Nghề lạ ở Việt Nam: Giáo viên nghỉ việc trồng quả được mệnh danh là "siêu thực phẩm", thu 6 tỷ mỗi năm

Google News

Với mô hình trồng mâm xôi hữu cơ, nhiều nông dân tại các tỉnh Lâm Đồng, Phan Rang,... thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Mâm xôi sau thu hoạch thơm ngon đậm đà không thua kém gì quả nhập khẩu. 

Quả mâm xôi là loại quả ăn thuộc họ hoa hồng, có nguồn gốc từ châu Âu, Bắc Á và được trồng ở các vùng ôn đới trên toàn thế giới. Không chỉ là một loại quả mọng có vị ngon, mâm xôi còn được coi như là một loại thảo dược quý với nhiều công dụng như chống lão hóa, ngăn ngừa ung thư và tăng cường trí nhớ. Tại Việt Nam, một trong những nơi đầu tiên trồng thành công loại quả này là vùng Đức Trọng (Lâm Đồng) và người đầu tiên thành công với loại cây này là anh Huỳnh Trung Quân. Với mô hình trồng mâm xôi hữu cơ, gia đình anh Quân thu về lợi nhuận 5-6 tỷ đồng mỗi năm. 

Tốt nghiệp sư phạm với tấm bằng cử nhân trên tay, anh Quân trở thành một giáo viên dạy hoá, sinh tại Kon Tum. Nhưng đồng lương ít ỏi không đủ trang trải cho gia đình, anh nghỉ việc và chuyển đến Lâm Đồng. Sau vài năm loay hoay với cuộc sống, anh Quân quyết định tự mình mở trang trại. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ trái mâm xôi, anh quyết định thử nghiệm vì trước đó tại Việt Nam chưa có nơi nào trồng mâm xôi, chủ yếu là hàng nhập khẩu nên giá thành cao. Sau nhiều lần cứ thử rồi thất bại, anh Quân giờ đây đã khởi nghiệp thành công với trang trại mâm xôi hơn 3,2 ha trong nhà kính theo hướng an toàn, mỗi năm thu hoạch khoảng 60 tấn quả tươi.

Mô hình trồng mâm xôi hữu cơ đang ngày càng được nhân rộng tại Việt Nam.

Trong khi ở nhiều nơi khác, người dân phải dùng thuốc diệt cỏ để bảo vệ cây thì tại trang trại của mình, anh Quân lại để cỏ mọc um tùm. Anh giải thích: “Có khá nhiều loại thiên địch sống trong cỏ có thể giúp tiêu diệt sâu bọ gây hại cho cây mâm xôi. Do đó, vườn mâm xôi phát triển tự nhiên, khỏe mạnh, ít bị sâu bệnh”. Ngoài ra, anh còn mở rộng diện tích để giống mâm xôi đột biến gen mới, một loại không có lông gai xù xì, quả nhiều, chất lượng cao như nông sản nhập khẩu cùng loại.

Anh chia sẻ thêm, do cây mâm xôi có bộ rễ có thể sinh ra nhiều cây con, nên khi cây nào bắt đầu ra quả thì anh đem cắt bỏ những cây con ốm yếu bên cạnh, giúp bộ rễ cây tập trung nuôi dưỡng những cây đang có quả, giúp năng suất, chất lượng mâm xôi cao hơn. Hơn nữa, quy trình tưới tiêu, bón phân được đầu tư và kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự động. Dù vườn mâm xôi đã dần đi vào ổn định, anh Quân vẫn không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm từng ngày và hoàn thiện các bước canh tác.

Mâm xôi được mệnh danh là siêu thực phẩm với nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ.

Ngoài sản xuất mâm xôi tươi, anh Quân còn đầu tư máy móc, nhà xưởng để chế biến thêm nhiều loại sản phẩm khác từ mâm xôi như mứt, trà, rượu, nước cốt... Nhờ những mặt hàng này, mỗi năm gia đình anh đem về 5-6 tỷ đồng lợi nhuận, giúp hơn 30 lao động địa phương có việc làm ổn định với mức thu nhập 4-9 triệu đồng một tháng.

Mô hình trồng mâm xôi an toàn của anh Quân đã được nhiều nông dân tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận ứng dụng. Gần đây, 500 cây mâm xôi được ông Nguyễn Văn Trinh (TP Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận) trồng thành công, thu hút sự tò mò của nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan. 

Vườn mâm xôi của ông Trinh được học hỏi từ Lâm Đồng, hiện nay đã bắt đầu cho thu hoạch.

Không chỉ thích hợp với khí hậu ôn đới như ở Lâm Đồng, mâm xôi cũng có thể phát triển tốt tại vùng đất đầy nắng gió như Ninh Thuận. Trái khi chín mọng nước, vị chua ngọt thơm ngon. Ông Trinh cho biết cơ duyên mang cây mâm xôi là hồi tháng 6 năm 2020, vợ chồng ông có chuyến đi du lịch kết hợp tham quan tại tỉnh Lâm Đồng, có ghé vào vườn trồng mâm xôi, nhìn các cây này rất giống cây mọc dại, nhưng lại cho những chùm quả đỏ, khi chín lại đen mọng, ăn cũng lạ miệng nên vợ chồng anh quyết định tìm hiểu và đặt mua 250 gốc về trồng thử nghiệm. 

Sau 8 tháng trồng và theo dõi, cây mâm xôi sinh trưởng và phát triển khá phù hợp với khí hậu ở Phan Rang. Cây đã cho ra những chùm quả đầu tiên, ông Trinh còn tự tin rằng ăn có hương vị đậm hơn rất nhiều so với xứ ôn đới ở Đà Lạt. Nhận thấy có thể phát triển giống cây này, ông mua thêm nhiều gốc để mở rộng quy mô. Cùng với đó, ông làm nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để đảm bảo tính an toàn cho sản phẩm, kiểm soát lượng nước tưới.

Mâm xôi khi chín chuyển từ màu đỏ qua tím đen, quả mọng và có vị chua ngọt dễ ăn.

Để có được thành quả ấy, ông đã phải trải qua quá trình dài học hỏi kinh nghiệm, tỉ mỉ chăm sóc cây. Ông chia sẻ: “Nếu áp phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật… vào sản xuất thì sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và môi trường. Vợ chồng tôi sau đó có tìm hiểu, học hỏi phương thức sản xuất mới và cuối cùng chọn làm theo nông nghiệp hữu cơ”.

Vì sản xuất theo mô hình hữu cơ nên gia đình ông không sử dụng bất kỳ loại thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu nào. Không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc kích thích tăng trưởng. Đất vườn và nước tưới cho cây cũng phải đảm bảo không nhiễm hóa chất.

Mâm xôi được trồng tại Việt Nam có giá thành thấp hơn so với quả nhập khẩu trước đây.

Những quả mâm xôi đen được thu hoạch khi chuyển từ màu đỏ sang đen, mọng nước, đều quả, quả to trung bình từ 80 - 90 quả/kg, đạt chất lượng thương phẩm, với giá bán 150.000 đồng/kg. Mỗi lần thu từ 7 - 8 kg cách nhật (ngày thu, ngày nghỉ), giúp gia đình ông Trinh có thu nhập gần 16 triệu đồng/tháng.

H.A