23 tháng Chạp hàng năm được biết đến là ngày tiễn Táo quân về trời hay còn gọi là Tết ông Công ông Táo. Vào ngày này, mỗi gia đình dù bận bịu đến mấy đều cố gắng chuẩn bị một mâm cúng ông Công ông Táo tươm tất với đầy đủ hương hoa, trà quả cùng một vài món mặn để dâng cúng Táo quân.
Tùy vào từng vùng miền, địa phương mà mâm cơm cúng ông Công ông Táo sẽ có những món khác nhau. Thế nhưng dù khác biệt thế nào thì chắc chắn vẫn phải có đĩa xôi, gà luộc cùng cá chép đỏ.
Lễ cúng sẽ được thực hiện trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Mâm cỗ cúng thường được chuẩn bị kỹ càng, tỉ mỉ để cầu mong Táo quân báo cáo tốt cho gia đình trước mặt Ngọc Hoàng.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Mỗi vùng miền lại có cách chuẩn bị lễ vật cúng Táo quân khác nhau:
Miền Bắc
Từ bao đời nay, người miền Bắc luôn chuẩn bị lễ vật cúng ông Công ông Táo gồm có:
- 3 bộ mũ áo, hia hài: Hai mũ ông, một mũ bà
- Cây mía
- Tiền vàng
- Trầu cau
- Hương
- Hoa
- Trà
- Mâm ngũ quả
- 3 con cá chép đỏ
- 1 đĩa bánh kẹo hoặc bát mật mía
- 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối
- Nước
- Rượu
Miền Trung
Vẫn là những lễ vật như người miền Bắc như: Hương, hoa, trà, quả, rượu,… nhưng người miền Trung sẽ chuẩn bị thêm:
- 1 con ngựa giấy có yên cương
- Dựng cây nêu trước nhà
- Tượng Táo quân mới và cũ đặt cạnh nhau
Miền Nam
Bên cạnh các lễ vật truyền thống giống như miền Bắc thì lễ vật của người miền Nam sẽ có chút khác biệt. Cụ thể:
- Thay vì cúng cá chép, người ta sẽ dâng cúng 01 bộ cò bay ngựa chạy. Kết thúc lễ cúng thì gia đình sẽ đem hóa bộ lễ này.
Mâm cơm cúng ông Công ông Táo cần những gì?
Tùy vào điều kiện của mỗi nhà mà mâm cơm cúng Táo quân sẽ có sự khác biệt. Thường trên mâm cơm dâng cúng sẽ
- Xôi
Xôi là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ông Công ông Táo của người Việt trong mỗi dịp lễ Tết. Bạn có thể lựa chọn xôi đỗ hoặc xôi gấc để đặt lên mâm cúng. Thông thường, các gia đình sẽ chọn xôi gấc với ý nghĩa cầu mong sự may mắn, thịnh vượng và cát tường.
+ Gạo nếp mua về vo sạch rồi ngâm qua đêm.
+ Gấc nạo lấy phần thịt rồi cho ra bát. Thêm vào bát gấc 1 - 2 thìa rượu trắng. Dùng tay bóp liên tục cho gấc đỏ và tách phần hạt ra.
+ Gạo ngâm đem vo lại một lần nữa rồi để cho ráo nước.
+ Trộn gạo với phần thịt gấc, thêm vào đây vài hạt muối cho xôi đậm đà.
+ Cho gạo vào chõ rồi đặt lên bếp đồ khoảng 30 phút. Khi hạt cơm chín dẻo thơm thì dỡ ra, để nguội.
+ Lấy phần xôi đã nguội cho lên chõ đồ lần 2 để cơm nếp dẻo, mềm và ngon đúng điệu.
+ Rưới 1 chút mỡ gà, đường trắng vào xôi, trộn đều lên rồi đồ thêm 10 phút là được.
+ Xôi đồ càng kỹ thì càng ngon.
+ Kiểm tra thấy xôi được thì nhấc xuống, ép vào khuôn rồi cho ra đĩa.
