Pịa cá là món ăn có từ lâu đời của người Thái ở Sơn La. Nó là món ăn được biến tấu từ món nậm pịa. Với pịa cá người ta dùng lòng, tiết cá kết hợp với các loại rau đặc trưng của Tây Bắc.
Cách làm pịa cá kha khá giống với nậm pịa. Theo đó cá sau khi làm sạch sẽ lấy phần ruột để riêng. Sau đó, người đồng bào sẽ bóc tách phần mỡ bám ngoài ruột rồi dùng tay vuốt sạch các chất bẩn trong đó. Phần ruột này sẽ nhanh chóng được cắt thành từng khúc vừa ăn rồi để ráo nước.
Sau đó người Thái chuẩn bị sả, mùi tàu thái vụn; mắc khén, tiêu giã nhỏ, ớt tươi, muối…Cho dầu ăn vào chảo nóng, phi thơm phần sả ớt rồi cho lòng cá vào đảo đều tay. Đợi lòng cá hơi săn lại cho thêm mắc khén và gia vị cho vừa miệng.
Họ đợi lòng cá ngấm gia vị cho thêm nước vào đun sôi theo công thức 1 phần lòng 2 phần nước. Nước sôi 10 phút cho thêm các loại rau thơm rồi tắt bếp.
Pịa cá không đắng như các loại pịa khác mà có vị mềm, ngọt của ruột cá đồng thời có vị thơm của mắc khén. Thực khách đã nếm món ăn này sẽ thấy mãi vương vấn bởi sự thơm ngon của nó.
Nhiều người từng thưởng thức pịa cá nhận xét rằng món này khá dễ ăn, không "kinh dị" như các loại pịa dê, pịa trâu vì phần ruột cá đã được làm sạch.
Với người đồng bào Thái ở Sơn La, pịa cá không chỉ là món ăn để thiết đãi khách khi đến chơi nhà, bày tỏ sự hiếu khách của gia chủ, mà nó còn thể hiện tính sáng tạo trong ẩm thực dân tộc, biết tận dụng các loại nguyên liệu để chế biến thành món ăn mới, có sức hấp dẫn và độc đáo.
Du khách đến với các bản làng của người Thái ở Sơn La hãy tìm đến và thưởng thức món ăn tuyệt vời này. Để rồi ăn một lần nhớ cả đời không quên.
K.T