Mẹ bầu 32 tuần khoe mâm cơm mẹ chồng để phần, ai nhìn thấy cũng sợ

Google News

Bên cạnh nhiều mẹ chồng khéo léo nấu cơm ngon canh ngọt cho con dâu bầu ăn thì nhiều mẹ chồng lại tiết kiệm, chắt bóp đến mức hà tiện khi liên tục cho con dâu bầu ăn thức ăn cũ từ mấy ngày trước.

Ai cũng biết để thai nhi tăng trưởng và phát triển khoẻ mạnh, việc đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ khoa học và lành mạnh vô cùng quan trọng. Theo đó, các mẹ bầu phải có chế độ ăn đa dạng, ngon miệng bên cạnh chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt vi chất cho các mẹ bầu do nhu cầu dinh dưỡng tăng cao trong suốt thai kỳ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé.

Bắp cải xào, cá kho bóng đêm từ mấy hôm trước.

Trong khi nhiều mẹ bầu có chế độ ăn uống rất đa dạng, lành mạnh thì một số mẹ bầu khác không may mắn được như thế. Như trường hợp mới đây của một mẹ bầu ẩn danh đăng lên một hội nhóm các mẹ chồng nàng dâu là một ví dụ.

Mẹ bầu này cho biết, chị đang mang thai ở tuần thứ 32 của thai kỳ, vợ chồng chị bình thường không ăn chung với mẹ chồng nhưng bà lúc nào cũng để phần đồ ăn cho con dâu.

Cá rán và cá kho mẹ chồng để dành cho con dâu.

Điều đáng nói, những đồ ăn của mẹ chồng đều là những thức ăn đã để cả tuần liền hoặc lưu cữu ngày nọ qua ngày kia. Chẳng hạn như cơm nguội, bà hấp từ tối hôm trước và để đến tối hôm sau vẫn hấp lại ăn bình thường chứ nhất quyết không chịu đổ cho gà ăn.

Khi nấu nướng, mẹ chồng chị thường nấu mặn chát khiến nàng dâu mở lồng bàn lên nhìn thấy các đồ ăn đã chán ngán, thường phải mua thêm hoặc gọi đồ bên ngoài về ăn.

“Toàn đồ ăn bà đã để cả tuần liền, em không ăn thì kêu với con trai là em khó chiều, cái gì cũng chê nhưng thật sự là em ăn không nổi. Đồ nấu thì bà nấu mặn chát, em bầu nên không dám ăn mặn sợ ảnh hưởng đến sức khỏe 2 mẹ con”, nàng dâu này kể lại.

Canh thập cẩm không rõ nguyên liệu.

Người con dâu này cũng tiết lộ, mẹ chồng chị có tiền chứ không phải nghèo đói gì nhưng bóp mồm bóp miệng, thức ăn hàng ngày đạm bạc như thời 1945.

“Hôm nào em hoặc chồng mua thêm đồ về ăn như kiểu thịt quay hay trứng vịt lộn là bà kêu ăn sang chảnh quá, ăn như này tiền đâu ra. Ấy thế mà lúc nào cũng bảo em ăn đi, không ăn làm sao có chất, ăn có chết đâu mà lo. Nhưng mấy cái thức ăn bà nấu, làm gì có chất gì”, người này kể tiếp.

Bát bé là thịt ba chỉ rang, bát to là thịt gà rang 7 ngày.

Như hôm trước nàng dâu này bị ốm sốt không nấu cơm ăn được và không có ai ở nhà nên phải gọi cơm ngoài về ăn. Thế mà hôm sau bà chất vấn con dâu tại sao không tự nấu cơm ăn, gọi cơm ngoài về ăn cho tốn tiền vì hết hẳn 30 ngàn đồng/suất.

Sau đó, mẹ chồng còn đi nói với con trai là vợ không biết tiết kiệm, đồ có sẵn mà không nấu lại gọi cơm ngoài về ăn sang chảnh như nhà hàng.

“Con dâu ốm sốt không thèm hỏi han 1 câu mà cứ đi tiếc suất cơm 30 ngàn thì mọi người hiểu cảm giác chán như thế nào rồi đúng không. Có lẽ nhiều người sẽ bảo em không biết điều, mẹ chồng để phần thức ăn cho là may còn chê bai nhưng mà ai từng sống trong hoàn cảnh của em mới hiểu”, mẹ bầu này phân trần.