- Gà luộc
Sẽ là thiếu sót nếu mâm cúng ông Công ông Táo thiếu đi món gà luộc. Người Việt từ bao đời quan niệm, gà là linh vật biểu trưng cho sức mạnh, khả năng kết giao và điều khiển đất trời. Không những thế, nó còn mang nhiều ý nghĩa, là đại diện cho sự thẳng thắn, mạnh mẽ.
+ Gà làm sạch, dùng muối chà xát bên ngoài rồi rửa lại với nước cho thật sạch.
+ Đặt gà vào nồi rồi thêm nước xâm xấp bề mặt thịt gà.
+ Thêm vào nồi 1 củ gừng tươi đập dập, 1 củ hành khô để gà thơm, ngon hơn.
+ Muốn gà cúng có lớp da vàng giòn, đẹp mắt thì bạn nên cho thêm bột nghệ cùng 1 miếng mỡ lợn.
+ Bật bếp luộc gà. Vặn lửa lớn cho tới khi nồi gà sôi thì vặn nhỏ lại. Luộc khoảng 20 - 30 phút thì tắt bếp. Ngâm gà thêm 10 phút nữa là vớt ra và để cho nguội.
+ Đặt gà lên đĩa và dâng cúng. Có nơi sẽ chặt gà lên đĩa rồi mới đặt lên mâm.
- Nem rán
Trên mâm cỗ của người Việt luôn luôn có sự xuất hiện của nem rán. Lớp vỏ nem vàng ươm, khi ăn cảm nhận được độ giòn rụm, nhân thịt béo ngậy quyện cùng các loại rau củ đi kèm rất hấp dẫn.
Cách làm nem rán cũng rất đơn giản:
+ Nhân nem: Thịt nạc xay, mộc nhĩ, miến, hành lá, rau mùi thái nhỏ, cà rốt, su hào hoặc củ đậu bào sợi, hạt tiêu, bột canh, mì chính, trứng gà. Trộn tất cả các nguyên liệu lên là có được nhân nem rán.
+ Phết lên bề mặt bánh 1 lớp bia hoặc giấm ăn. Bạn nên chọn bánh ram để gói khi rán miếng nem sẽ vàng giòn hơn.
+ Dùng thìa lấy nhân nem đặt lên trên rồi cuộn tròn lại. Lần lượt thực hiện cho tới khi hết nhân là được.
+ Bắc chảo chống dính lên bếp, thêm dầu ăn rồi đun nóng. Lưu ý, để nem rán vàng ruộm, bạn nên cho ngập dầu.
+ Lần lượt thả nem vào rán vàng rồi vớt ra. Nên rán nem 2 lần để đảm bảo độ giòn ngon, đúng ý.
+ Xếp nem rán ra đĩa là hoàn thành món ăn dâng cúng Táo quân.
- Canh măng
Người miền Bắc thường chuẩn bị thêm một bát canh xương măng cho mâm cúng ông Công ông Táo. Cách làm như sau:
+ Măng khô ngâm 1 - 2 ngày, rửa sạch rồi đem luộc chín. Cách làm này sẽ giúp măng nở, chín mềm ngon.
+ Rửa lại măng đã luộc, thái miếng vừa ăn.
+ Xương sườn chặt miếng vừa ăn, rửa sạch.
+ Cho xương vào nồi, thêm nước lạnh rồi luộc sơ. Rửa xương lại 1 lần nữa để lấy đi toàn bộ cặn bẩn.
+ Bắc nồi lên bếp, thêm dầu ăn rồi cho xương vào xào sơ. Nêm thêm bột canh, mì chính cho đậm đà.
+ Khi xương đã chín sơ, bạn cho măng khô đã sơ chế vào đảo chung.
+ Thêm nước lã hoặc nước luộc gà vào ninh cho xương và măng chín mềm.
+ Nêm nếm lại canh cho vừa miệng thì thêm hành lá thái nhỏ vào rồi múc canh ra bát.
