Điểm chuẩn “nhảy vọt", liên tục xô đổ kỷ lục
Không chỉ các ngành liên quan đến Kinh tế, Quản trị thu hút thí sinh xét tuyển ở kỳ thi THPT Quốc gia, khối ngành Sư phạm đang được quan tâm, nhiều thí sinh chọn làm nguyện vọng 1 với ước mơ trở thành thầy, cô giáo. Trong số đó, có nhiều thủ khoa, á khoa của cả nước dự định xét tuyển vào ngành Sư phạm.
Cụ thể, thí sinh Nguyễn Hà Nhi (trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) - thủ khoa toàn quốc, thí sinh Tô Thị Diệu (trường THPT Quảng Xương 4) - thủ khoa khối C00 toàn quốc cùng xét tuyển trường Đại học Sư phạm Hà Nội với nguyện vọng trở thành giáo viên Ngữ văn.
Trong khi đó, thí sinh Đinh Thị Bích Ngọc (trường THPT chuyên Lương Văn Tụy, Ninh Bình) - thủ khoa toàn quốc, vừa là thủ khoa khối C00 dự định chọn học ngành Sư phạm tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội. Nữ sinh dân tộc Thái - Lương Thị Hoài Thu (Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An) - thủ khoa khối C cả nước dự định đăng ký vào trường Đại học Sư phạm Vinh, ngành Tiểu học.
Ngành Sư phạm trong những năm trở lại đây, thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển. Vì thế, qua từng năm, điểm chuẩn của ngành tăng vọt và tạo nên những kỷ lục mới trong các kỳ thi tuyển sinh.
Ngành Sư phạm được chia ra nhiều chuyên ngành, các thí sinh có thể lựa chọn theo sở thích, điểm mạnh của bản thân như Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tiểu học, Sư phạm Ngoại ngữ, ngành Sư phạm các môn thuộc Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội, Sư phạm Giáo dục Đặc biệt…
Hiện nay ở nước ta có rất nhiều trường đào tạo hệ Chính quy ở ngành Sư phạm, khu vực phía Bắc, các trường đại học nổi tiếng với kinh nghiệm giảng dạy ở khối ngành Sư phạm như trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội II, trường Đại học Giáo dục, trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên…
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, các trường đào tạo ngành Sư phạm nổi bật với điểm chuẩn cao ngất ngưởng như trường Đại học Vinh, trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng, trường Đại học Sư Phạm - Huế, trường Đại học Yersin - Đà Lạt…
Ở khu vực phía Nam nổi bật nhất về đào tạo ngành Sư phạm là trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Tiếp theo, các trường khác cũng có chất lượng giảng dạy tốt, được đánh giá cao như trường Đại học Sài Gòn, trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học An Giang (ĐHQG TP.HCM)...
Hiện nay, có rất nhiều trường đại học chuyên đào tạo về ngành Sư phạm trên cả nước.
Năm 2023, đối với các ngành đào tạo giáo viên, ngành có điểm chuẩn cao nhất dựa trên điểm thi THPT Quốc gia là ngành Sư phạm Lịch sử khi vượt mốc 28 điểm. Cụ thể, ở phía Bắc trường Đại học Sư phạm Hà Nội chuyên ngành Sư phạm Lịch sử đạt mức điểm chuẩn lên đến 28,42 điểm, trường ĐH Sư phạm Hà Nội II có điểm chuẩn 28,58 điểm. Trường Đại học Thái Nguyên có mức điểm chuẩn ở ngành Sư phạm Lịch sử là 28 điểm.
Đối với các ngành Sư phạm khác như Sư phạm Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán học, Vật lý, Hoá học… đều có điểm chuẩn cao dao động từ 19 - 27 điểm. So với những năm trước, điểm chuẩn các ngành Sư phạm có xu hướng tăng khi chỉ tiêu ít, sinh viên có học lực Khá - Giỏi xét tuyển vào ngành ngày càng cao.
Năm 2023, trong các ngành đào tạo giáo viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, có 2 ngành mức điểm chuẩn cao trên 28 điểm là: Sư phạm Lịch sử (điểm chuẩn đạt 28,42 điểm, tổ hợp C00), Giáo dục Chính trị (điểm chuẩn đạt 28,13 điểm, tổ hợp C19).
Ở khối xét tuyển C00, các ngành có điểm chuẩn cao như ngành Giáo dục Đặc biệt điểm chuẩn đạt mốc 27,9 điểm, ngành Sư phạm Ngữ văn 27,83 điểm, ngành Sư phạm Địa lý 27,67 điểm. Ở tổ hợp xét tuyển khối A00, ngành Sư phạm Toán học có điểm chuẩn 26,23 điểm, ngành Sư phạm Vật lý điểm chuẩn 25,89 điểm, Sư phạm Tin học điểm chuẩn 24,2 điểm. Các ngành sư phạm, giáo dục khác đều có điểm chuẩn cao, dao động từ 18,3 đến 26,05 tuỳ theo tổ hợp xét tuyển và đặc thù của các ngành phải bắt buộc làm bài thi kiểm tra năng lực.
