được.
Trong hơn 20 máy bay mô hình cánh bằng Việt đã chế tạo, chiếc kỳ công nhất là SR-71 (hình thức dựa theo mô hình máy bay ném bom chiến thuật). Để hoàn thành SR-71 này, Việt tự nghiên cứu, thiết kế ròng rã hai tháng trời. Với Việt, đây có thể coi là niềm tự hào trong ba năm gắn bó với những chiếc máy bay mô hình tự chế.
Những chiếc máy bay mô hình cánh bằng của Việt khi hoàn thành có thể bán từ 1,5 - 3 triệu đồng nhưng với chàng trai 9x này, dù có được trả giá cao hơn cũng không bán. Trong thời gian tới, Việt dự định mở một cửa hàng xốp, gỗ siêu nhẹ dùng cho máy bay mô hình và tiếp tục nghiên cứu, chế ra những mẫu máy bay mang thương hiệu của riêng mình.
Hải Sơn (tổng hợp)