+ Thêm vào bát canh 1 chút rau mùi nữa là hoàn thành.
- Hành muối
Bát hành muối trắng nõn nà với vị chua chua, giòn giòn thêm chút cay cay, hăng hăng sẽ giúp cho mâm cỗ thêm đủ đầy hơn.
+ Hành khô mua về ngâm nước muối hoặc nước tro qua đêm.
+ Bóc lớp vỏ bên ngoài rồi rửa hành thật sạch.
+ Vớt hành ra phơi cho héo.
+ Pha nước muối hành: 1.5l nước + 70g muối + 1 thìa đường. Đun hỗn hợp nước muối hành cho sôi lên rồi tắt bếp. Thêm vào đây 1 chút giấm ăn rồi để hơi âm ấm là có thể đem đi muối hành.
+ Cho hành vào lọ rồi rót nước muối vừa đun vào. Lưu ý, nước muối phải ngập mặt hành.
+ Dùng khay tre nén hành xuống rồi đậy nắp lọ lại. Để khoảng 10 ngày là hành chua ngon, không bị he.
- Cá lóc nướng
Trên mâm cúng ông Công ông Táo của người miền Nam không thể thiếu món cá lóc nướng. Con cá này phải để nguyên con không cạo vảy hay cắt đuôi, vây rồi đem đi nướng trui.
Theo quan niệm của người dân địa phương, cúng cá lóc là để cầu tài lộc, may mắn, ấm no, sung túc.
+ Nguyên liệu cần có: Cá lóc, que tre
+ Cá lóc mua về để nguyên vảy, vây.
+ Dùng que tre nhỏ xiên từ miệng cá xuống phần đuôi để cố định.
+ Chuẩn bị than củi cháy rực rồi đặt cá lên nướng.
+ Trong khi nướng, nhớ lật cá thường xuyên để tránh cá bị cháy đen thui.
+ Cá chín thơm, bạn nhấc xuống rồi dùng dao cạo sạch lớp đen bám bên ngoài chỉ giữ lại lớp màu vàng.
+ Đặt cá lên đĩa là hoàn thành một món ăn cúng ông Công ông Táo.
- Cá ngừ, cá thu
Bên cạnh các món truyền thống, một số tỉnh miền Trung còn dâng cúng món ăn từ cá ngừ, cá thu.
(Ảnh: Cô Ba Bình Dương)
Ngoài những món trên thì tùy vào từng gia đình mà bổ sung thêm các món ăn khác như:
- Thịt bò xào
- Rau củ luộc
- Nộm
- Miến xào
Gợi ý một số mâm cúng ông Công ông Táo đẹp, ý nghĩa
Tham khảo một số mâm cơm cúng ông Công ông Táo đẹp để chuẩn bị cho lễ cúng tiễn Táo quân về chầu trời.
Mâm cỗ với đầy đủ giò lụa, nem rán, bánh chưng, canh miến, nộm, gà luộc…
Thay vì dùng gà luộc, gia chủ lại đem chiên vàng để đổi vị.
Mâm cơm cúng Táo quân đơn giản nhưng đủ đầy.
Ngoài cá chép sống, gia chủ cũng khuôn xôi hình cá chép trông rất bắt mắt.
Một mâm cúng với đầy đủ các món truyền thống.
Cá kho, thịt đông, nem rán, canh măng,... những món ăn đặc trưng của Tết
Mâm cúng ông Công ông Táo rực rỡ sắc màu.
Đủ đầy xôi cá dâng lên Táo quân.
Mâm cúng ông Công ông Táo được chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng vô cùng đẹp mắt.
Ngoài các món truyền thống, mâm cúng này còn có thêm kẹo và nước trà.
Tham khảo mâm cúng Táo quân tại bếp.
Trên đây là một vài gợi ý mâm cúng ông Công ông Táo để các chị em tham khảo cho Tết 23 tháng Chạp sắp tới.
ĐẶNG GIANG