Vai trò của dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai

Một chế độ dinh dưỡng đa dạng, cân đối là cần thiết để có sức khỏe tốt cho cả người mẹ lẫn thai nhi. Dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp mẹ có sức đề kháng tốt, tránh mắc bệnh, đủ sức để "vượt cạn" trong cuộc đẻ, mau phục hồi sức khỏe sau sinh, có đủ sữa cho con bú.

Bên cạnh chế độ ăn cung cấp dinh dưỡng hợp lý thì phụ nữ mang thai cũng cần phải vận động, sinh hoạt hợp lý mang lại những lợi ích cho thai nhi trong giai đoạn quan trọng này.

Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến cân nặng khi sinh của trẻ

Chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian mang thai là yếu tố liên quan rõ rệt nhất đến cân nặng của trẻ khi đẻ. Rất nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, nếu bà mẹ được cung cấp thức ăn đầy đủ và cân đối trong thời gian mang thai sẽ bảo đảm cho thai nhi tăng cân tốt, kể cả con của các bà mẹ suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu bà mẹ mang thai thiếu ăn sẽ tăng nguy cơ sinh con non tháng, nhẹ cân.

Trẻ sinh non tháng, nhẹ cân khi lớn lên tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, giảm dự trữ thận, giảm chức năng phổi, chậm dậy thì, dễ bị trầm cảm và tỷ lệ tử vong vì bệnh tim mạch cao. Riêng đối với trẻ gái sinh nhẹ cân có nguy cơ suy dinh dưỡng khi trưởng thành, lại tiếp tục là một yếu tố nguy cơ sinh con nhẹ cân cho thế hệ kế tiếp.

Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến một số dị tật bẩm sinh

Khi mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu nếu người mẹ dinh dưỡng không đủ sẽ bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc một số bệnh truyền nhiễm có thể để lại các khuyết tật cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch….

Thiếu axit folic là nguyên nhân chính gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh. Can thiệp cung cấp đủ acid folic cho mẹ trước và trong thời gian mang thai sẽ làm giảm được khoảng 50% khuyết tật này ở trẻ.

Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến sự phát triển trí tuệ của trẻ

Ngay từ ngày thứ 18 của phôi đã có mầm mống hình thành não và khi phôi được 3 tháng tuổi thì não đã có đủ các thành phần. Thời điểm 20 tuần tuổi là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của thai nhi, khi não bộ thai nhi tăng mạnh về khối lượng và dần hoàn thiện về chức năng.

Từ tuần thứ 20 đến khi chào đời, kích thước não bộ tăng gấp 6 lần và tế bào thần kinh kết nối phức tạp hơn. Sự trưởng thành của não bộ rất quan trọng cho khả năng học hỏi và trí nhớ về sau. Quá trình này cần rất nhiều dưỡng chất như axit folic, vitamin B6, B12, mangan, đồng, iod, vitamin D, cholin, sắt và kẽm.

Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ là giai đoạn não bộ tăng trưởng và trưởng thành nhanh nhất. Vì vậy, cần cung cấp đủ nhu cầu tăng lên về năng lượng và các chất dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai.

Chế độ ăn của người mẹ đủ acid béo không no cần thiết, đủ DHA (Decosahexaenoic Acid) sẽ giúp trẻ trí thông minh, thị giác tốt và có hệ tim mạch khỏe mạnh. Nghiên cứu ảnh hưởng của trẻ sinh nhẹ cân do người mẹ thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ lên chỉ số IQ cho thấy với mỗi 1kg nhẹ hơn khi sinh ra (so với anh/chị em sinh đôi) IQ ngôn ngữ về sau sẽ thấp hơn 13 điểm.

Chất béo chuỗi dài DHA có vai trò rất quan trọng trong hình thành tế bào não và thị giác, cụ thể là: Tham gia hình thành tế bào não, DHA; Là thành phần chủ yếu của các acid béo tham gia cấu tạo não; Cần thiết cho quá trình Myelin hóa tế bào thần kinh; Tác động đến màng xináp – bộ phận điều khiển sự phóng thích và tiếp nhận chất dẫn truyền thần kinh, giúp sự truyền tín hiệu giữa các tế bào não hiệu quả hơn.

Dinh dưỡng trong thai kỳ liên quan đến một số bệnh mạn tính không lây của trẻ khi trưởng thành

Một số nghiên cứu cho thấy rằng thiếu dinh dưỡng trong từng giai đoạn thai kỳ liên quan đến một số bệnh mạn tính khác nhau. Mẹ thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, trẻ có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao khi trưởng thành. Ngược lại, mẹ thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, trẻ sẽ có nguy cơ rối loạn khả năng dung nạp glucoza cao hơn.

THẢO NGUYÊN