Cô Chu (34 tuổi), đến từ thành phố Vũ Hán, mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống (SLE). Hơn 10 năm trước, cô bị phát ban ở mặt kèm theo sốt nhẹ. Cô được bệnh viện địa phương chẩn đoán mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống và phải dùng thuốc uống lâu dài để kiểm soát tình trạng của mình.
Vào tháng 4 năm nay, cô Chu phát hiện mình có thai. Biết tình trạng của mình nếu mang thai sẽ khiến bệnh tình nặng hơn nên cô Chu đặc biệt chú ý đến sức khỏe và thường xuyên đến bệnh viện số 1 Vũ Hán để thăm khám, theo dõi. Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của cô vẫn được kiểm soát tốt.
Bắt đầu từ tháng 9, cô Chu đi thăm họ hàng ở tỉnh khác và không thể theo dõi thường xuyên tình trạng bệnh lupus ban đỏ của mình. Sau đó, dần dần bà bầu này bị phù nề ở cả hai chân. Cô Chu cho rằng, đây là tình trạng phù nề bình thường ở giai đoạn cuối của thai kỳ nên thai phụ này không quá để tâm đến nó.
Người mẹ bị phù nề ở chân nhưng không đi khám. (Ảnh minh họa)
Sau đó, tình trạng phù nề ở cả 2 chân trở nên trầm trọng hơn, kèm theo cảm giác tức ngực và thi thoảng khó nuốt. Vào ngày 14/11, cô đã đến Khoa Thấp khớp và Miễn dịch của Bệnh viện số 1 Vũ Hán để được tư vấn.
Sau khi nhận được kết quả chẩn đoán, bác sĩ nhận thấy bệnh lupus ban đỏ hệ thống của cô Chu đang trong giai đoạn nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng của thai nhi và người mẹ. Khi làm thêm các cuộc kiểm tra khác, bác sĩ nhận thấy cô Chu gặp phải nhiều vấn đề: tiền sản giật nặng, hội chứng thận hư và tăng huyết áp.
Dù ngày dự sinh là đầu tháng 1/2025 nhưng để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con, cô Chu đã được chuyển đến khoa sản vào ngày 16/11. Sau khi tiếp tục điều trị, cô đã thực hiện mổ lấy thai khẩn cấp và sinh non một bé gái ở tuần 32. Sau đó, em bé nhanh chóng được chuyển đến khoa sơ sinh để theo dõi và điều trị thêm.
Do sinh thiếu tháng, phổi của đứa trẻ chưa hoàn thiện nên xuất hiện các triệu chứng như khó thở, khò khè sau khi sinh. Rất may dưới sự điều trị và chăm sóc cẩn thận của của đội ngũ y tế, tình trạng hô hấp của em bé được cải thiện rõ rệt, tình trạng dinh dưỡng được cải thiện hiệu quả, cân nặng của bé tăng đều.
Đồng thời, sau khi sinh mổ, cô Chu trở lại Khoa Thấp khớp và Miễn dịch để theo dõi điều trị và được xuất viện về nhà vào ngày 29/11. Giám đốc bệnh viện cho biết: "Sự an toàn của hai mẹ con là nhờ sự nỗ lực chung của khoa thấp khớp và miễn dịch, khoa sản, khoa ICU và sơ sinh".
Bác sĩ lên tiếng cảnh báo các bà mẹ bị mắc lupus ban đỏ hệ thống khi mang thai cần chú ý nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
Cũng theo các bác sĩ, với sự phát triển của công nghệ y tế và nhiều phương pháp điều trị mới ra đời, bệnh nhân mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống hiện có thể được mang thai nhưng với điều kiện, tình trạng của họ cần được bác sĩ kiểm soát ổn định.
Để đảm bảo an toàn, trước khi mang thai, những bệnh nhân lupus cần đến khoa thấp khớp và miễn dịch để được đánh giá và hướng dẫn việc chuẩn bị mang bầu. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ cần tái khám hàng tháng. Nếu thấy huyết áp tăng cao, phù nề cả hai chân thì cần đến gặp bác sĩ kịp thời để thăm khám.
CHƯƠNG NGỌC