Bà con vùng núi "hốt bạc" nhờ công việc "ăn ngủ" ở rẫy cà phê, đút túi tiền triệu mỗi ngày

Google News

Cứ vào những ngày cuối năm, vườn cà phê lại đến mùa thu hoạch. Không chỉ người dân địa phương mà nghề này còn hấp dẫn đối với những bà con ở khu vực lân cận, chấp nhận lặn lội đường xa để kiếm thu nhập từ 500.000-1.000.000 đồng/ngày.

Hằng năm, bắt đầu từ tháng 11, người dân sống tại các vùng chuyên canh cà phê như: Đắk Mil (Đắk Nông), Đắk Hà (Kon Tum), Chư Sê (Gia Lai)...  lại bắt đầu nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch cà phê - loại nông sản chủ lực của tỉnh Tây Nguyên, đóng góp lớn vào tỉ lệ xuất khẩu của cả nước. Bên cạnh đó, khu vực này góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới.

Nhờ những nương rẫy cà phê tươi tốt mà nhiều bà con vùng núi đã có nguồn thu nhập đáng kể. Nếu các hộ gia đình có sẵn đất đai, ruộng vườn, họ sẽ gieo giống, trồng cà phê và chăm sóc chúng cho đến lúc thu hoạch. Nguồn thu nhập chính đến từ hoạt động bán cà phê nguyên trái cho các công ty, doanh nghiệp sản xuất cà phê, hoặc họ sẽ phơi khô, rang hạt và bán cho khách hàng. 

Mặt khác, một số bà con nông dân cũng kiếm được nguồn thu nhập khủng nhờ công việc thu hoạch loại đặc sản ở miền núi này. 

Giai đoạn cuối năm là thời điểm cà phê vào mùa thu hoạch. Các nhà vườn liên tục đăng tải thông tin tuyển người thu hoạch nương rẫy cà phê, nhờ đó nhiều bà con có thể kiếm được thu nhập ổn định thông qua nghề nghiệp mang tính chất mùa vụ này.

Khi nghe thoáng qua về công việc là “hái cà phê”, nhiều người sẽ thầm nghĩ công việc này nhàn hạ, dễ dàng. Song, đối với người dân ăn, ngủ với nương rẫy, đây là công việc cực nhọc, đòi hỏi người thợ lành nghề phải có kỹ năng quan sát, đôi tay khéo léo và sức khoẻ bền bỉ.

Gần đến ngày thu hoạch, các chủ vườn sẽ liên hệ thuê người về hái cho cả khu vườn. Công việc này đôi khi kéo dài vài tuần hoặc cả tháng, nhiều bà con phải sống tạm trong căn chòi trên rẫy để thuận tiện trong công cuộc mưu sinh. 

Để bắt đầu công việc này, những người thợ lành nghề sẽ chuẩn bị găng tay - vật dụng bất ly thân của người theo công việc hái cà phê. Vì đứng giữ cái nắng chói chang, nếu không có găng tay, sau khi thu hoạch thì đôi tay sẽ sỉn màu, chai sạn, thậm chí bị côn trùng cắn. Ngoài ra, họ còn truyền tai nhau nhiều kinh nghiệm như lựa chọn trang phục dài tay, quần dài nhưng phải nhẹ để thoải mái vận động.

Tưởng chừng là nghề nhàn rỗi nhưng hái cà phê cũng có nhiều hiểm nguy rình rập.

Nhiều chủ vườn lựa chọn hình thức trả tiền công được trả dựa trên sản lượng cà phê hái được theo ngày của từng lao động, với giá dao động từ 1.200-2.000 đồng/kg cà phê tươi. Do đó, người hái cà phê có thể kiếm được 500.000-1.000.000 đồng/ngày, tuỳ theo năng suất lao động và độ sai quả của các mảnh vườn.

Anh Nguyễn Văn Lợi (huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) vốn là thợ xây dựng, tuy nhiên, xét thấy công việc hái cà phê mang lại thu nhập cao nên anh quyết định chuyển hướng đi hái cà phê: "Công việc này tuy vất vả nhưng giúp người hái cà phê mang lại thu nhập hậu hĩnh. Nhờ làm việc với tốc độ nhanh nhất nên mỗi ngày tôi hái từ 3-4 tạ cà phê tươi, thu về hơn 500.000 đồng. Thậm chí, có hôm may mắn gặp những cây sai trái tôi kiếm được tới 900.000 đồng/ngày". 

Tương tự anh Lợi, anh Đinh Văn Dắt (38 tuổi) cùng vợ di chuyển từ Quảng Ngãi lên Đắk Lắk tranh thủ kiếm tiền ăn Tết. May mắn đã mỉm cười với vợ chồng anh khi tìm được rẫy cà phê sai quả, dễ hái, mỗi ngày vợ chồng anh Dăt thu hoạch 7-8 tạ, nhận công 700.000-800.000 đồng. "Trừ các chi phí, thu nhập mỗi tháng của vợ chồng tôi khoảng 20 triệu đồng" - anh Dắt tâm sự. 

Đây là khoảng thu nhập không nhỏ đối với gia đình anh. Vì thế, hai vợ chồng hăng say lao động, tranh thủ ăn trưa thật nhanh để tiếp tục công việc. Vì khi hái được càng nhiều, đồng nghĩa tiền công càng cao.

Những người thợ hái cà phê thường sẽ tự chuẩn bị thức ăn khi lên rẫy, đến giờ nghỉ trưa họ tranh thủ ăn uống, lấy lại sức và tiếp tục trở lại với công việc. Đây cũng là thời điểm mà những người thợ hái cà phê ngồi xuống cười nói rôm rả, tâm sự về cuộc sống, việc làm.

Thông thường, trước khi hái cà phê, người thợ sẽ trải tấm bạc lớn dưới gốc cây để chứa cà phê đã được hái trên cành xuống. Sau đó, họ sẽ kéo tấm bạt này để bỏ lượng cà phê vừa thu hoạch và đóng vào bao theo quy định của nhà vườn. Công đoạn này chỉ có những thanh niên lực lưỡng mới đủ sức để thực hiện. 

Người hái cà phê thường phải làm việc từ sáng sớm đến tối muộn, để kiếm được nguồn thu nhập ổn định trong khoảng 1-2 tháng trước Tết Nguyên đán. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo để lựa chọn những trái cà phê chín đều, đảm bảo chất lượng cho từng mẻ cà phê thành phẩm.

Ngoài thời tiết thất thường ảnh hưởng đến ngày công của thợ hái cà phê, họ còn nơm nớp lo sợ các loài bò sát tấn công. Bà Nguyễn Thị Nguyệt (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ: "Rắn lục thường trú ngụ trong các cành cây, bụi rậm và có màu xanh giống như lá cây. Chính vì vậy, rất khó để phát hiện chúng. Nếu không chú ý kĩ, người hái cà phê có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của loài rắn này".

Vì thế, ngày nay rất ít nhiều người theo nghề hái cà phê bởi không phải ai cũng chấp nhận đánh đổi công sức, sức khoẻ để đút túi tiền triệu mỗi ngày.

Dẫu vậy, nghề hái cà phê vẫn giữ một vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất cà phê. Nhờ những bàn tay cần mẫn, từng hạt cà phê chín mọng mới được thu hoạch đúng thời điểm, góp phần tạo ra các sản phẩm với hương vị đặc trưng, mang đậm dấu ấn của vùng cao.

TẤN PHƯỚC