Các ngành Sư phạm thuộc khối Khoa học Xã hội như Sư phạm Lịch sử, Địa lý, Văn học có điểm chuẩn cao, dao động từ 25 - 28 điểm.
Điểm chuẩn của Trường Đại học Vinh (Nghệ An) năm 2023 cao nhất là ngành Sư phạm Lịch sử với 28,12 điểm, kế đó là Sư phạm Tiếng Anh 27 điểm, Sư phạm Ngữ văn 26,7 điểm, các ngành Sư phạm khác tại trường Đại học Vinh đều có mức điểm chuẩn dao động từ 22,25 đến 26,55 điểm.
Đối với phía Nam, trường đại học Sư Phạm TP.HCM có điểm chuẩn dao động từ 19,4 đến 27 điểm. Trong đó ba ngành Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử và Giáo dục Công dân có điểm chuẩn cao nhất. Ngành Sư phạm Ngữ văn hai năm liên tiếp đạt điểm chuẩn cao nhất, năm 2022 điểm chuẩn ngành này là 28,25 và năm 2023 là 27 điểm. Ngành Sư phạm Lịch sử có mức điểm chuẩn đạt 26,85 và ngành Sư phạm Giáo dục Công dân là 26,75 điểm.
Ngành có tỉ lệ chọi cao, được hỗ trợ học phí
Trong những năm gần đây, điểm chuẩn của các ngành thuộc khối Sư phạm đều có sự tăng trưởng mạnh. Lý giải nguyên nhân này, nhiều chuyên gia cho biết có thể đến từ chỉ tiêu của ngành đang siết chặt dẫn đến tỉ lệ chọi cao. Bên cạnh đó, các trường đại học có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như dựa trên điểm thi THPT Quốc gia, phương thức dựa trên điểm thi Đánh giá năng lực, xét tuyển dựa trên thành tích học tập trong 3 năm đối với học sinh trường Chuyên hoặc nằm trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp vùng, quốc gia… Từ đó, chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức xét tuyển cũng thay đổi, dẫn đến điểm chuẩn của các ngành Sư phạm tăng cao trong những năm gần đây.
Theo PGS.TS Hà Thị Thu Thủy (Trưởng khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) chia sẻ với báo Thái Nguyên cho rằng ngành Sư phạm thu hút được lượng lớn thí sinh nhờ chính sách học phí thay đổi: “Do tác động của quy định chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt đến từ nhà nước dành riêng cho sinh viên sư phạm đã giúp cho các ngành sư phạm nói chung thu hút được học sinh giỏi quan tâm và xét tuyển”.
Sinh viên ngành Sư phạm được hỗ trợ về học phí nên đây trở thành 1 trong những yếu tố giúp ngành thu hút lượng lớn thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển.
Cụ thể, sinh viên khi theo học các khối ngành liên quan đến ngành Sư phạm sẽ được hỗ trợ học phí theo Nghị định 116 của Chính phủ. Sinh viên ngành Sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, sinh viên ngành Sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.
Tuy nhiên, để nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm phải cam kết công tác trong ngành giáo dục sau khi ra trường. Cụ thể, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp, sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng.
Hiện tại, ở các ngành như Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Tin học, Sư phạm Mầm non vẫn còn thiếu nhân lực.
Để theo học các ngành Sư phạm đòi hỏi sinh viên phải có đạo đức tốt, có sự kiên nhẫn và luôn trau dồi kiến thức chuyên môn. Về cơ hội nghề nghiệp, sinh viên ngành Sư phạm sau khi tốt nghiệp có thể giảng dạy trong hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề… Tuỳ theo chuyên ngành, sinh viên Sư phạm có thể lựa chọn định hướng phù hợp với kỹ năng và sở thích của bản thân.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Sư phạm có thể trở thành chuyên viên, cán bộ quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Nhìn chung, cơ hội việc làm của ngành Sư phạm rộng mở, nhu cầu sử dụng nhân lực tại cơ sở giáo dục cấp địa phương đang có chiều hướng tăng, các ngành Sư phạm ít người đăng ký theo học như Sư phạm Mầm non, Sư phạm Tin học hay Âm nhạc càng “khát” nhân lực. Trong tương lai, ngành Sư phạm vẫn được dự đoán sẽ là ngành hot. Cùng với sự hỗ trợ đến từ các cấp, ban ngành, ngành Sư phạm tiếp tục được chú trọng phát triển và sinh viên sẽ được đảm bảo về cơ hội việc làm sau khi ra trường.
TẤN PHƯỚC