Đại gia nổi tiếng có thương hiệu xà bông Cô Ba, được cho gắn liền với đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa

Google News

Ông Trương Văn Bền là cha đẻ của thương hiệu xà bông Cô Ba nổi tiếng khắp Sài Gòn xưa. Sự nghiệp kinh doanh của ông có nhiều thành tựu to lớn và khối tài sản đồ sộ.

Nhắc đến Sài Gòn xưa, bên cạnh các mỹ nhân, công tử, nhiều người ắt hẳn vẫn nhớ về thương hiệu xà bông cô Ba. Thương hiệu này được tạo nên bởi ông Trương Văn Bền, một doanh nhân thức thời của Sài Thành đến nay vẫn được nhắc đến.

Chân dung ông Trương Văn Bền, cha đẻ của thương hiệu xà bông cô Ba nổi tiếng Sài Gòn

Cơ duyên đến với xà bông cô Ba 

Doanh nhân Trương Văn Bền (1883 - 1956), sinh ra tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, hưởng giáo dục tân tiến nên sớm bước chân vào giới quý tộc. 

Năm 1901, ông Trương Văn Bền bắt đầu sự nghiệp kinh doanh buôn bán khi mở một tiệm tạp hoá nhỏ, gần một con kênh ở đường Kim Biên (Chợ Lớn). Sau đó ông mở rộng làm ăn bằng cách mua sỉ của các thương gia Trung Quốc rồi bán lại cho các tiệm tạp hoá lẻ để kiếm lời. Từ đó ông tích luỹ được một số tiền lớn.

Năm 1905, từ số vốn tích góp được, ông mở xưởng sản xuất và tinh luyện dầu ở Thủ Đức. Từ xưởng đó, sau này trở thành một doanh nghiệp có tiếng trong thành phố.

Ông Trương Văn Bền và vợ

Về mối cơ duyên giữa với xà bông cô Ba, ông Trương Khắc Cẩn, con trai của ông Trương Văn Bền cho biết vào năm 1930, sau khi lăn lộn trong các hoạt động kinh doanh, ông nhận ra có 2 loại sản phẩm ai cũng cần dùng là giấy và xà bông. Chính vì vậy ông chọn xà bông để phát triển và trở thành bước ngoặt trong sự nghiệp kinh doanh của vị đại gia này.

Trụ sở của xà bông Việt Nam thời bấy giờ ở đường Rue de Canton, nay là đường Triệu Quang Phục.

Vào thời gian này và trước đó, hầu hết xà bông dùng trong nước và ở Đông Dương nhập khẩu từ Pháp. Chỉ có ít xà bông làm từ các xưởng nhỏ thủ công ở Chợ Lớn với chất lượng kém nên có giới hạn rất nhỏ không có thể cạnh tranh và so sánh được với xà bông nhập khẩu từ Marseille, Pháp. Vậy mà, xà bông cô Ba của doanh nhân Trương Văn Bền ra đời không chỉ trực tiếp cạnh tranh được với xà bông nhập khẩu mà thậm chí còn lấn át, trở thành "thương hiệu quốc dân" trong lòng người tiêu dùng Việt.

Hình ảnh về những cục xà bông nổi tiếng của ông Trương Văn Bền

Trong sự nghiệp làm ăn, ông Trương Văn Bền còn đầu tư vào khách sạn, tiệm mỹ phẩm, lập đồn điền cao su, cơ sở sản xuất dầu dừa, nhà máy gạo… Vai trò quan trọng của ông trong địa hạt phát triển canh nông, kỹ nghệ, kinh tế tài chính được đánh giá cao trong xã hội.

Giai thoại xà bông cô Ba được cho liên quan đến đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn

Nhắc đến xà bông cô Ba, nhiều người Sài Gòn còn nhớ về cô Ba Thiệu, người đầu tiên đăng quang Hoa hậu của Sài Gòn cách đây hơn 150 năm về trước. Vẻ đẹp của cô Ba Thiệu được miêu tả tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo. Tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng. Đẹp không son phấn giả tạo.

Theo tài liệu ghi chép lại, hình ảnh của cô Ba Thiệu sau này được hiệu buôn xà bông của ông Trương Văn Bền sử dụng làm mẫu trên các sản phẩm bán ra thị trường. 

Hàng bán rất chạy và được hầu hết người Việt mua sử dụng. Cô Ba Thiệu trở thành “người mẫu đại diện" đầu tiên gắn liền với thương hiệu Việt. Loại xà bông trong nước này đã đánh bật sự độc quyền của Hãng xà bông Marseille của Pháp thời đó để trở thành “thương hiệu quốc dân".

Cô Ba Thiệu, người được cho là đại diện thương hiệu đầu tiên của xà bông cô Ba

Cũng có một số tài liệu khác lại cho rằng hình người phụ nữ trên miếng xà bông không phải là cô Ba Thiệu mà là một cô Ba khác có tên Trà, vợ của ông Trương Văn Bền. Tuy nhiên với nhiều người Sài Gòn xưa, khi nói đến xà bông cô Ba thì họ nghĩ ngay đến cô Ba Thiệu, người phụ nữ đầu tiên của Sài Gòn đăng quang Hoa hậu.

Theo một số thông tin, ông Trương Văn Bền có nhiều con cả trai lẫn gái. Một trong số đó là Trương Khắc Trí, người từng là chủ tịch Công thương ngân hàng, thành lập năm 1953, đồng thời là Tổng giám đốc công ty Xà bông Việt Nam từ năm 1959 - 1965.

Một người con trai khác là Trương Khắc Huệ, sau khi tốt nghiệp Đại học ở Pháp về làm việc cho công ty của ông Trương Văn Bền ở vị trí Giám đốc kỹ thuật. 

Cận cảnh xà bông Việt Nam khiến sự nghiệp kinh doanh của ông Trương Văn Bền thêm lừng lẫy

Sau sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy, vào năm 1948, Trương Văn Bền sang sống tại Paris, để lại gia tài cho những người con trai tiếp quản. Sau đó 8 năm ông qua đời, hưởng thọ 73 tuổi.

H.A