Xưa kia, phố Lò Rèn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn đỏ lửa với những tiếng đe, tiếng búa của những người thợ rèn truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, hiện các bễ than đỏ lửa ngày nào hầu như đều đã tắt. Các gia đình chuyển hướng kinh doanh các vật dụng hiện đại hoặc buôn bán mặt hàng dân dụng khác. Cả con phố chỉ còn duy nhất một người đàn ông vẫn giữ nghề truyền thống, hàng ngày bễ lò rèn vẫn đỏ lửa và những tiếng búa vừa mạnh, vừa dứt khoát của ông vẫn vang đều. Ông tên Nguyễn Phương Hùng - được mệnh danh là “dị nhân” còn sót lại ở phố Lò Rèn.
Sở dĩ mọi người gọi ông Hùng là “dị nhân” là bởi ở tuổi 65, ông có sức khỏe như một thanh niên lực điền. Ông Phương Hùng có nước da hồng hào và khỏe khoắn, bắp tay rắn chắc. Ông chia sẻ, một buổi sáng ông có thể sửa chữa, gõ đập vài chục mũi khoan bê tông mà chẳng tốn mấy sức lực. Vừa trò chuyện với khách hàng, ông Hùng vừa nhấc bổng một bao tải bên trong toàn những mũi khoan bê tông nặc trịch, trong khi một thanh niên hơn 30 tuổi gắng sức kéo lê trên sàn nhà mà chiếc tải không xê dịch.
Tuổi đã cao nhưng ông Hùng rất khỏe, vẫn có thể quai búa rèn sắt và ngồi bên bếp lửa đỏ rực.
Khách du lịch và khách đặt hàng khi tận mắt nhìn cách ông làm việc hàng ngày đều trầm trồ, thán phục trước sức khỏe, sự nhanh nhẹn của ông. “Để có sức làm công việc này chắc mỗi bữa ông phải ăn 5-7 bát cơm?”, một vị khách hỏi và muốn xin “bí kíp” sống khỏe của người thợ rèn phố cổ này.
Nghe những lời nói đó, ông Hùng vừa quai búa chan chát, vừa trả lời: “Anh nhầm rồi. Không phải cứ ăn nhiều là khỏe, điều quan trọng nhất không phải nằm ở chỗ đó”. Ông Hùng chia sẻ, bí quyết để ông có được sức khỏe như ngày hôm nay, quan trọng nhất là tinh thần, sau đó tập luyện và cuối cùng mới là ăn uống.
Tinh thần là điều ông cho là quan trọng nhất và là gốc rễ của mọi vấn đề. Theo ông, có tinh thần tốt thì mới có sức khỏe tốt. Có tinh thần tốt ăn uống mới ngon miệng, mới khỏe được. Và có tinh thần tốt thì mới đem lại hiệu quả cao trong công việc.
Ông Hùng là vì đam mê, để giữ nghề chứ không bị áp lực về tiền bạc.
“Bản thân tôi làm việc để cho vui, để giữ nghề truyền thống chứ chẳng áp lực gì về tiền bạc cả. Mình vừa làm chủ, vừa làm thợ và kiêm luôn cả người bán hàng vì thế tôi rất thoải mái, không bị ràng buộc bất cứ điều gì. Nhiều người làm việc mà lúc nào cũng nơm nớp lo phải bán được bao nhiêu hàng, có đủ trả tiền thuê mặt bằng không… Những suy nghĩ đó nếu cứ quẩn quanh trong đầu thì làm sao khỏe được, nó sẽ dẫn tới mất ngủ, lo âu, ăn uống không được và lâu dần thành tâm bệnh”, ông Hùng chia sẻ.
Về ăn uống: Người thợ rèn U70 kể bữa ăn của ông rất đơn giản, luôn có đủ chất đạm và rau xanh. Trong đó, ông ưu tiên các loại rau xanh lên hàng đầu. Mỗi bữa ông thường chỉ ăn 2 lưng bát cơm. “Mọi người cứ nghĩ tôi phải ăn nhiều thịt và cơm thì mới có sức khỏe như vậy, nhưng thực tế thì không phải. Mỗi bữa tôi chỉ ăn vài miếng thịt để đủ nhu cầu chất đạm, còn lại ăn nhiều rau. Bởi nói gì thì tuổi già cũng đang hiện hữu, ăn nhiều thịt sẽ khó tiêu hóa, trong khi ăn rau dễ tiêu hóa hơn”, người đàn ông lý giải.
Do đặc thù công việc nặng nhọc, dễ mất nước nhiều do ngồi bên lò rèn đỏ lửa, ông Hùng thường bổ sung nước bằng cách uống các loại nước ngọt, nước tăng lực. Ông thừa nhận uống nhiều nước ngọt không tốt, nhưng do công việc ông làm sẽ đào thải rất nhanh qua tuyến mồ hôi, vì thế ông không quá lo lắng khi uống các loại nước này.
Ông Hùng nói rằng mình ăn uống rất đơn giản và không phải cứ ăn nhiều mới có sức khỏe.
Về tập luyện: Ông Hùng cho biết, ngoài tập luyện qua công việc nặng nhọc khiến cơ bắp săn chắc, hàng ngày, ông vẫn dậy sớm, tranh thủ hít hà không khí trong lành trên phố buổi sớm mai khi xe cộ chưa qua lại nhiều, kết hợp tập những bài vẩy tay nhẹ nhàng. Trước khi bắt đầu công việc, ngoài ăn sáng đúng giờ, ông không quên pha một ấm trà ngồi nhâm nhi tầm 30 phút.
Cuối cùng, ông Hùng nhắn nhủ mọi người, tùy từng cơ thể và đặc thù công việc mà có chế độ ăn, tập luyện cho phù hợp. Đặc biệt, khi áp dụng cần lắng nghe cơ thể để có điều chỉnh hợp lý nhất cho bản thân.
LÊ PHƯƠNG.