Mùa nắng nóng tăng cường ăn thực phẩm hấp luộc
Với thời tiết nắng nóng như hiện tại, nhiều người tìm đủ mọi cách làm mát cơ thể như đi bơi, uống nhiều nước, uống nước lạnh, thậm chí uống bia để giải nhiệt… Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, cách hạ nhiệt đơn giản, lành mạnh và an toàn nhất là thông qua chính các bữa ăn hàng ngày nhưng nhiều người lại không quan tâm.
TS.BS Từ Ngữ - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, ăn uống giúp hạ nhiệt cơ thể rất tốt. Ngoài ra, mọi người cũng cần quan tâm đến vấn đề sinh hoạt như hạn chế đi ngoài trời khi nắng nóng, ở nơi mát và có thể sử dụng điều hòa nếu có điều kiện.
Đối với ăn uống, TS Từ Ngữ khuyên mọi người hãy ăn đồ hấp luộc nhiều hơn. Đặc biệt, các món luộc thì nên dùng cả phần nước. “Khi luộc chỉ căn lượng nước vừa đủ để sau đó dùng hết lượng nước này. Bởi nước luộc, nhất là của các loại rau, ngoài cung cấp lượng nước cho cơ thể, thì còn cung cấp vitamin rất tốt, trong khi cung cấp nước cũng chính là biện pháp giúp cơ thể giải nhiệt rất tốt. Bởi nước vào cơ thể sau đó sẽ thoát ra qua đường bài tiết hoặc tuyến mồ hôi và đây chính là cách giải nhiệt tự nhiên tốt nhất”, bác sĩ Từ Ngữ khuyên.
TS.BS Từ Ngữ khuyên mọi người dùng món hấp luộc và nhớ sử dụng cả nước sẽ giúp giải nhiệt tốt hơn.
Đối với lựa chọn rau nào phù hợp, bác sĩ Từ Ngữ cho rằng, việc thường xuyên ăn rau là rất tốt, riêng với mùa hè thì nên lựa chọn các loại rau chứa nhiều nước như cải, mướp, mùng tơi... như vậy cơ thể sẽ nhận được nhiều nước hơn, thanh lọc cơ thể tốt hơn.
Đừng nghĩ hấp luộc chỉ áp dụng với các loại rau, củ, quả
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cùng đồng tình quan điểm trên khi cho rằng, mùa hè mọi người nên ăn đồ luộc hoặc hấp nhiều sẽ giúp cơ thể giải nhiệt tốt hơn. PGS Lâm cho biết thêm, hiện nhiều người có suy nghĩ chưa đúng về đồ hấp luộc, khi cho rằng các chuyên gia khuyên ăn đồ hấp luộc là ám thị với các loại rau, củ, quả.
“Để giải nhiệt cơ thể, việc sử dụng đồ hấp luộc không chỉ với các loại rau, mà các loại thực phẩm giàu đạm, protein cũng cần phải được thực hiện. Cụ thể, tôm hấp sẽ tốt hơn tôm chiên, cá hấp hoặc luộc tốt hơn cá chiên. Với các loại thịt lợn, thịt bò cũng nên chế biến bằng cách hấp luộc hơn là chiên rán”, PGS Nguyễn Thị Lâm tư vấn.
PGS Lâm khuyên mọi người nên sử dụng các thực phẩm, nhất là các loại rau theo mùa. Khi hấp hay luộc cần sơ chế kỹ, nấu chín trước khi ăn để tránh nguy cơ rối loạn tiêu hóa và nhiễm ký sinh trùng. Ngoài vấn đề sử dụng thực phẩm, mọi người cũng cần uống đủ nước trong mùa hè để giải nhiệt.
Ngay cả các món ăn giàu đạm hoàn toàn chế biến theo cách hấp, luộc trong mùa hè để sử dụng.
Ăn đồ chiên rán sinh nhiều năng lượng, tăng nguy cơ ung thư
Theo PGS Nguyễn Thị Lâm, với đồ chiên rán năng lượng sẽ nhiều hơn đồ hấp luộc, trong khi bản chất các chất sinh nhiều năng lượng sẽ khiến cơ thể nóng hơn. Ngoài ra, đồ chiên rán sẽ làm thay đổi kết cấu thực phẩm, khiến việc tiêu hóa lâu hơn so với đồ hấp luộc và điều này cũng khiến cho cơ thể khó chịu, nóng hơn.
“Khoa học đã chứng minh, ăn nhiều đồ chiên rán sẽ làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày, đặc biệt là nguy cơ béo phì. Trong khi những người béo phì cơ thể sẽ nóng hơn so với người bình thường. Đó là lý do mọi người nên dùng đồ hấp luộc trong mùa hè vừa giúp hạn chế việc tăng cân, vừa để cơ thể bớt nóng hơn”, PGS Lâm cho hay.
Các món chiên rán không chỉ gây nóng mà còn tăng nguy cơ ung thư, bệnh tật.
Không chỉ khiến cơ thể "bốc hỏa, đồ chiên rán còn tăng nguy cơ ung thư. Nguyên nhân là do đồ chiên rán dưới nhiệt độ cao, nhất là các loại dầu chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ bị chuyển hóa, khi sử dụng gây lão hóa tế bào, tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, khoa học cũng đã chứng minh, ăn nhiều đồ chiên rán (4-6 lần/tuần) sẽ tăng nguy cơ tiểu đường lên đến 30-40%.
LÊ PHƯƠNG.