“Đốt cháy” những trận đấu bằng vũ đạo rực lửa
Cheerleading, hay dễ hiểu hơn là môn thể thao nhảy cổ động dùng để cổ vũ trong các trận đấu. Ban đầu, bộ môn này chỉ là những động tác đơn giản để khích lệ tinh thần của các khán giả và vận động viên. Dần dần, cheerleading đã phát triển thành một môn thể thao kết hợp vũ đạo, nhào lộn và các động tác đồng đội phức tạp, được thực hiện không chỉ tại các sự kiện thể thao mà còn có các cuộc thi riêng mang tầm cỡ quốc tế.
Thời kỳ đầu phát triển, cheerleading chỉ dừng lại ở việc hô khẩu hiệu. Sau này, bằng sự sáng tạo, đột phá mà các cheerleader (VĐV tham gia bộ môn này) đã bổ sung các yếu tố nhào lộn, nâng đỡ đồng đội, làm tăng tính nghệ thuật và mang đến những phần trình diễn đẹp mắt.
Cheerleading không chỉ cần những động tác vũ đạo phức tạp mà còn đỏi hỏi các VĐV phải có thể lực, sự dẻo dai, khéo léo. Đây cũng là điểm khác biệt lớn so với các bộ môn như: Dance sport, Aerobic... Môn thể thao này không chỉ đem lại những giây phút hứng khởi cho người xem, mà còn đề cao tính đồng đội, sự đoàn kết, ăn ý giữa các VĐV trong cùng đội chơi.
Tháng 7/2021, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã chính thức công nhận cheerleading là một môn thể thao.
Từ năm 2005, bộ môn này bắt đầu du nhập vào Việt Nam thông qua các sự kiện thể thao và giao lưu văn hóa quốc tế, đặc biệt là từ các trường quốc tế và câu lạc bộ do học sinh, sinh viên thành lập. Với sự kết hợp giữa nghệ thuật và thể thao, cheerleading không chỉ mang lại cảm giác phấn khích mà còn tạo sân chơi sáng tạo và rèn luyện kỹ năng đội nhóm.
Đến thời công nghệ phát triển, các đoạn video về cheerleading lan truyền khắp cõi mạng. Với giai điệu tươi vui của điệu nhạc cổ vũ, các động tác đầy nghệ thuật tạo cho người xem cảm giác choáng ngợp. Từ đó, bộ môn này trở nên thu hút với giới trẻ, nhiều CLB trực thuộc các trường THPT, Đại học ra đời.
Tập trung cao độ, không được xảy ra sai sót
Trong 1 bài biểu diễn của VĐV luôn có các phần: Cheers (hô), Jump (bật nhảy), Tumbling (nhào lộn), Toss (tung hứng), Stunts (tháp riêng lẻ), Pyramid (tháp liên kết) và Dance (nhảy). Để tập luyện nhuần nhuyễn và có sự tương tác với đồng đội, các VĐV buộc phải ngày đêm tập luyện và hiểu ý của nhau.
Chị Nguyễn Hà My - từng là thành viên đội Cheerleading đời đầu tại Việt Nam, có nhiều kinh nghiệm đào tạo thế hệ VĐV tài năng từng chia sẻ về độ khó của bộ môn này: “Về cách hình thành tháp trong một bài trình diễn, thông thường có 2-3 người làm bệ đỡ 1 người nữa đứng ở trên tay của họ. VĐV giữ nhiệm vụ đứng trên bệ đỡ không chỉ đơn giản đứng tĩnh mà còn phải thực hiện các động tác tạo hình khó, thể hiện độ dẻo của bản thân. Kỹ thuật càng nâng cao thì số lượng người làm đế bên dưới càng ít đi, ban đầu là 4 người, về sau chỉ là 1 người”.
Để có phần trình diễn ấn tượng, VĐV phải chăm chỉ luyện tập, chuẩn xác trong từng động tác.
Với bộ môn này, sức khoẻ là yếu tố thử thách lớn nhất đối với VĐV. Bởi lẽ, khi trình diễn sẽ không có dụng cụ bảo hộ mà chỉ có những VĐV nâng đỡ nhau tạo nên những màn nhào lộn trên không hay cú xoạc chân đẹp mắt. Từng có người chơi ngoại quốc gặp chấn thương nặng ảnh hưởng đến sức khoẻ cả đời. Song, với những người yêu thích bộ môn này thì không có điều gì có thể cản trở được họ. Từ khó khăn, hiểm nguy như thế, họ lại càng tập trung luyện tập và không để sai sót xảy ra trong phần trình diễn của mình.
Khi thực hiện các động tác xây tháp, cú xoay người trên không cũng là lúc tinh thần đồng đội được thấy rõ nhất.
Ở nhiều trường ĐH ở Việt Nam có các CLB nuôi dưỡng tài năng và tạo nên những tổ đội phối hợp ăn ý mang đến những phần trình diễn đẹp mắt như: S.Knight Cheerleading (trường ĐH Luật TP.HCM), Rumbo Cheerleading Squad (trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), Hunter Cheerleading Squad (trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM)... Đặc biệt, ở các trường THPT có phong trào văn thể mỹ mạnh như THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT Việt Đức (Hà Nội), THPT Marie Curie (TP.HCM)... có nhiều tài năng trẻ vẫn từng ngày rèn luyện để trở thành VĐV chuyên nghiệp.
Cheerleading tại Việt Nam đang từng bước khẳng định vị trí, với nhiều giải đấu và chương trình giao lưu quốc tế. Nếu được đầu tư bài bản, đây không chỉ là sân chơi giải trí mà còn là môn thể thao có tiềm năng lớn trong các giải đấu khu vực và thế giới.
TẤN PHƯỚC